Khi thị trường "ngập ngừng" hay dao động chật hẹp ở một ngưỡng nào đó, rất dễ bị nhầm lẫn là đang TÍCH LŨY hay SUY YẾU. Để nhận biết chính xác, chúng ta hãy chú ý 2 phương diện, vĩ mô (FA) và tín hiệu kỹ thuật (TA)...
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk
Trên thị trường chúng ta rất hay gặp những lời nhận định "quả quyết", nào là chắc chắn Vn-index sẽ bùng nổ lên 960, hay chắc chắn sẽ giảm về 780, thậm chí có người còn cam đoan là sẽ về lại 660. Hầu hết những "thầy phán" này đều rất ít khi đưa ra cơ sở lập luận, hoặc nếu có thì là những hình vẽ xanh đỏ, thật rắc rối để không cho ai hiểu.
Đáng khen cho tinh thần tự tin, cảm tử, của họ. Nhưng cũng đáng buồn cười vì chỉ sau một thời gian rất ngắn, họ quay ngoắt 180 độ với nhận định trước đó. Ở đây không bàn chuyện sai hay đúng, mà chúng ta chỉ nói về logic. Đúng sai trong cuộc đời đã khó, chứng khoán muôn phần khó hơn. Thế nhưng bất kỳ nhận định nào, cũng cần cơ sở lập luận, lý thuyết và thực tế.
Khi Đà nẵng bùng phát dịch trở lại, Việt nam đối mặt với Covid lần thứ hai. TTCK phản ứng cũng rất tự nhiên. Cộng hưởng bởi sự suy yếu dòng tiền từ giữa tháng 7, khi xuất hiện thông tin xấu, Vn-index đã có một loạt phiên giảm rất sâu. Tuy nhiên, ngưỡng 780 đã là chốt chặn đáng tin cậy. Sau 2 lần test, thị trường đã đi lên khá tích cực. Theo lý thuyết Darvas box, Vn-index có vẻ đang dao động trong khoảng khá chật hẹp 820-845. Muốn thoát ra khỏi vùng này, cần phải tích lũy xung lượng đủ lớn, để phá đỉnh hộp, tạo ra chiếc hộp mới. Còn nếu xung lượng suy yếu dần, sẽ làm thủng đáy hộp, quay trở lại chiếc hộp cũ.
Trong một vài bài viết, tôi đã đưa ra ý kiến rằng, TTCK giai đoạn hiện nay chứa đựng nhiều yếu tố khó đoán định, đặc biệt liên quan đến dịch bệnh, vacxin. Chính vì vậy, không nên nhận định hay dự báo quá xa. Việc quan trọng nhất là quan sát thật kỹ các dấu hiệu, để xác định điều gì đang xảy ra trên thị trường. Không cần phải là "chiên da" hay "thầy bói", NĐT cá nhân cũng có thể làm được điều này.
Khi thị trường "ngập ngừng" hay dao động chật hẹp ở một ngưỡng nào đó, rất dễ bị nhầm lẫn là đang TÍCH LŨY hay SUY YẾU. Để nhận biết chính xác, chúng ta hãy chú ý 2 phương diện, vĩ mô (FA) và tín hiệu kỹ thuật (TA). Về vĩ mô, hãy đặt ra câu hỏi:
- Liệu tương lai của kinh tế quí 3 sẽ như thế nào?
- Những sự kiện quan trọng nhất như tìm ra vacxin, khống chế dịch bệnh, bầu cử TT Mỹ, chiến tranh thương mại, sẽ diễn biến ra sao?
- Ở trong nước thì chính sách sẽ hỗ trợ điều gì? Bơm hay hút, đẩy hay buông?
Về phương diện kỹ thuật, nhận dạng giai đoạn tích lũy khá rõ ràng:
- Sau một đà tăng nhất định (ví dụ như 780 lên 840 như hiện nay), quá trình đi ngang hoặc điều chỉnh không sâu xuất hiện.
- Đáy sau luôn cao hơn đáy trước.
- Khi điều chỉnh giảm, khối lượng giảm, giá tăng, khối lượng tăng.
- Thanh khoản tăng dần (không đột biến) một cách ổn định.
Mỗi NĐT đều có thể có những phương pháp riêng biệt, có thể thêm bớt nhiều tín hiệu khác nhau. Cá nhân tôi nghiêng về kịch bản tích lũy, nhất là sau cú "gãy" của vàng. Dòng tiền sẽ đi tìm địa chỉ đầu tư. Trong kịch bản này, cơ cấu danh mục, tìm kiếm DN tốt, là việc rất nên làm. Những dòng cần ưu tiên liên quan nhiều đến Đầu tư công như Bank, Ck, liên quan đến phục hồi kinh tế như DK, XD, VL, liên quan đến chuyển dịch đầu tư toàn cầu như KCN.
Chứng khoán không phải là sòng bạc hay zero game. Tri thức là để kết nối, thành công là để chia sẻ. Hy vọng NĐT cá nhân sẽ tỉnh táo nhận biết, vượt qua những chông gai, để có kết quả viên mãn.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk, )