Việt Nam cần mô hình giáo dục nào trong thời đại 4.0?

17/11/2019 15:33

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, giáo dục không thể đóng khung tại thời kỳ 1.0. Trong kỷ nguyên digital, lớp học không thể tự giới hạn mình trong bốn bức tường analog

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, giáo dục không thể đóng khung tại thời kỳ 1.0. Trong kỷ nguyên digital, lớp học không thể tự giới hạn mình trong bốn bức tường analog

Việt Nam cần mô hình giáo dục nào trong thời đại 4.0? - Ảnh 1.

Giáo dục Việt Nam đang loay hoay tìm một triết lý riêng. Ảnh: Nguyễn Thuận

Bộ mặt giáo dục 4.0 sẽ là một ông thầy khô khan với mã nhị phân và các công thức cứng nhắc; hay một người dẫn đường vui tính, truyền cảm hứng và có nhiều câu chuyện để chia sẻ? Tương lai đó phụ thuộc vào những đổi mới của giáo dục hiện tại, trong đó giáo dục Việt Nam không thể nằm ngoài dòng chảy chung của thời đại .

Đón đầu hay tụt hậu?

Nhóm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố một báo cáo đánh giá và so sánh khả năng sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Qua báo cáo này, Việt Nam – với các chỉ số liên quan đến giáo dục, khoa học và công nghệ thuộc nhóm thấp nhất thế giới - được xếp vào nhóm chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng này.

Quốc gia Phẩm chất Toán & Khoa học Công bố

bằng sáng chế

Công bố

khoa học

Khả năng

thu hút và giữ nhân tài

Việt Nam 68 73 74 44
Thái Lan 66 60 67 35
Malaysia 16 36 50 12
Indonesia 35 83 97 24
Philippines 60 68

92

50

(Tóm tắt thứ hạng được xếp trên 100 quốc gia về giáo dục và khoa học. Các yếu tố về đổi mới sáng tạo công nghệ và giáo dục của Việt Nam đều ở mức thấp)

Cụ thể, Việt Nam chỉ đạt 4,9 trên thang điểm 10 về mức độ sẵn sàng với cách mạng 4.0, Điểm PISA của Việt Nam chẳng "cứu" được tình trạng đứng thứ 90/100 về Công nghệ và Đổi mới; xếp thứ 92/100 về Công nghệ nền tảng; xếp thứ 77/100 về Năng lực sáng tạo; xếp hạng 70/100 về Nguồn lực con người.

Tuy nhiên, trên thực tế, công nghệ 4.0 lại là vấn đề được quan tâm nhiều nhất ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Ai ai cũng có thể nói về cách mạng 4.0, cũng có vẻ am hiểu những thuật ngữ mới như IoT, big data, điện toán đám mây, blockchain, machine learning hay trí tuệ nhân tạo (AI).

Nguyên nhân của hiện tượng trên bắt nguồn từ hệ thống giáo dục chưa đồng bộ và liên tục biến đổi. Giáo dục Việt Nam đã trải qua không ít lần cải cách, đổi mới với nguồn lực không hề nhỏ nhưng còn rời rạc và loay hoay tìm một triết lý giáo dục riêng.

Bốn bước của câu chuyện đổi mới

Đối chiếu với những giai đoạn phát triển trong gần 50 năm qua, có thể khái quát 4 mô hình giáo dục nổi bật ở Việt Nam thành: mô hình truyền thống, định hướng, khai phóng và hiện đại.

Trong đó, mô hình truyền thống chú trọng truyền thụ hệ thống tri thức theo các lĩnh vực và môn học cho học sinh. Với cách dạy một chiều, mô hình này chú trọng nội dung dạy học như đầu vào, giáo viên đóng vai trò trung tâm lớp học. Do đó, lớp học chưa quan tâm toàn vẹn chủ thể người học cũng như khả năng ứng dụng vào thực tế của kiến thức.

Theo Viện nghiên cứu giáo dục Mỹ (1960), các lớp học truyền thống chỉ đáp ứng được 5 – 25% công suất của tháp học tập (Learning Pyramid). Học sinh chỉ nhớ được 5% nội dung khi nghe một bài giảng, 10% khi kết hợp đọc sách giáo khoa, 20% từ thiết bị nghe – nhìn.

Tiếp theo, mô hình định hướng là mô hình trường học của đề án đổi mới căn bản toàn diện, triển khai từ năm 2018. Bản chất của nó là giáo dục định hướng kết quả đầu ra, tiếp cận năng lực nhằm phát triển phẩm chất người học.

Bên cạnh đó, mô hình khai phóng theo mô hình trường học mới (VNEN) phát triển dựa trên quan điểm giáo dục định hướng năng lực người học, coi trọng việc lấy học sinh làm trung tâm, thể hiện xu thế giáo dục hiện đại trên thế giới.

Cuối cùng, mô hình hiện đại vận dụng 4 sự chuyển đổi mang tính chiến lược: dịch chuyển từ tiếp cận giáo dục theo đầu vào sang mục tiêu đầu ra; chuyển mô hình giảng dạy sang mô hình học tập; chuyển đánh giá kết quả sang đánh giá quá trình; chuyển nội dung chuyên sâu, rời rạc sang nội dung tích hợp, tăng cường tổ chức học tập tự chọn và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Việt Nam cần mô hình giáo dục nào trong thời đại 4.0? - Ảnh 2.

Phụ huynh hiện sẵn sàng đầu tư cho giáo dục nhưng họ cần một mô hình giáo dục phù hợp để trao gửi

Hạt sồi trong chậu cảnh

Có thể thấy, giáo dục Việt Nam chỉ đang trong giai đoạn phá bỏ rào cản để "làm phẳng" lớp học nhằm bắt kịp sự phát triển của thế giới. Những tín hiệu tích cực của mô hình hiện đại cho thấy ý thức hệ về những quan điểm và khái niệm giáo dục đang được đổi thay để tránh sai lầm "ươm hạt sồi vào trong một chiếc chậu cảnh".

Nói cách khác, mỗi đứa trẻ đều có những khả năng tiềm ẩn và phương thức kết nối, bày tỏ khác nhau. Giáo dục hiện đại sẽ định hướng phát triển và cá nhân hóa việc học của từng học sinh theo những con đường khác biệt.

GS. Gottfried Vossen (Đại học Munster, Đức) từng đề xuất mô hình dạy học 4.0 của tương lai gần. Trong đó dạy học 4.0 gồm nhiều hình thức học tập mới (cả trực tiếp và trực tuyến), thời gian và địa điểm học tập không bị ràng buộc, có sự thay đổi phù hợp với đối tượng học, cung cấp nhiều kỹ năng thực tế.

Việc học đang dịch chuyển từ "học thuộc, nhớ nhiều" sang hình thành năng lực tư duy độc lập, vận dụng, thích nghi và giải quyết vấn đề của học sinh.  Đặc biệt, giáo dục hiện đại bắt đầu bằng cách trao sự tự do khám phá, tự do học tập cho học sinh để biến tri thức khoa học trở thành tư duy lũy tiến, tạo nên khả năng học tập suốt đời. Do đó, đối với quản lý giáo dục 4.0, cần xây dựng những công cụ thông minh, bản địa hóa nội dung đào tạo và đẩy mạnh liên kết quốc tế.

NAM LÊ - Theo NLD
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/viet-nam-can-mo-hinh-giao-duc-nao-trong-thoi-dai-40-20191116163006717.htm

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam cần mô hình giáo dục nào trong thời đại 4.0?" tại chuyên mục Y tế - Giáo dục. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.