Năm 2022 đã khép lại, năm 2023 bắt đầu. Những tín hiệu tích cực những ngày cuối năm khiến nhiều chuyên gia dự đoán năm 2023 sẽ là một năm sôi động. Ngay từ lúc này, nhà đầu tư lại một lần nữa nhìn lại thị trường, lựa chọn cho mình những cổ phiếu tâm đắc nhất.
Một tin vui cho các tín đồ công nghệ, cho các nhà đầu tư đam mê sở hữu cổ phiếu công nghệ, là thị trường chứng khoán sắp đón thêm một thành viên mới - một công ty nổi tiếng trong làng công nghệ - doanh nghiệp chủ sở hữu ứng dụng Zalo triệu người mê: CTCP VNG.
Ngày 5/1/2023 tới đây CTCP VNG sẽ chính thức giao dịch phiên đầu tiên trên sàn Upcom – mang theo sứ mệnh của một doanh nghiệp “xông đất” sàn chứng khoán Việt Nam năm 2023. Với số vốn điều lệ khá khiêm tốn, hơn 358 tỷ đồng tương ứng hơn 35,8 triệu cổ phiếu giao dịch, nhưng VNG đang được các nhà đầu tư “săn” thông tin ráo riết. Mã chứng khoán của công ty sẽ là VNZ.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2022 vừa trải qua những biến động, nhà đầu tư đã “quen mắt” với những cổ phiếu giao dịch ở vùng giá thấp thì VNG lại một lần nữa đánh vào tâm lý, làm gia tăng sự hưng phấn của nhà đầu tư với thông báo giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 240.000 đồng/cổ phiếu – tương ứng định giá doanh nghiệp ngày chào sàn khoảng 8.600 tỷ đồng.
Trên thị trường, hiện tại VCF của Vinacafe Biên Hoà đang có mức giá 223.000 đồng/cổ phiếu. VCF cũng gần như rất hiếm khi có cổ phiếu giao dịch trên sàn. Do vậy nếu mấy phiên đầu năm, ngày 3 và 4/1 VCF đều chốt phiên ở giá tham chiếu, thì với mức giá chào sàn này, VNZ sẽ thế chân VCF của Vinacafe Biên Hoà trở thành cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất ngay lúc chào sàn.
VNG tiền thân là công ty VinaGame - được thành lập từ năm 2004 – là công ty công nghệ với mảng sản phẩm chính ban đầu là trò chơi trực tuyến với mong muốn phát triển kỷ nguyên game nhập vai tại Việt Nam. Thời điểm ban đầu VNG có vốn điều lệ 15 tỷ đồng.
Chỉ 1 năm sau đó, năm 2005 công ty ký hợp đồng với Kingsoft để mang về game Võ Lâm Truyền Kỳ - một game mang đến “cơn sốt” cho người chơi tại thời điểm đó và tên tuổi VinaGame bắt đầu nổi lên trong làng công nghệ.
Hành trình phát triển của VNG gắn liền với những sản phẩm lưu danh đến nay như “hệ sinh thái” liên quan cổng thông tin Zing bao gồm ZingMP3, Zing Play… và trước đó còn có Zing Me – mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam - nhưng hiện đã không còn tồn tại. Công ty đổi tên thương hiệu thành VNG Corporation để tương xứng với hoạt động kinh doanh mới.
Dấu ấn lớn trong làng công nghệ của VNG còn phải kể đến Zalo - ứng dụng tin nhắn và gọi điện quen thuộc hiện nay trên máy tính và di động của người dùng. Ứng dụng Zalo ra đời đầu tiên từ năm 2012-2013 với các tính năng nhắn tin, gọi điện miễn phí. Cuối năm 2016 ví điện tử ZaloPay – sản phẩm thanh toán điện tử - ra đời đánh dấu bước đi quan trọng trong việc thanh toán qua ví điện tử. Tuy nhiên sau chục năm ra đời, mới đây Zalo thông báo từ 1/8/2022 sẽ tiến hành thu phí với 3 gói thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam. Động thái này thời điểm đó đã tác động lớn đến người dùng, rất nhiều người đưa ra những so sánh, lựa chọn giữa Zalo và những ứng dụng khác có tính năng tương đồng để đưa ra lựa chọn khác khi cần thiết.
