Vụ đấu giá Khu dân cư Hòa Lân, Bình Dương: Cố ý làm trái và lộ diện của nhóm lợi ích?

24/11/2019 08:11

 Dự án Khu dân cư (KDC) Hòa Lân (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương) có diện tích 490.765 m2 do Công ty TNHH - SXTM Thiên Phú làm chủ đầu tư, được thế chấp tại Chi nhánh Chợ lớn - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank Chợ Lớn) cho gói vay hơn 1.100 tỷ đồng . Do không có khả năng trả nợ, Thiên Phú đã ký biên bản thỏa thuận giao tài sản này để ngân hàng trên xử lý thu hồi nợ…

 Dự án Khu dân cư (KDC) Hòa Lân (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương) có diện tích 490.765 m2 do Công ty TNHH - SXTM Thiên Phú làm chủ đầu tư, được thế chấp tại Chi nhánh Chợ lớn - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank Chợ Lớn) cho gói vay hơn 1.100 tỷ đồng . Do không có khả năng trả nợ, Thiên Phú đã ký biên bản thỏa thuận giao tài sản này để ngân hàng trên xử lý thu hồi nợ…

1. Vay vốn, mất vốn

Ngày 26/3/2007, Công ty Thiên Phú ký hợp đồng tín dụng (HĐTD) 28.0307.15/HĐTD với Agribank Chợ Lớn và thực hiện theo Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN1 ngày 03/10/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) để vay 738,2 kg vàng hạt (tương đương 250 tỷ đồng hoặc tương đương 18.634,266 lượng vàng AAA hoặc SJC). Theo Điều 3 Hợp đồng, hạn trả nợ cuối cùng là 25/10/2010.

Ngày 29/10/2010, NHNN ban hành Thông tư 22/2010/TT-NHNN về huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 29/10/2010 và thay thế cho Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN1. Theo đó, các HĐTD cho vay theo QĐ 432/2000/QĐ-NHNN1 được thực hiện cho đến khi hết thời hạn HĐTD. Như vậy, về nguyên tắc Agribank Chợ Lớn phải quy đổi dư nợ bằng vàng của HĐTD 28.0307.15/HĐTD ra VND tính từ ngày hiệu lực của Thông tư 22/2010/TT-NHNN là ngày 29/10/2010.

Mô tả ảnh
Agribank Chợ Lớn cố ý làm trái Thông tư 22/2010/TT-NHNN về huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng

Thế nhưng, từ sau ngày 29/10/2010 Agribank Chợ Lớn vẫn tiếp tục duy trì HĐTD cho vay bằng 18.634,266 lượng vàng (ngày 11/01/2013 Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú tiếp tục ký Phụ lục số 28.0307.15/06/PKHĐ của HĐTD quy định tổng số vàng cho vay là 18.634,266 lượng vàng và đến ngày 31/12/2013 Agribank Chợ Lớn mới quy đổi vàng ra VNĐ như văn bản thông báo ngày 18/04/2019 Agribank Chợ Lớn).

Như vậy, rõ ràng HĐTD 28.0307.15/HĐTD ngày 26/3/2007 (được sửa đổi bổ sung bằng các Phụ kiện/phụ lục của HĐTD) đã vi phạm quy định của pháp luật (Thông tư 22/2010/TT-NHNN, có hiệu lực ngày 29/10/2010) và do đó bị vô hiệu theo quy định tại điểm b. k1 Điều 122, Điều 127 và Điều 128 Bộ luật dân sự 2005.

Theo quy định tại Điều 137 Bộ luật dân sự 2005, các quyền, nghĩa vụ dân sự của Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú theo HĐTD 28.0307.15/HĐTD chấm dứt kể từ thời điểm ngày 29/10/2010, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Công ty Thiên Phú phải hoàn trả cho Ngân hàng Agribank 18.634,266 lượng vàng quy đổi ra VND theo giá vàng SJC tại ngày 29/10/2010 là: 18.634,266 lượng x 32.980.000 VND = 614.559.214.000 VND.

Do vậy, Công ty Thiên Phú chỉ phải thanh toán tối đa số nợ gốc đã quy đổi của HĐTD 28.0307.15/HĐTD cho Agribank Chợ Lớn là 614.559.214.000 VND, nhưng trên thực tính Công ty Thiên Phú đã phải trả 812.689.720.000 VND như Agribank Chợ Lớn yêu cầu bao gồm khoản lãi của giai đoạn HĐTD vô hiệu, gây thiệt hại cho Công ty Thiên Phú hơn 198 tỷ đồng.

Theo Kết luận thanh tra số 3117/KL-TTCP ngày 24/12/2013 của Thanh tra Chính phủ, thì đây là vụ việc có dấu hiệu cấu thành ”tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng“ theo Điều 179 Bộ luật Hình sự 2009. Song đến nay chưa có cơ quan bảo vệ pháp luật nào làm rõ kiến nghị xử lý của Thanh tra Chính phủ.

Thời điểm này ông Phạm Đăng Bộ làm giám đốc Agribank Chợ Lớn. Ai và những ai nữa phải chịu trách nhiệm cho hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự này?

2. Thế chấp, mất tài sản

Ngày 17/6/2015, Hợp đồng 10/2015/ĐGNSG bán đấu giá tài sản được xác lập giữa Agribank Chợ Lớn là bên ủy quyền bán đấu giá tài sản là KDC Hòa Lân với bên yêu cầu nhận bán đấu giá tài sản là Công ty Cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (DVĐGNSG).

