Các dự án này chỉ là các cá nhân gom đất, sau đó ủy quyền cho doanh nghiệp xây dựng và rao bán. Cò đất sẽ rao bán gắn mác tên dự án không có thật để “làm giá”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra vì sao những dự án này đã ngang nhiên tồn tại, mua bán suốt một thời dài mà không bị xử lý?
Những “dự án ma” với quy mô khủng
Đầu năm 2022, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã công bố danh sách 8 dự án bất động sản “ma” trên địa bàn. Trong đó, huyện Lương Sơn có 4 dự án: Green Oasis Hòa Bình, Beverly Hill, Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp, Mountain Villa. TP Hòa Bình có 3 dự án: Kai Village Resort, Ohara Villas & Resort, The Moon Village. Huyện Đà Bắc có 1 dự án là Sun Legend Villa - Đà Bắc Ecolodge.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều dự án tồn tại như một quần thể nghỉ dưỡng quy mô lớn. Các dự án này nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc, có địa thế đẹp. Ngay từ đầu chợ Lương Sơn, hàng loạt các biển báo chỉ dẫn đến dự án “Beverly Hill" được gắn ven đường. Điểm cuối để dẫn tới dự án này là một ngõ nhỏ trong khu dân cư xóm Gừa, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn.
Bên trong khu đất của Beverly Hill là hàng loạt căn biệt thự được xây dựng theo kiến trúc hiện đại. Ngoài ra, hạ tầng giao thông, tiện ích như bể bơi, nhà hàng được đầu tư xây dựng bài bản, đồng bộ. Qua tìm hiểu, nguồn gốc đất trước đây của khu đất dự án này là của các hộ dân được nhà nước giao cho trồng keo và bạch đàn, có thời gian sử dụng là 50 năm. Tuy nhiên, sau đó một người mua gom lại và triển khai xây dựng rầm rộ từ 5-6 năm nay.
Vẫn tại huyện Lương Sơn, dự án Green Oasis Hòa Bình từng là một dự án “hot” nhất khu vực. Đây là dự án có vị trí đắc địa, gần đường lớn của xã Nhuận Trạch (Lương Sơn). Theo thông tin giới thiệu về dự án này, Khu biệt thự Green Oasis Villa do chủ đầu tư Công ty CP Bất động sản Green Oasis phát triển lấy ý tưởng từ hình ảnh ốc đảo xanh.
Tổng thể dự án gồm 60 căn biệt thự với quy mô diện tích 10ha nổi bật giữa không gian xanh, độc nhất của núi rừng Lương Sơn; các căn biệt thự ở Green Oasis Villas được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu và Nhật Bản với diện tích từ 100m2 tới 700m2. Trong mỗi căn biệt thự lại được chia làm 3 khu: Khu đón tiếp thiết kế theo kiến trúc Pháp; Khu chòi nghỉ gồm vườn cây xanh cảnh quan, bàn đá với chòi nghỉ nhìn ra toàn quang cảnh xung quanh; Khu cây xanh gồm các dải cây xanh ven đường nơi đỗ xe và khu cây xanh trên hệ thống hạ tầng kĩ thuật ngầm…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án Green Oasis Villas nằm trên khu đất gần 1,6 ha của ông Tạ Mạnh Hùng và ông Phương Công Thắng. Ông Hùng được cấp 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích 4.543 m2, bao gồm 400m2 đất ở, có thời hạn sử dụng đến năm 2045. Ông Thắng được cấp 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 11.430 m2, trong đó diện tích đất ở là 1.200 m2, phần còn lại là đất vườn và đất ao có thời hạn sử dụng đến năm 2045.
Ngày 18-7-2018, tại kết luận thanh tra số 95/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Hòa Bình, đã khẳng định ông Tạ Mạnh Hùng tự mua đất ở, đất trồng cây lâu năm, đất vườn… và tự đặt tên là dự án xây dựng khu biệt thự sinh thái Green Oasis Villas để rao bán các thửa đất do ông Tạ Mạnh Hùng và ông Phương Công Thắng đang sử dụng tại thôn Đồng Sầm, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, do đó yêu cầu tạm dừng thi công đối với dự án.
