Từ năm 2020, VietinBank vào tròng áp lực khi buộc phải hoàn thành đề án Base II, nổi cộm là việc tăng vốn cũng như tăng trưởng tín dụng. Song, đại dịch Covid-19 đã đẩy VietinBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm, bị hạ tín nhiệm xếp hạng, gặp rắc rối để tăng vốn…
Trung tuần tháng 4/2020, Fitch Ratings công bố hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của VietinBank từ “tích cực” xuống “ổn định”. Động thái này xuất phát từ số liệu tăng trưởng thấp, dù tích cực của kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng trong thời gian tới. Fitch Ratings mong đợi sự phục hồi kinh tế vững chắc vào năm 2021, dù những tác động xấu từ đại dịch sẽ vẫn còn kéo dài đối với Vietinbank.
Tăng trưởng tín dụng âm, nợ xấu tăng vọt
Bên cạnh việc bị hạ xếp hạng tín nhiệm, tình hình kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2020 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cũng không mấy khởi sắc. Tỷ lệ nợ xấu VietinBank tăng từ 1,16% lên 1,58%, bất chấp việc cho vay giảm 1,2%, lãi thu về cũng giảm 5% so cùng kỳ năm 2019.
Trong cơ cấu thu nhập, mặc dù cho vay khách hàng giảm nhưng thu nhập lãi thuần của VietinBank vẫn tăng 5,9% trong quý 1/2020 với hơn 8.418 tỷ đồng. Trong các mảng kinh doanh chỉ có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối là giảm 5,2%, các mảng khác đều ghi nhận tăng trưởng.
Đặc biệt, VietinBank còn ghi nhận đột biến như lãi thuần từ kinh doanh chứng khoán gấp đôi cùng kỳ năm trước; lãi thuần đầu tư chứng khoán đạt gần 165 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 85 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng tới hơn 84% lên 275 tỷ từ 150 tỷ.
Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của VietinBank tăng hơn 15% với 7.367 tỷ đồng. Do tăng mạnh chi phi phí dự phòng (hơn 37%) nên Vietinbank báo lãi ròng trong quý 1 giảm hơn 5% về mức 2.405 tỷ đồng.
Tính đến 31/3, tổng tài sản của ngân hàng thu hẹp 1,5% so đầu năm từ mức 1,24 triệu tỷ đồng về 1,22 triệu tỷ đồng. Trong đó, huy động tiền gửi tăng nhẹ 0,3% đạt gần 896 nghìn tỷ đồng.
Cho vay khách hàng của VietinBank giảm 1,2% về 924 nghìn tỷ đồng nhưng số dư nợ xấu tăng mạnh 57% từ 10.813 tỷ đồng lên 14.617 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,16% cuối năm 2019 lên 1,58%.
Trong đó, cơ cấu nợ xấu của ngân hàng có sự thay đổi đáng kể, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng gần 40% từ 5.677 tỷ đồng lên 7.941 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 tăng mạnh lên gấp gần 5 lần trong khi nợ nhóm 5 lại giảm gần 36%.
Trong Báo cáo tài chính quý 1/2020, VietinBank không công bố cụ thể con số nợ xấu đã bán cho VAMC nhưng số dư chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành giảm từ 13.168 tỷ đồng (cuối năm 2019) về 10.044 tỷ đồng, tương đương giảm 23,7%.
Tăng vốn: Đã khó nay lại càng khó
VietinBank là ngân hàng cuối cùng trong nhóm thí điểm Basel II, có thể tiếp tục gặp khó trong việc tăng vốn. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị – ông Lê Đức Thọ nhiều lần cho hay tăng vốn là câu chuyện cấp thiết. Nếu không tăng được vốn, ngân hàng khó tăng trưởng tín dụng, không đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Việc tăng vốn bằng ngân sách giai đoạn 2016 – 2020 tại Ngân hàng này đang bị vướng các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hiện nay, VietinBank có 2 cổ đông ngoại là The Bank of Tokyo – Misubishi UFJ và IFC đang sở hữu lần lượt 19,73% và 4,99% vốn. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước giữ 64,46%, thấp hơn mức tối thiểu 65% theo chủ trương của Chính phủ. Điều này khiến phương án chào bán thêm vốn cho khối ngoại bế tắc. Theo lộ trình đến năm 2021, sở hữu của Nhà nước tại VietinBank mới có thể giảm xuống 51%.
Chia sẻ tại Hội nghị Nhà đầu tư và chuyên gia phân tích sáng 9/1, ông Lê Đức Thọ cho biết ngoài phương án giữ lại lợi nhuận năm 2017-2018 để tăng vốn, ngân hàng sẽ tiếp tục nghiên cứu các bước tăng vốn tiếp theo để trình Chính phủ và các cơ quan bộ ngành.
Bên cạnh đó, VietinBank cũng sẽ cải thiện vốn tự có bằng nguồn vốn cấp 2 như phát hành trái phiếu. Ngân hàng này cũng đang tái cơ cấu các khoản đầu tư vào công ty con, các công ty góp vốn cổ phần theo hướng cổ phần hóa mạnh mẽ những công ty con trực thuộc của VietinBank.
Trong năm 2019, VietinBank liên tục thông báo phát hành trái phiếu. Gần nhất, đơn vị này đã phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm.
Động thái trên diễn ra sau khi VietinBank được Ngân hàng Nhà nước cho phép phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất tự quyết định từ tháng 3.
Trong một báo cáo của CTCK Bảo Việt (VDSC), Công ty chứng khoán này cho biết VietinBank nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc tăng vốn vào năm nay, do đó tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ còn thấp hơn so với năm 2019.
Từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020, nhiều quy định mới về lãi suất, an toàn vốn, huy động, tài chính tiêu dùng đi vào hiệu lực. Do đó, theo phân tích của VDSC, các quy định này sẽ có tác động nhiều chiều đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Các yêu cầu về an toàn vốn mới (theo Thông tư 41/2016-TT-NHNN) và việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (Thông tư 22/2019) đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn về vốn và huy động. Do đó dự kiến sẽ hạn chế khả năng mở rộng NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của các ngân hàng.
Tác động của các quy định này sẽ mạnh hơn đối với các ngân hàng có bộ đệm vốn mỏng như VietinBank.
Quy định về việc chuyển số dư tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại về NHNN vào cuối mỗi ngày (Thông tư 58/2019) nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến chi phí huy động của các ngân hàng quốc doanh, nơi có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước cao.
Quy định quản lý chặt chẽ hơn hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng (Thông tư 18/2019). Theo đó giảm dần tỷ lệ giải ngân trực tiếp cho khách hàng (có số dư nợ giải ngân trực tiếp tại công ty tài chính tiêu dùng đó trên 20 triệu đồng) về 30% kể từ năm 2024.
Tựu chung lại, VDSC cho rằng các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ hạn chế khả năng mở rộng biên lãi ròng của các ngân hàng quốc doanh – VietinBank nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khi tác động tới các ngân hàng tư nhân sẽ là đa chiều do đó sẽ có mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn.
Dương Hùng – Linh Linh/Theo Tầm Nhìn