Các căn cứ pháp lý khi xác lập hợp đồng này là Bộ luật Dân sự 2005; Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/201 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06 tháng 12 năm 2010của Bộ Tư pháp V/v: Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010; Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND ngày 21/9/2012 của UBND TP Hồ Chí Minh; Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch đảm bảo; Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch đảm bảo. Hợp đồng hoàn toàn không có căn cứ pháp lý nào khác.

Mô tả ảnh
Vụ đấu giá Khu dân cư Hòa Lân, Bình Dương: Nhiều sai phạm và dấu hiệu của lợi ích nhóm? 

Qua nhiều “uẩn khúc” khó hiểu, dù Công ty A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh) đã không đáp ứng đầy đủ các quy chế đấu giá (được xác lập trên các cơ sở pháp lý nói trên), họ vẫn được tham gia và đấu giá thành ở phiên thứ 12 (kéo dài từ ngày 09/7/2015 đến 25/5/2017) với giá là 1.353 tỷ đồng sau khi giá khởi điểm đã bị giảm từ 1.467,7 tỷ đồng xuống còn 963 tỷ đồng.

Từ kết quả chỉnh sửa và thay đổi đó đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ tài sản là Công ty Thiên Phú, và có nguy cơ làm thất thoát tài sản Nhà nước. Những sai phạm này cũng đã được Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ ra tại Kết luận thanh tra số 62/KL-TTR ngày 24/12/2018.

Ai đã cho mình quyền chỉnh sửa, thay đổi quy chế bán đấu giá (được xác lập tại Hợp đồng 10/2015/ĐGNSG) để hợp pháp hóa kết quả đấu giá thành cho Công ty Kim Oanh?

3. Câu kết, trục lợi?

Có hành vi thông đồng để loại bỏ doanh nghiệp (Công ty Thủ Đức House) có đủ năng lực tài chính thanh toán tiền bán đấu giá được tham gia đấu giá đúng pháp luật

Ngân hàng Agribank Chợ Lớn có hành vi thông đồng, thỏa hiệp trái pháp luật với Công ty Kim Oanh trong việc chuyển nhượng tài sản gây thiệt hại cho Công ty Thiên Phú.

Trước khi bán đấu giá thành, ngày 28/4/2017 Công ty Thủ Đức House có công văn số 611/TT – CT ngày 284/2017 gửi ngân hàng “cam kết sẽ trả tiền ngay nếu trúng đấu giá” theo đúng yêu cầu tại công văn số 196/NHNoCL – TD ngày 28/4/2017 của Agribank Chợ Lớn. Sau khi Công ty Kim Oanh trúng đấu giá, Thủ Đức House lại gửi tiếp công văn số 753/CV – CT ngày 30/5/2018 với nội dung: “Nếu đơn vị trúng đấu giá (Công ty Kim Oanh) không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thanh toán theo biên bản bán đấu giá ngày 25/5/2017, rất mong Agribank, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn, Công ty Thiên Phú và đại diện Phòng công chứng Mỹ Phước thực hiện đúng quy định là hủy kết quả đấu giá, ngừng triển khai các thủ tục pháp lý có liên quan và tổ chức đấu giá lại để các đơn vị khác có năng lực thanh toán được có cơ hội tham gia đấu giá lại”.

Ngày 06/6/2017 Agribank Chợ Lớn ban hành Công văn số 271/TB-NHNoCL-TD phúc đáp công văn số 753/CV – CT của Thủ Đức House nêu trên “...4. Nếu quá 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành, Công ty A Đông Hải (nay là công ty Kim Oanh) không thực hiện đúng các Điều, Khoản quy định tại Biên bản bán đấu giá tài sản ngày 25/5/2017 và hợp đồng mua bán tài sản, Chi nhánh sẽ đề nghị Công ty đấu giá Nam Sài Gòn tiến hành các thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật”, nhưng thực tế ngày 01/7/2017 Agribank Chợ Lớn đã cùng các bên bất chấp vi phạm pháp luật (khi mà Công ty Kim Oanh chưa trả hết tiền trúng đấu giá và tài sản đấu giá vẫn đang được thế chấp trong ngân hàng) để lập hợp đồng mua bán tại Văn phòng công chứng Thành Phố Mới tỉnh Bình Dương.

Ngày 10/7/2017 Thủ Đức House lại tiếp tục có Công văn số 110/CV-CT gửi Văn phòng đại diện Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Khu vực Miền Nam, Agribank Chợ Lớn, Công ty đấu giá tiếp tục đề nghị hủy và tổ chức đấu giá lại…Tuy nhiên, mọi đề nghị của Thủ Đức House chừng như đã không có một giá trị nào.

Liệu Agribank Chợ Lớn - Công ty đấu giá Nam Sài Gòn - Công ty Kim Oanh - Văn phòng công chứng Thành Phố Mới tỉnh Bình Dương đã tạo ra một liên minh trong vụ đấu giá này vì lợi ích của một ai đó?

Và nếu điều đó là sự thật thì hành vi này liệu có dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản được quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015?

Tieudung.vn sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc này.

Nhóm PV - Theo Tiêu Dùng
https://tieudung.vn/doi-song/vu-dau-gia-khu-dan-cu-hoa-lan-binh-duong%3A-co-y-lam-trai-va-lo-dien-cua-nhom-loi-ich-37623.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30&fbclid=IwAR0TEGZlDwdbdFIbNeponShBw9OjIKxFtQVzUWuKu5KfWJBqL1OUJcbAF2g

Bạn đang đọc bài viết "Vụ đấu giá Khu dân cư Hòa Lân, Bình Dương: Cố ý làm trái và lộ diện của nhóm lợi ích?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.