Vì sao những con voi cứ lừng lững chui qua lỗ kim?

28/05/2020 11:30

Những sai phạm vốn không phải là “cây kim”, nó lồng lộng trên rừng dưới biển. Liệu tài nguyên biển rừng có còn đủ và kịp cho những cuộc thanh tra? Hay đến ngày, đến lúc thanh tra ra sai phạm, người thì còn mà tài nguyên đã hóa vàng mấy độ.

Những sai phạm vốn không phải là “cây kim”, nó lồng lộng trên rừng dưới biển. Liệu tài nguyên biển rừng có còn đủ và kịp cho những cuộc thanh tra? Hay đến ngày, đến lúc thanh tra ra sai phạm, người thì còn mà tài nguyên đã hóa vàng mấy độ.

Báo Tiền Phong, ngày 26/5 giật tít: Sai phạm đất đai nghiêm trọng ở Phú Quốc: tan rừng, nát biển. Tôi không mảy may giật mình. Bởi hiện trạng ấy đã và đang không riêng gì ở Phú Quốc. Nhưng không giấu được cái ý nghĩ bất lực.

Đất đai ở Phú Quốc bị buông lỏng quản lý, dẫn tới nhiều sai phạm

Mới cuối năm rồi, khoảng tháng 10/2019, Thanh tra Chính phủ ra kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng. Hàng loạt sai phạm được chỉ ra: chưa phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nhiều dự án vi phạm an ninh quốc phòng, vi phạm trong thẩm định, giao đất, cấp giấy tờ vi phạm Luật đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư khi chủ đầu tư chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung…Hầu hết, các sai phạm này diễn ra từ năm 2003 đến trước thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc, năm 2017.

Và năm 2020, với bản kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản (thời kỳ 2011-2017) tại Kiên Giang, trong đó chủ yếu là huyện Phú Quốc cũng không ngoài những “hạng mục” sai phạm: giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt; miễn, giảm tiền sử dụng và thuê đất trái quy định cho nhiều dự án tại Phú Quốc, gây thất thoát ngân sách lên đến cả ngàn tỷ đồng…

Các sai phạm đều diễn ra trong thời gian dài, “lăn” qua ít nhất cũng hai nhiệm kỳ, dĩ nhiên khi còn trong nhiệm kỳ, chả thấy ai chủ động, tự phát hiện ra sai phạm. Những sai phạm vốn không phải là “cây kim”, nó lồng lộng trên rừng dưới biển, đâu đâu cũng phân lô bán nền, hết biệt thự lõi rừng lại đến khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, từ các tập đoàn doanh nghiệp đến từng nhóm hộ dân thi nhau chiếm dụng đất, lấn chiếm sông suối, vẫn cứ được cấp sổ đỏ sổ hồng.

Chỉ trong vòng 2 năm, tính từ tháng 10/2019 đến tháng 5/2020, Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên tại 2 địa điểm – Sơn Trà, Phú Quốc của hai địa phương sở hữu lợi thế tài nguyên.

Sai phạm kéo dài, hậu quả nghiêm trọng, khắc phục thì… ngoài chuyện kiểm điểm, xử lý con người, còn lại đất rừng, đất biển, ven biển, sông suối có phục hồi kịp, hoán trả nổi cho “chính chủ” thiên nhiên hay không? Ngay cả khi ta trồng lại rừng, trả lại bờ biển thì liệu những thảm thực vật nguyên sinh, các loài động vật quý từng cư trú có còn lưu sót được phần nào. Không phải mọi lời sám hối đều thốt lên kịp lúc…

Từ Chỉ thị số 13 ban hành ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đến Kết luận số 56 ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đều nhận diện rõ “quản lý tài nguyên thiên nhiên còn nhiều yếu kém, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt”.

Các hạn chế, yếu kém được chỉ ra, trong đó “nguyên nhân chủ quan là chính. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ”. Nhìn vào bản danh sách lãnh đạo các thời kỳ có trách nhiệm liên đới, họ hầu hết là những cán bộ cao cấp của địa phương, là đảng viên chủ chốt và quan trọng, họ thăng tiến qua từng 5 năm, từng giai đoạn trong các nhiệm kỳ.Vậy, họ và các cấp ủy đảng đã lĩnh hội, quán triệt, thực hiện, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư, Bộ Chính trị nêu trên như thế nào? Hay chính họ đã “góp phần” làm nên các nguyên nhân chủ quan ấy?

Nhìn lại bức tranh biển rừng loang lổ ấy mà cúi đầu hổ thẹn với di huấn xưa – rừng, biển, đất đang từng ngày suy kiệt, bị băm nát, để rơi vào túi ai, nào vàng nào bạc nào phì nhiêu. Vinh thân phì gia trên tài nguyên quốc gia, xói mòn đất đai, biển rừng, xói mòn cả niềm tin dân chúng…

Liệu tài nguyên biển rừng có còn đủ và kịp cho những cuộc thanh tra? Hay đến ngày, đến lúc thanh tra ra sai phạm, người thì còn mà tài nguyên đã hóa vàng mấy độ.

Ái Mỹ - Nguồn Phụ nữ TP.HCM

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao những con voi cứ lừng lững chui qua lỗ kim?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.