Vietcombank: Quán quân lợi nhuận nhưng đối mặt với nỗi lo nợ xấu

15/04/2024 07:23

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt lợi nhuận sau thuế hơn 33.000 tỷ đồng trong năm 2023, lập kỷ lục mới trong lịch sử ngành ngân hàng.

vietcombank-quan-quan-loi-nhuan-nhung-doi-mat-voi-noi-lo-no-xau-1713140506.jpg

Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí "anh cả" ngành ngân hàng với mức tăng trưởng kỷ lục trong năm 2023

Lũy kế năm 2023, Vietcombank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 53.620 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với năm trước (53.246 tỷ đồng). Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2023 của Vietcombank là 45.808 tỷ đồng, giảm 2,19% so với năm trước.

Mặc dù thu nhập từ hoạt động cho vay khách hàng tăng mạnh 22,71% lên hơn 108.122 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần của Vietcombank lại sụt giảm đáng kể và gần như đi ngang so với năm trước do chi phí trả lãi tiền gửi khách hàng tăng cao 56,32% lên 54.501 tỷ đồng.

 Năm 2023, Vietcombank tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong thị trường với mức lợi nhuận đáng kinh ngạc. Lũy kế cả năm, lợi nhuận của Vietcombank vẫn vượt qua mốc 33.000 tỷ đồng, tăng 10,48% so với năm trước. Đây tiếp tục là kỷ lục mới về lợi nhuận ròng trong một năm tài chính được “ông lớn” ngành ngân hàng này thiết lập.

 Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietcombank là 1.839.223 tỷ đồng, tăng 1,4% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng là 1.395.594 tỷ đồng, tăng 12,24%; Cho vay khách hàng là 1.270.359 tỷ đồng, tăng 10,94%.

 Tổng nợ xấu nội bảng của Vietcombank đã tăng đáng kể trong năm 2023, đặc biệt là phần nợ có khả năng mất vốn. Trong năm 2023, nợ xấu nội bảng của Vietcombank đã tăng lên 12.454 tỷ đồng, tăng 59,26% so với đầu năm.

 Cấu trúc nợ xấu nội bảng của Vietcombank như sau: Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3): 1.737 tỷ đồng, tăng 318,85%; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4): 2.876 tỷ đồng, tăng 267,73%; Nợ có khả năng mất vốn: 7.840 tỷ đồng, tăng 18,38%.

 Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, nợ xấu tăng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan tình hình kinh tế thế giới khó khăn, trong nước là những khó khăn của các doanh nghiệp vì nợ trái phiếu, thị trường bất động sản trầm lắng, khả năng sản xuất kinh doanh, trả nợ của các doanh nghiệp gặp khó khăn.

vietcombank-quan-quan-loi-nhuan-nhung-doi-mat-voi-noi-lo-no-xau-hinh-2-1713140506.jpg

Ông Nguyễn Thanh Tùng vừa được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Vietcombank vào tháng 1/2023

Tuy vậy, dù tổng nợ xấu nội bảng tăng mạnh trong năm tài chính 2023 nhưng trích lập dự phòng rui ro tín dụng của Vietcombank lại giảm hơn một nửa so với năm trước, gần 5.000 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng. 

Sự gia tăng nợ xấu nội bảng của Vietcombank là một tín hiệu đáng lo ngại, cho thấy rủi ro trong hoạt động tín dụng của ngân hàng. Thời gian sắp tới, Vietcombank cần có những biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát nợ xấu nội bảng. Điều này là yếu tố vô cùng quan trọng, đảm bảo an toàn hoạt động và sức khỏe tài chính của Vietcombank trong dài hạn.

 Trên thị trường chứng khoán, trong phiên chiều 12/4, giá cổ phiếu VCB ghi nhận sự gia tăng liên tục. Hiện tại, giá cổ phiếu VCB ghi nhận mức 95.000 đồng.

vietcombank-quan-quan-loi-nhuan-nhung-doi-mat-voi-noi-lo-no-xau-hinh-3-1713140506.png

 Thị giá cổ phiếu VCB.

Bạn đang đọc bài viết "Vietcombank: Quán quân lợi nhuận nhưng đối mặt với nỗi lo nợ xấu" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.