Tháng 3/2024, trên một số phương tiện truyền thông đại chúng xuất hiện một tổ chức khoa học công nghệ có tên là "Viện Hàn lâm Y học". Điều này gây ra không ít hiểu lầm cho các nhà khoa học và cả dư luận vì cứ ngỡ đây là tổ chức ngang hàng với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Viện Hàn lâm Y học - cái tên gây tranh cãi
Viện Hàn lâm Y học được cấp phép 4 hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ là: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực y học; Sản xuất thử nghiệm, sản xuất kinh doanh sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực đăng ký; Dịch vụ khoa học và công nghệ theo lĩnh vực đăng ký; hợp tác trong và ngoài nước theo lĩnh vực đăng ký phù hợp với luật định.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho biết theo quy định hiện nay, tên gọi của tổ chức phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động chính, không được trùng lặp với tổ chức khoa học công nghệ khác. Tên đầy đủ bằng tiếng Việt sẽ bao gồm hình thức của tổ chức (viện, trung tâm,…), lĩnh vực đăng ký hoạt động khoa học công nghệ và tên riêng của tổ chức.
"Khi họ đăng ký đa lĩnh vực trong ngành y, chúng tôi cũng đã lưu ý nếu như chọn cụm từ "Viện Hàn lâm" sẽ hạn chế làm nghiên cứu ứng dụng nhưng họ vẫn giữ. Theo quy định thì tổ chức khoa học công nghệ, không phân biệt công lập hay không công lập, đều phải tự chịu trách nhiệm về việc lựa chọn tên của mình, bao gồm tên đầy đủ bằng tiếng Việt, tên giao dịch quốc tế và tên viết tắt", bà Sương nói.
Về phía mình, Viện Hàn lâm Y học cho rằng khả năng gây nhầm lẫn giữa đơn vị với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hoặc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là điều không thể xảy ra, vì chức năng và lĩnh vực nghiên cứu của các đơn vị là khác nhau, tỷ lệ trùng từ trong tên gọi cũng chỉ chiếm khoảng 30%.
Ngoài ra, Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành không mô tả hình thức, hoạt động của tổ chức gọi là "Viện Hàn lâm" mà chỉ có Viện Nghiên cứu hoặc Trung tâm Nghiên cứu. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các tổ chức được thành lập theo Luật Khoa học Công nghệ có tên bắt đầu là "Viện", đều thuộc hình thức tổ chức Viện.
"Tên Viện Hàn lâm Y học phải được hiểu là hình thức tổ chức là "Viện", tên riêng là "Hàn lâm Y học". Bản thân từ "hàn lâm" trong các từ điển cũng mang ý nghĩa trang trọng và cũng chỉ liên quan đến tri thức và học thuật. Hoàn toàn không có ý nghĩa gì liên quan đến tổ chức, cơ quan Nhà nước.
Chúng tôi là tổ chức khoa học công nghệ tư nhân đầu tiên với tên gọi có bao gồm từ “hàn lâm". Những gì đầu tiên bao giờ cũng sẽ gặp phải những trở ngại và thách thức. Là những người làm khoa học luôn đi tìm cái mới, chúng tôi rất hiểu và không ngạc nhiên về điều đó", Viện Hàn lâm Y học lên tiếng.
Như vậy, có thể khẳng định, Viện Hàn lâm Y học là một tổ chức khoa học công nghệ do tư nhân thành lập và hoàn toàn không liên quan đến hai cơ quan nghiên cứu nổi tiếng thuộc Chính phủ.
"Về mặt quy định thì có thể họ không sai nhưng về mặt bản chất dễ gây hiểu lầm cho các nhà khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực y học. Không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, từ xưa tới nay đều hiểu Viện Hàn lâm là những cơ quan nghiên cứu rất có uy tín, đứng đầu đất nước về lĩnh vực nào đó.
Vậy việc tổ chức tư nhân đặt tên Viện Hàn lâm Y học và được phê duyệt thì có hợp lý không? Một tổ chức nghiên cứu về y học thuộc quản lý của Chính phủ nếu thành lập sau có được đặt tên là "Viện Hàn lâm Y học Việt Nam" nữa không? Có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không?", một nhà khoa học tại TP.HCM nêu ý kiến.
Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có cơ chế quản lý đồng bộ, đồng nhất đối các tổ chức khoa học và công nghệ giống hệ thống quản lý doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tên thương mại của các tổ chức khoa học công nghệ cũng không cần đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ mà chỉ cần thông qua quá trình sử dụng. Thế nên, các tổ chức khoa học và công nghệ nên cân nhắc đặt tên đúng với quy định của Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành và không xâm phạm sở hữu trí tuệ các đơn vị khác. |
Lấn sân sang hoạt động đào tạo
Căn cứ theo giấy chứng nhận được cấp, bên cạnh hoạt động nghiên cứu, Viện Hàn lâm Y học cũng được hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ khoa học và công nghệ, nhưng chỉ được cấp giấy chứng nhận, đối với việc cấp văn bằng, chứng chỉ phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nhưng thực tế, hiện tại Viện Hàn lâm Y học lại thường xuyên đăng tải, chiêu sinh các khóa đào tạo và cấp chứng chỉ như một tổ chức giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, Viện Hàn lâm Y học vẫn đăng tải các nội dung về các khóa đào tạo như: Giáo viên thiền, khóa học thôi miên trị liệu, khóa đào tạo huấn luyện viên dinh dưỡng, kỹ năng xoa bóp bấm huyệt, chăm sóc mẹ và bé, ứng dụng hoạt chất mỹ phẩm trong chăm sóc sắc đẹp, an toàn y tế trong dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, thư ký y khoa, kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt,…
Theo tìm hiểu, đối với khóa học massage, thời gian đào tạo khoảng 3 tháng/khóa học với mức học phí 12 triệu đồng; khóa học xoa bóp bấm huyệt có mức học phí 15 triệu đồng/khóa học dài 3 tháng. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên được cấp chứng chỉ đào tạo theo chuẩn giáo dục nghề nghiệp hệ đào tạo thường xuyên; chứng nhận hoàn thành khóa học và bảng điểm chi tiết kế quả học tập.
Mẫu chứng chỉ đào tạo của Viện Hàn lâm Y học là mẫu chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp hệ đào tạo thường xuyên. Chứng chỉ đào tạo sẽ do Viện trưởng Viện Hàn lâm Y học ký.
Lý giải nguyên nhân vì sao lại "lấn sân" sang việc đào tạo và cấp các chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp, vị đại diện Viện Hàn lâm Y học cho biết mục tiêu của Viện là muốn các học viên có sự công nhận mang tính pháp lý. Ngoài cấp giấy chứng nhận, căn cứ trên những quy định hiện tại, Viện cấp cho học viên chứng chỉ đào tạo - đây là chứng chỉ thấp nhất trong trong thang giáo dục nghề nghiệp.
"Căn cứ vào cơ sở pháp lý, trước đây để đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thường xuyên phải có phép, nhưng hiện nay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra văn bản hướng dẫn là kể từ đầu năm 2023, chính thức không cấp phép đào tạo giáo dục thường xuyên. Tất cả các đơn vị, cá nhân muốn tổ chức đào tạo thường xuyên thì theo thông tư hướng dẫn, nghĩa là về cơ bản là có giáo viên đạt chuẩn, chương trình tổ chức đào tạo bài bản, đúng thời lượng", vị đại diện này nói.
Thực tế, không có quy định nào cho thấy việc mở các khóa học, chương trình đào tạo giáo dục thường xuyên lại không cần xin phép mà được tự ý mở lớp.
Điều 14 Nghị định số 143/2016 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nêu rõ: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp khi có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn.
Điều 15 Nghị định này quy định về hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các cơ sở công lập và tư thục gồm: Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Bản sao quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Bản sao quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tổng cục Dạy nghề cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập vẫn được hoạt động đào tạo. Tuy nhiên, qua rà soát, thẩm định, Viện Hàn lâm Y học chưa cấp giấy chứng nhận hoạt động đào tạo.
"Chúng tôi chưa cấp phép hoạt động đào tạo vì muốn Viện Hàn lâm Y học tập trung vào hoạt động nghiên cứu, sau đó nếu đủ năng lực sẽ bổ sung thêm hoạt động đào tạo", bà Nguyễn Thị Thu Sương nhấn mạnh.