Dự án Hinode City của Vietracimex vẫn đưa cư dân vào ở, mặc cho Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trước đó đã nêu rõ sai phạm và yêu cầu xử lý, khắc phục.
Mới đây, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã thông tin cho báo chí về sai phạm dự án Hinode City do Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư. Theo đó, mặc dù đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt và yêu cầu khắc phục nhưng chủ đầu tư này phớt lờ, không khắc phục theo yêu cầu và vẫn tiếp tục vi phạm.
Theo đó, công trình Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ tại số 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội (Hinode City) đã được Cục Giám định kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng và có Thông báo số 89/GĐ-ATXD/GT ngày 06/02/2020, kết luận dự án chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng.
Theo tìm hiểu của Phóng viên Doanh Nhân Việt Nam, dự án này đã đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019. Mọi hoạt động tại khu chung cư này vẫn diễn ra hết sức “bình thường”, mặc cho những tiềm ẩn về an toàn công trình vẫn còn đó.
Trong thực tế, những nguy cơ này là hoàn toàn hiện hữu khi trong thời gian vừa qua đã liên tiếp xẩy ra các vụ cháy, nổ liên quan đến nhà chung cư khi chưa đủ điều kiện về PCCC nhưng đã tổ chức bàn giao cho cư dân về ở.
Được biết, Dự án Hinode City có diện tích sử dụng đất hơn 2,8ha, tổng mức đầu tư hơn 4.825 tỷ đồng và tiến độ thực hiện dự án điều chỉnh từ quý I/2017 đến quý I/2021. Dự án gồm 3 khối công trình (tòa nhà hỗn hợp dịch vụ, thương mại văn phòng và nhà ở - Ký hiệu khối 01; hai tòa nhà chung cư - Ký hiệu khối 02 và 03).
Trước đó, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) đã xử phạt Công ty Vietracimex (chủ đầu tư dự án) 103 triệu đồng đối với 2 hành vi vi phạm. Cụ thể, chủ đầu tư dự án Hinode City đã thi công, lắp đặt không đúng thiết kế về PCCC đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt và đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC. Thời gian khắc phục các vi phạm nêu trên là 30 ngày.
Cùng đó, UBND quận Hai Bà Trưng quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex vì hành vi bàn giao, đưa công trình vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan chức năng. Hành vi vi phạm tại dự án Hinode City bị xử phạt 75 triệu đồng. Thời gian khắc phục vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND quận Hai Bà Trưng là 15 ngày.
Ngày 18/8/2019, UBND quận Hai Bà Trưng đã ký Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex về hành vi vi phạm "tổ chức xây dựng sai giấy phép xây dựng" số tiền 40 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư trong thời gian 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Vietracimex phải làm thủ tục đề nghị cơ quan thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Vietracimex tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải nhưng nay đã trở thành công ty cổ phần. Trải qua gần 60 năm hoạt động, Vietracimex đã phát triển vượt bậc, trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành. Hiện tại Vietracimex sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính gồm: Bất động sản, Sản xuất công nghiệp, Năng lượng và Thương mại dịch vụ.
Được biết, Ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của Vietracimex đã từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm. Cụ thể, Theo Kết luận Thanh tra, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án thí điểm cổ phần hóa Vietracimex, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và Vietracimex đã nỗ lực để chuyển thành mô hình hoạt động công ty mẹ con từ ngày 1/1/2006. Mặc dù vậy, trong quá trình chuyển đổi, đã có nhiều vi phạm tại Vietracimex làm đảo ngược mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ đề án thí điểm cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, ông Võ Nhật Thăng khi đó là người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty mẹ Vietracimex đã cố ý làm trái quy định trong việc tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 3/6/2006, chuyển công ty mẹ trong mô hình mẹ - con từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, trong đó ông Thăng có vốn góp chiếm 93,37% vốn điều lệ.