Thị trường chứng khoán tuần qua nhiều thời điểm vấp phải áp lực rung lắc mạnh, tuy nhiên, chỉ số chính VN-Index vẫn duy trì được đà tăng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có một tuần giao dịch rung lắc sau khi VN-Index vượt xa khỏi mốc 800 điểm ở tuần trước. Thị trường diễn biến tích cực trong 2 phiên giao dịch đầu tuần sau đó chịu những sự rung lắc nhất định ở các phiên còn lại. VN-Index đã có liền 3 phiên giảm ở các ngày cuối tuần. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1,6% lên 827,03 điểm, trong khi đó, HNX-Index giảm nhẹ 0,9% xuống 109,02 điểm. UPCoM-Index chỉ tăng 0,45% lên 53,15 điểm.
Thị trường gặp rung lắc nhưng khá nhiều nhóm ngành vẫn ghi nhận được sự tích cực như Công nghệ thông tin, Hàng tiêu dùng, Ngân hàng… Tại top 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, đa phần biến động không quá mạnh trong tuần qua ngoại trừ một số mã như TPB, HNG, TCB, SHB, VJC… Trong đó, TPB tăng 20,7% lên 21.850 đồng/cp. HNG tăng 11,6% lên 14.400 đồng/cp. Tuần qua, một thông tin đáng chú ý được cho là giúp HNG bứt phá đó là Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa đăng ký mua gần 26 triệu cổ phiếu HNG. Nếu giao dịch thành công, Thaco sẽ nâng sở hữu từ mức 26,29% lên 28,62% vốn. Thời gian giao dịch dự kiến từ 19/5 - 17/6/2020. Tiếp đến một cổ phiếu ngân hàng khác là TCB cũng tăng mạnh 7,14% sau 1 tuần giao dịch.
Chiều ngược lại, SHB gây thất vọng khi giảm đến 8,8% xuống chỉ còn 15.500 đồng/cp, cổ phiếu hàng không là VJC cũng giảm 5% xuống 114.000 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra tương đối rõ nét, tuy nhiên, sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn đôi chút. Các cổ phiếu như TEG, FDC, NTB, HD8, LMH, TIG, DXG, TDH hay HAR đều đồng loạt bứt phá ở tuần qua. TEG tăng giá đến hơn 25% từ mức 2.900 đồng/cp lên thành 3.630 đồng/cp, DXG tăng 8,38% lên 10.600 đồng/cp, TDH tăng 7,69% lên 28.000 đồng/cp.
Tuần giao dịch vừa qua là khoảng thời gian không mấy tích cực đối với các “ông lớn” trong nhóm bất động sản. VHM chỉ có được mức tăng nhẹ 0,99% lên 71.600 đồng/cp. Trong khi đó, VRE giảm đến 4,7% xuống 24.100 đồng/cp. VIC giảm 0,51% xuống 97.000 đồng/cp, còn NVL giảm 2,4% xuống 52.600 đồng/cp.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ khác như API, TIX, CLG, C21, IDJ, HTN… đều giảm khá mạnh. Trong đó, API mất đến 17,8% giá trị, EFI giảm 15%, TIX giảm 12,8%, CLG giảm 11,7%.
Thanh khoản tiếp tục tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng 6.500 tỷ đồng mỗi phiên trên hai sàn chính là HoSE và HNX, trong đó, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 26,1% lên 29.717 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 22,2% lên 1,6 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 36,8% lên 2.808 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 33,6% lên 315 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng hơn 2.131 tỷ đồng so với mức bán ròng gần 2.772 tỷ đồng của tuần trước. Tương tự như tuần trước đó, giao dịch của khối ngoại vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ giao dịch thỏa thuận “khủng” của một số cổ phiếu, ở tuần trước VHM bị bán ròng thỏa thuận mạnh nhưng sang đến tuần này, MSN được mua ròng thỏa thuận 2.335 tỷ đồng và chủ yếu thực hiện trong phiên 14/5. CCQ VFMVN Diamond cũng được mua ròng thoả thuận hơn 454 tỷ đồng. Chiều ngược lại, PC1 bị bán ròng thỏa thuận gần 415 tỷ đồng.
Trong top 10 mã bị bán ròng mạnh nhất thị trường có 2 cổ phiếu bất động sản là VIC và VRE với giá trị bán ròng lần lượt 263 tỷ đồng và 130 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM là mã bất động sản duy nhất lọt vào top 10 mua ròng với gần 40 tỷ đồng.
Đối với khối tự doanh công ty chứng khoán, sự đảo chiều cũng diễn ra. Trong khi khối ngoại quay đầu mua ròng đột biến thì tự doanh CTCK bán ròng hơn 975 tỷ đồng. DXG và NLG là 2 mã bất động sản được tự doanh CTCK mua ròng mạnh với 16 tỷ đồng và 12 tỷ đồng. Trong khi đó, NBB bị bán ròng mạnh với 9,2 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 5 tiếp tục duy trì basis âm nhẹ với 7,25 điểm, trong bối cảnh chỉ còn bốn phiên nữa là đáo hạn thì theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) điều này tiếp tục cho thấy nhà đầu tư trên thị trường phái sinh vẫn nghiêng về khả năng điều chỉnh.