Ngày 12-3-2020, UBND huyện Lương Sơn ra công văn số số 276/UBND-KTHT tiếp tục yêu cầu tạm dừng việc xây dựng các công trình vi phạm pháp luật về đất đai, chấp hành nghiêm túc các văn bản của các cơ quan chức năng, không thực hiện quảng cáo bằng pano, áp phích và quảng cáo trên mạng Internet về khu nhà ở Green Oasis Villa tại thôn Đồng Sầm khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tiếp đó, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lương Sơn có văn bản báo cáo số 28/BC-TNMT ngày 19-3-2020 về việc kiểm tra sử dụng đất xây dựng nhà ở theo hướng phân lô của ông Tạ Mạnh Hùng và ông Phương Công Thắng đã chỉ rõ nhiều sai phạm như ông Thắng và ông Hùng tự ý xây nhà ở trên đất trồng cây lâu năm khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng.
Ông Hoàng Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Nhuận Trạch cho biết: “Vấn đề này thì thanh tra tỉnh Hòa Bình và thanh tra huyện Lương Sơn cũng đã có những kết luận về vấn đề đo đạc, tổng thể đất của dự án Green Oasis. Một phần đất đường và một phần đất xây các khu nhà ở là chiếm dụng vào diện tích đất trồng cây lâu năm. Hiện UBND huyện và UBND xã cũng đã và đang tích cực tuyên truyền để họ tháo dỡ. Mới đây họ cũng đã đồng ý và gửi phương án tháo dỡ. Công trình này đã dừng xây dựng từ khá lâu rồi, rêu cũng đã mọc rồi. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên giám sát, nếu có động thái xây dựng thì sẽ can thiệp”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này dự án này đang tồn tại hàng chục căn biệt thự xây dựng dang dở ngay cổng vào. Phía bên trong là một số biệt thự khách đã hoàn thiện và đang được sử dụng.
Cũng giống như 2 dự án nêu trên, 2 dự án Ohara Villas & Resort và Kai Village Resort tại xã Mông Hóa, TP Hòa Bình cũng đang tồn tại như một quần thể du lịch nghỉ dưỡng quy mô “khủng”. Dù nằm sâu trong khu dân cư, nhưng trong dự án đã tồn tại hàng chục căn biệt thự xây dựng hiện đại, đồng bộ về tiện ích cảnh quan. Hiện tại, dự án này đang đón người dân tới nghỉ dưỡng, lưu trú. Giá mỗi đêm nghỉ dao động 3-5 triệu đồng/căn biệt thự.
Câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền cơ sở
Qua tìm hiểu, các “dự án ma” này đều có có nguồn gốc là các khu đất ở nông thôn, được các cá nhân mua gom sau đó tách thửa, xây dựng thành “chuỗi” biệt thự nghỉ dưỡng. Năm 2020, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã tổ chức kiểm tra và khẳng định trên địa bàn xã Mông Hóa không có dự án nào tên là Ohara Villas & Resort được phép triển khai thực hiện. Do đó, việc một số website quảng bá giới thiệu dự án Ohara Villas & Resort tại xóm Gò Bùi, xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình là không đúng sự thật.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hòa Bình, những dự án này bản chất là khu đất nông thôn có sổ đỏ được cá nhân mua lại, sau đó ủy quyền cho doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh mà không đăng ký dự án theo quy định pháp luật. Đến khi được rao bán, "cò đất" tự gắn mác là dự án bất động sản nghỉ dưỡng hoành tráng. "Đất có sổ đỏ ở nông thôn, chưa có quy hoạch thì người dân tự xây dựng mà không phải xin cấp phép. Do đó, người ta không cần phải xin thủ tục qua Sở Xây dựng, thẩm quyền quản lý không qua Sở, mà chỉ chịu sự quản lý của địa phương. Do đó, theo vị đại diện Sở Xây dựng, để ngăn chặn được việc này, pháp luật cần cho phép đánh thuế căn nhà thứ hai là 50% hay 20%. Khi chịu thuế này, những chủ đất xây nhiều nhà cũng không còn nhiều lợi nhuận. Quan trọng hơn nữa, công tác lập quy hoạch cũng cần phải nhanh, phủ kín để kiểm soát và thực hiện đồng bộ”, vị đại diện này cho hay.
Trao đổi với báo chí, ông Đoàn Tiến Lập, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất bất động sản (Sở Xây dựng Hòa Bình) cho biết, từ năm 2017, Sở này đã công khai các dự án trên địa bàn, đồng thời cảnh báo người dân về các dự án không có thật để tránh rủi ro. Trước mắt, Sở Xây dựng sẽ cảnh báo những dự án không có để người dân nắm bắt được thông tin và các cơ quan chắc năng giám sát, xử lý nếu có vi phạm.
Tuy nhiên, từ thực tế này, một câu hỏi được đặt ra là trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi để những dự án này ngang nhiên san lấp, xây dựng, rao bán rầm rộ trong một thời gian dài mà không bị xử lý?
Theo Phong Anh/ANTG