Trở lại với VNG, năm 2014 VNG được World Start-up Report định giá 1 tỷ USD - trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Cái danh “kỳ lân công nghệ” vẫn gắn theo VNG đến nay. Trong khi đó, trên thực tế, nếu đánh giá theo vốn hoá ngày chào sàn 8.600 tỷ đồng – thì mức định giá hiện tại đối với VNG thua xa thời điểm năm 2014.
Suốt 18 năm từ ngày thành lập, VNG đã rất nhiều lần tiến hành tăng vốn. Phần lớn trong số đó làn những đợt phát hành cổ phiếu ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Một số đợt tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phiếu ESOP thường không cao, quanh các mức giá 10.000 – 30.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý nhất là những đợt phát hành cổ phiếu cho đối tác là các nhà đầu tư nước ngoài, phát hành cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược đều với giá rất cao. Trong đó cao nhất là đợt phát hành 294.309 cổ phần riêng lẻ cho 1 đối tác duy nhất với giá 666.345 đồng/cổ phần vào năm 2015 – khi VNG được ghi nhận là kỳ lân công nghệ Việt Nam.
Hiện tại hệ thống của VNG có 11 công ty con trực tiếp và 14 công ty con gián tiếp và 1 quỹ từ thiện cộng đồng. Công ty đang bao quát nhiều mảng kinh doanh công nghệ từ trờ chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán điện tử, dịch vụ đám mây…
VNGGame là một trong 4 mảng kinh doanh chủ lực của VNG – là một trong những nhà phát hành game hàng đầu tại Việt Nam với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Thị trường của công ty không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ra Thế giới bắt đầu từ các quốc gia Đông Nam Á, đến Nam Mỹ & Latin. Năm 2021 VNGGame được nhận giải thưởng “Hạng 5 trong TOP 10 nhà phát hành game có trụ sở tại Đông Nam Á và Úc, Newzelands có doanh thu lớn nhất ghi nhận bởi AppAnnie”. VNGGame đang đặt mục tiêu đạt 230 triệu khách hàng vào năm 2023.
ZingPlay là cổng game giải trí đa nền tảng nhằm tập hợp các game tự phát triển bởi đội ngũ kỹ sư của VNG. Hiện tại ZingPlay cũng đã ra mắt và vận hành được hơn 30 đầu game thuộc mọi thể loại.
ZaloPay – mảng thanh toán trực tiếp ứng dụng trên điện thoại di động nhằm phục vụ mọi nhu cầu thanh toán. ZaloPay đã kết nối đến hầu hết các ngân hàng và đối tác lớn như Tiki, Lazada, BigC, điện máy Xanh, Lotte Mart… Hiện tại người dùng đã có thể nhận tiền, chuyển tiền, nạp/mua thẻ điện thoại, thanh toán hoá đơn, mua sắm hàng hoá, quét QR tại quầy… với ZaloPay.
VNG Cloud – dịch vụ đám mây cung cấp những dịch vụ và giải pháp điện toán đám mây, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số...
Đối với hoạt động kinh doanh, dịch vụ trò chơi trực tuyến đang là mảng kinh doanh cốt lõi mang về khoảng 70-80% tổng doanh thu những năm gần đây cho VNG. Tiếp theo là phần doanh thu từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến, bao gồm cả quảng cáo trên các trang web, trang chủ các trò chơi và nền tảng kết nối, đóng góp khoảng 13-16% tổng doanh thu. Số còn lại là doanh thu từ dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet (các sản phẩm zalopay và VNGCloud) và các dịch vụ khác như dịch vụ nhạc chờ và bản quyền bài hát trên ZingMP...
Số liệu ghi nhận doanh thu năm 2021 đạt 7.649 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ mảng dịch vụ trờ chơi trực tuyến đã đạt 6.157 tỷ đồng, đóng góp trên 80% tổng doanh thu và tăng 26% so với năm trước đó. Trong khi doanh thu từ mảng quảng cáo trực tuyến vẫn đạt mức tăng 1,83% lên trên 1.001 tỷ đồng nhưng chỉ chiếm tỷ trọng hơn 13% tổng doanh thu cả năm.
Tuy vậy tình hình kinh doanh của công ty đang gặp khó khăn khi 9 tháng đầu năm 2022 lỗ 764 tỷ đồng dù doanh thu vẫn tăng nhẹ từ 5.725 tỷ đồng 9 tháng đầu năm ngoái lên 5.764 tỷ đồng, tăng cùng kỳ năm nay. Cùng kỳ năm ngoái VNG ghi lãi 197 tỷ đồng sau thuế.
