Không hiểu lý do gì mà hàng loạt biệt thự và nhà công sản tại Đà Lạt được cho doanh nghiệp mua, thuê kinh doanh nhưng lại không thu hồi được tiền.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo Kết luận Thanh tra, việc bán biệt thự, cho thuê nhà công sản tại TP. Đà Lạt có nhiều bất cập, vi phạm quy định của pháp luật.
Cụ thể, về việc bán tài sản nhà đất biệt thự trong giai đoạn 2013 - 30/6/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã bán 20 biệt thự (có 19 biệt thự bán theo hình thức đấu giá và 1 biệt thự bán theo hình thức chỉ định), còn lại 1 căn biệt thự số 3 Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tuy nhiên, qua rà soát hồ sơ, trong 20 biệt thự đã bán, có 7 trường hợp chậm nộp tiền, nhưng chưa tiến hành xử phạt chậm nộp theo quy định với tổng số tiền là 2,1 tỷ đồng. Sau khi kết thúc thanh tra, đã có 1 doanh nghiệp nộp tiền phạt, còn lại 6 đơn vị chưa nộp với tổng số tiền là 876 triệu đồng.
Trong khi đó, đối với tài sản công, biệt thự công hữu dùng để cho thuê cũng để xảy ra nhiều vi phạm. Tại thời điểm thanh tra, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đang tiến hành thanh tra việc cho thuê biệt thự nên Đoàn thanh tra không kiểm tra toàn diện việc cho thuê biệt thự.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong số 96 biệt thự, có 61 biệt thự cho thuê, còn lại 35 biệt thự chưa cho thuê do đang kiểm tra tính toán bồi thường hỗ trợ, tái định cư, nhằm giải tỏa nhà trống, kêu gọi nhà đầu tư.
Đối với các biệt thự này, năm 2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trương di dời toàn bộ các hộ này, thu hồi nhà đất để tôn tạo, phát huy giá trị biệt thự. Sau đó, UBND tỉnh đã ban hành Đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước tại TP. Đà Lạt.
Đối với 14 nhà công sản trên địa bàn TP. Đà Lạt, đã được giao cho các doanh nghiệp Nhà nước đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, không sử dụng làm trụ sở cơ quan.
Sau khi thực hiện cổ phần hóa, tài sản này được bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, và doanh nghiệp được tiếp tục ký kết hợp đồng cho thuê để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, thời điểm cho thuê trước khi Nghị định số 52/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Qua báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng cho thấy, nhiều đơn vị còn nợ tiền thuê biệt thự và nhà công sản là 2,4 tỷ đồng, tổng số tiền xử lý phạt chậm nộp của 16 đơn vị là 3,56 tỷ đồng, nhưng cơ quan chức năng của TP. Đà Lạt chưa có biện pháp để thu hồi tiền về Ngân sách Nhà nước.
Công ty Cadasa từ tháng 11/2005 được UBND tỉnh cho thuê 13 biệt thự tại đường Trần Hưng Đạo với diện tích 59.511,61m2 để kinh doanh. Nhưng thời gian thuê 2005 - 2015, công ty này không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính, với số tiền còn nợ là 53,6 tỷ đồng.
Trong đó, 1,2 tỷ đồng là số tiền phạt chậm nộp trong giai đoạn 2005 - 2015; tiền thuê nhà, đất công sản từ 2010 - 2015 là 27,3 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp là 25 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, mặc dù chưa thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính, tồn đọng nhiều khoản nợ, công ty này đến nay vẫn chưa trả lại đất cho thuê, vẫn sử dụng nhà đất với mục đích kinh doanh nhưng không kê khai, nộp tiền thuê đất.
Ngày 17/11/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản 312 về việc thu hồi lại các biệt thự tại đường Trần Hưng Đạo không cho công ty Cadasa thuê tiếp. Sau khi bị thu hồi nhà đất cho thuê, công ty Cadasa khiếu nại, làm đơn kiện UBND tỉnh và Tòa án Nhân dân tỉnh đã tuyên hủy quyết định thu hồi đất trước đó.
Sở Tài chính đang khởi kiện Công ty Cadasa yêu cầu nộp tiền thuê đất, bàn giao biệt thự nhưng Tòa án chưa đưa vụ việc xét xử dứt điểm. Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, trách nhiệm chính để xảy ra các tồn tại vi phạm nêu trên thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt, Giám đốc Trung tâm phát triển nhà thuộc TP. Đà Lạt qua các thời kỳ.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý dứt điểm việc thu hồi 13 biệt thự do Công ty Đào tạo nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin Cadasa thuê tại số 16 đường Trần Hưng Đạo, phường 10, TP. Đà Lạt và tiến hành thu hồi các khoản tiền công ty này còn nợ. Trong trường hợp Cadasa cố tình dây dưa, kéo dài, không chấp hành, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật hiện hành.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra hàng loạt các sai phạm về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và tái định cư; về thực hiện một số dự án đầu tư như cho thuê Dinh 1 làm khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp King Palace không qua đấu thầu; chậm tiến độ dự án xây dựng khách sạn 5 sao tại số 1 Hùng Vương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng; công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch…
Trước những sai phạm này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các huyện, thành phố trong các thời kỳ để xảy ra sai phạm từ năm 2004 đến nay.
Để giúp tỉnh Lâm Đồng sửa chữa các sai phạm, Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ thành lập một tổ hoặc Ban chỉ đạo để giám sát quá trình xử lý các vấn đề còn tồn tại của tỉnh Lâm Đồng. Sắp tới, tỉnh cần khẩn trương xây dựng kế hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lộ trình để sửa chữa, khắc phục sai phạm đã nêu trong kết luận Thanh tra.