Vì sao nhiều "ông lớn" xây dựng đồng loạt kêu cứu?

21/08/2021 08:00

Việc giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thép... cũng đã khiến thị trường xây dựng lao đao suốt trong một thời gian dài và mới đây nhiều đơn vị cũng kêu cứu.

Vì sao nhiều ông lớn xây dựng đồng loạt kêu cứu? - 1

Một loạt công ty xây dựng lớn đã phải kêu cứu trước tình hình vô cùng khó khăn (Ảnh minh họa).

Mới đây, hàng loạt các công ty xây dựng lớn như Delta, Cienco4, Vinaconex, Thành An, Phục Hưng Holdings... đã có văn bản gửi Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam để kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp xây lắp.

Cụ thể, đại diện Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết hiện nay doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như số lượng công nhân tham gia vào dự án bấp bênh, ảnh hưởng đến giá trị sản lượng thi công hàng tháng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án.

Bên cạnh đó, thực hiện phương án phòng chống dịch, các dự án thi công phải dừng hoặc phương án sản xuất làm phát sinh thêm các chi phí. Ngoài ra, sự tăng giá và khan hiếm của vật liệu đầu vào, giá mặt bằng chung các loại vật liệu xây dựng đã tăng khoảng 25% so với đầu năm trong đó cao nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng…  gây áp lực lớn lên các nhà thầu. 

Trong khi đó, đa số các hợp đồng đang áp dụng đơn giá cố định. Mặc dù các chủ đầu tư có hiểu và chia sẻ song việc này khiến các nhà thầu vẫn hết sức khó khăn, đại diện doanh nghiệp cho hay.

Bên cạnh đó theo đại diện nhà thầu này, việc thị trường bất động sản đóng băng khiến nguồn thu từ bán hàng của chủ đầu tư không có nên thanh toán cho nhà thầu bị đình trệ. Tiến độ phê duyệt hồ sơ thanh toán, quy trình thanh toán bị kéo dài do nhân sự các bên bị nhiễm bệnh, có ca liên quan nhiễm bệnh ảnh hưởng đến nguồn thu doanh nghiệp. Từ đó, gây ra khó khăn cho doanh nghiệp thu xếp tài chính để đảm bảo lịch trả nợ gốc và lãi hàng tháng đối với ngân hàng hay huy động tiền nộp ngân sách nhà nước, bảo hiểm cho người lao động…

Do vậy, công ty này mong muốn Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước gia hạn thời gian trả nợ/cơ cấu nợ ngân hàng, giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội trong năm để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Công ty CP Eurowindow cũng có những khó khăn tương tự khi giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao 5%-30% tùy loại... Chưa kể, các khoản vay lưu động của công ty sau tháng 6/2020 không được giãn nợ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của Công ty. Trong khi bản thân công ty không thu được tiền khách hàng. Bên cạnh đó công ty này cũng cho biết một số dự án không triển khai được trong thời gian giãn cách.

Ngoài kiến nghị hỗ trợ về thuế, lãi suất, đại diện Eurowindow cũng kiến nghị cho phép người lao động được tiêm vắc xin, đến văn phòng, nhà máy làm việc để giải quyết các công việc hàng ngày.

Còn trong đơn kiến nghị gửi tới Hiệp hội nhà thầu, đại diện Tập đoàn Cienco4 cho biết quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu làm chi phí sản xuất tăng cao. Việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch cũng ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.

Từ những khó khăn này, Cienco4 mong muốn được giảm lãi vay ngắn hạn xuống mức thấp hơn để giảm chi phí tài chính, cơ cấu lại các khoản dư nợ sắp đến hạn phải trả để doanh nghiệp có thời gian giãn các khoản phải trả nợ gốc và lãi.

Cienco4 cũng đề nghị được giảm và gia hạn thời gian nộp thuế TNDN, giảm tiền thuê đất phải nộp trong năm 2021 và các năm tiếp theo, giảm tiền đóng BHXH cho người lao động...

Hồi tháng 4 năm nay, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng đã phản ánh việc nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý I/2021, đặc biệt ở tháng 4.

Trước sức ép lớn khi giá thép tăng phi mã, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam mới đây đã phải có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân sự đột biến này.

Theo Nguyễn Mạnh/Dân trí

 
 

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao nhiều "ông lớn" xây dựng đồng loạt kêu cứu?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.