Các nguyên nhân dẫn đến lỗ lớn đến từ nhiều tiêu chí: Chi phí vốn bỏ ra lớn, doanh thu tài chính giảm, các công ty liên doanh liên kết lỗ lớn, chi phí bán hàng tăng 20% lên 2.930 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 34% lên 1.000 tỷ đồng…
VNG đang gây chú ý bởi các khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết. Tổng giá trị 7 khoản đầu tư vào liên doanh liên kết có giá trị đầu tư ban đầu 1.876 tỷ đồng và giá trị còn lại đến 30/9/2022 1.273 tỷ đồng – tương ứng âm vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng.
Trong đó khoản đầu tư hơn 510 tỷ đồng vào Tiki Global đã lỗ hết toàn bộ vốn do phải gánh lỗ từ công ty này, giá trị còn lại bằng 0. Tiki Global là một công ty trách nhiệm hữu hạn đăng ký tại Singapore, hoạt động trong mảng đầu tư. Tại ngày 30/9/2022 VNG còn nắm giữ 14,64% quyền sở hữu của Tiki Global.
Khoản đầu tư hơn 33 tỷ đồng vào Rocketeer Holding Limited (Rocketeer) – là một công ty trách nhiệm hữu hạn đăng ký tại đảo Cayman, hoạt động chính trong mảng đầu tư. Tại ngày 30/6/2022 VNG đã lỗ từ công ty này lên đến 5,7 tỷ đồng, giá trị còn lại gần 27,3 tỷ đồng. VNG đang nắm giữ 11,25% quyền sở hữu tại Rocketeer.
Khoản đầu tư gần 81 tỷ đồng ban đầu vào Ecotruck – một công ty công nghệ thành lập năm 2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2022 VNG đầu tư thêm hơn 50,8 tỷ đồng vào Ecotruck nâng tổng giá trị đầu tư đến 30/9/2022 lên hơn 131,6 tỷ đồng tương ứng 25% quyền sở hữu. Khoản đầu tư này của VNG ghi nhận lỗ luỹ kế lên gần 19,3tỷ đồng, tương ứng giá trị còn lại hơn 11 tỷ đồng tính đến 30/9/2022.
Khoản đầu tư hơn 138 tỷ đồng vào DayOne khiến VNG ghi nhận “âm vốn đầu tư” 820 triệu đồng tính đến 30/9/2022. DayOne được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 5/2015 với hoạt động chính trong mảng thương mại điện tử. Hiện VNG nắm 27,27% quyền sở hữu và quyền biểu quyết tại tại DayOne.
Khoản đầu tư hơn 35,3 tỷ đồng vào Beijing Youtu Interactive Co.,Ltd (Beijing Youtu”) tương ứng 14% quyền sở hữu. Giá trị còn lại của khoản đầu tư này cũng đang “âm” mấy chục triệu đồng.
Trong năm 2022 VNG đầu tư mới vào Telio và Funding – và giá trị khoản đầu tư này cũng đang “âm” tính đến 30/9/2022.
Cụ thể, khoản đầu tư hơn 512 tỷ đồng vào Telio – một doanh nghiệp có trụ sở tại Prudential Tower, 30 Cecil Street, Postal, thành lập năm 2019, hoạt động trong lĩnh vực phát triển ứng dụng thương mại điện tử - đang “âm” khoảng 46,2 tỷ đồng. Hiện VNG sở hữu 16,7% quyền sở hữu tại Telio.
Khoản đầu tư vào Funding có tổng mức đầu tư ban đầu gần 512,55 tỷ đồng và tạm “âm” đến 30/9/2022 là 21,4 tỷ đồng. Funding Asia Group Pte.Ltd là doanh nghiệp thành lập tháng 10/2015 có trụ sở tại Singapore, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư. Hiện VNG nắm giữ 5,11% quyền sở hữu tại doanh nghiệp này.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 không thuận lợi. Nhiều khoản đầu tư đang chưa sinh lãi, nhưng những tài sản VNG mang theo khi lên sàn cũng không hề nhỏ.
Tính đến 30/9/2022 tổng tài sản VNG đạt gần 9.200 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền đạt gần 2.450 tỷ đồng – chủ yếu là các khoản tiền gửi tại ngân hàng; đầu tư vào công ty liên doanh liên kết còn 1.273 tỷ đồng (như nêu trên).
Nợ phải trả hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn hơn 430 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, dù lỗ hơn 740 tỷ đồng từ đầu năm, nhưng phần tích luỹ lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối lớn trước đó nên VNG vẫn còn 5.867 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 30/9/2022. Ngoài ra, số cổ phiếu quỹ đang có ghi nhận giá trị khoảng 1.900 tỷ đồng và hơn 1.100 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Vốn chủ sở hữu đạt gần 5.600 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu hơn 358 tỷ đồng.
Về cơ sở vật chất, báo cáo tài chính quý 3/2022 ghi nhận khoản đầu tư vào Dự án VNG Data Center đã lên đến 770 tỷ đồng tính đến 30/9/2022, tăng gần 700 tỷ đồng so với con số đầu tư đến thời điểm đầu năm. Giá trị này đang ghi nhận vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Website của VNG ghi nhận năm 2019 công ty đã khánh thành trụ sở làm việc VNG Campus tại quận 7 Thành phố Hồ Chí Minh trong đó văn phòng có mặt sàn 52.000m2 với nhiều khu chức năng rất năng động với nhiều tiêu chí của một văn phòng kiểu mở với thế hệ trẻ năng động.
Về nhân lực: VNG cho biết phát triển cá nhân và nghề nghiệp luôn là ưu tiên. “Được thành lập bởi những game thủ trẻ đầy hoài bão và nhiệt huyết, VNG luôn tin rằng người trẻ có thể làm nên những điều ngoài sức tưởng tượng”.
Vị thế: được gắn liền với tên “kỳ lân công nghệ”, VNG được xem là một trong những công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, nổi danh trong làng phát triển game khu vực. Khối phát hành game của VNG từng được nhận nhiều giải thưởng tiêu biểu. Ngoài ra nhiều ứng dụng của các sản phẩm VNG vẫn đang được người dùng biết đến rộng rãi, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Triển vọng ngành: ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đến cuối năm 2022 đã đạt trên 70.000 doanh nghiệp. Sở hữu VNGCloud với các giải pháp công nghệ, VNG đang góp phần kiến tạo những sản phẩm công nghệ và giải quyết các khó khăn trong hành trình chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp.
Đầu tư vào ngành công nghệ đang là xu hướng đầu tư HOT hiện nay. VNG thông báo đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán khiến các nhà đầu tư có thêm cơ hội. Tuy vậy liệu các nhà đầu tư có dễ dàng có cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp này?
Thứ nhất: Cơ cấu cổ đông ngày lên sàn của VNG ghi nhận trong số hơn 35,8 triệu cổ phiếu giao dịch đã có 7,1 triệu cổ phiếu quỹ tạm bị “loại khỏi cuộc chơi”, tương ứng khoảng 20% lượng cổ phiếu không được giao dịch. Số còn lại hơn 28,73 triệu cổ phiếu, thì VNG Limited sở hữu 61,12%, Founder & CEO Lê Hồng Minh sở hữu 12,27%; Công ty Công nghệ BigV sở hữu 5,72%.
Điều này cũng có nghĩa, tạm thời nếu các cổ đông lớn đang “giữ chặt” hàng trong tay, thì cũng chỉ còn lại hơn 6 triệu cổ phiếu “tự do” được giao dịch. Những cổ phiếu “tự do” này nằm trong tay ai? Rất có thể phần lớn là đang trong tay những nhân viên VNG sau mỗi lần công ty phát hành cổ phiếu ESOP và chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Thứ hai: Giá bán. Trên thực tế, với giá chào sàn “khủng” 240.000 đồng/cổ phiếu, rất có thể có nhân viên công ty sẽ hiện thực hoá lợi nhuận sau nhiều năm gắn bó cùng công ty. Do vậy nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng về số cổ phiếu “tự do” trên sàn.
Thứ 3: Nếu nhìn giá phát hành riêng lẻ cho các cổ đông, đối tác chiến lược của VNG những lần tăng vốn, nhà đầu tư hoàn toàn có thể hiểu được cái mức giá chào sàn cao. Bên cạnh đó, từ việc định hình là một “kỳ lân công nghệ”, sức hút của VNG trong lĩnh vực này là không hề nhỏ.
Chỉ còn mấy ngày là đến phiên giao dịch đầu tiên của VNZ. Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào doanh nghiệp mang theo sứ mệnh “xông đất” sàn chứng khoán năm 2023 tạo được những dấu ấn trên thị trường chứng khoán.