Vì sao HANDIC - 'con cưng' của HANDICO liên tục báo lỗ?

01/06/2021 18:27

Từ năm 2018 đến năm 2020, HANDIC, công ty con của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) trực thuộc UBND TP.Hà Nội lỗ triền miên, nợ phải trả gấp nhiều lần vốn tự có.

Liên tục báo lỗ, nợ ‘ngập đầu’

Công ty CP Tư vấn HANDIC - Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội là Doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa tháng 6 năm 2006. Công ty này trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - UBND TP.Hà Nội với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là tư vấn trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, đầu tư kinh doanh phát triển nhà.

HANDIC được biết đến là chủ đầu tư xây dựng lại cụm chung cư cũ C7, C6, C5 Giảng Võ… Người đang điều hành HANDIC là ông Trịnh Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty.

tm-img-alt

Ông Trịnh Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn HANDIC - Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội. Ảnh: Internet. 

Vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị HANDIC tiếp tục được giới thiệu tái ứng cử HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Đợn vị bầu cử số 07 quận Thanh Xuân. Theo kết quả công bố, ông Trịnh Xuân Quang nằm trong danh sách trúng cử  Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngoài ra, ông Trương Hải Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, công ty mẹ của HANDIC, cũng nằm trong danh sách trúng cử của HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.

Như vậy, trong tổng số 9 doanh nhân trúng cử Đại biểu HĐND TP.Hà Nôi, Tổng công ty Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội góp mặt hai doanh nhân là ông Trưởng Hải Long, Chủ tịch HĐTV Handico, ông Trịnh Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HANDIC, công ty con của HANDICO.

Có lẽ, điều khiến nhiều người bất ngờ là HANDIC, công ty mà ông Trịnh Xuân Quang đang giữa chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc lại có kết quả kinh doanh "bết bát" đến vậy.

Theo báo cáo tài chính giai đoạn 2016-2020 của Công ty CP Tư vấn HANDIC, tổng tài sản của doanh nghiệp này liên tục đi xuống, lần lượt ở các mức: 474,87 tỉ đồng (2016); 273,19 tỉ đồng (2017), 265,94 tỉ đồng (2018), 238,39 tỉ đồng (2019). Năm 2020, tài sản có nhích lên nhưng không đáng kể, ở mức 239,24 tỉ đồng.

Năm 2016, nợ phải trả của HANDIC là 454,64 tỉ đồng. Năm 2017 Nợ phải trả ở mức 248,08 tỉ đồng; 2018 là 242,38 tỉ đồng; 2019 là 224,28 tỉ đồng; 2020 là 226,73 tỉ đồng.

tm-img-alt Phần lớn tài sản của HANDIC được hình thành từ nợ. Bên cạnh đó, nợ phải trả cao hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu.

Trong khi Nợ phải trả luôn ở mức cao thì từ năm 2018, Vốn chủ sở hữu của HANDIC lại đi xuống. Theo đó, vào năm 2016 vốn chủ sở hữu của HANDIC là 20,22 tỉ đồng, năm 2017 con số này tăng lên 25,11 tỉ đồng thì từ năm 2018 bắt đầu lao dốc xuống 23,55 tỉ đồng rồi 13,94 tỉ đồng (2019) và 12,5 tỉ đồng (2020).

Điều khiến nhiều người chú ý là nợ phải trả của HANDIC luôn lớn gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Cụ thể: năm 2016 gấp 22,48 lần; năm 2017 gấp 9,87 lần; năm 2018 gấp 10,29 lần; năm 2019 gấp 17,1 lần và năm 2020 gấp 18,13 lần.

Một điểm đáng chú ý nữa là trên Bảng cân đối kế toán, tại mục Nợ phải trả, khoản Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của HANDIC tăng đều qua các năm. Cụ thể: 3,23 tỉ đồng (2016), 14,96 tỉ đồng (2017), 14,65 tỉ đồng (2018), 20,19 tỉ đồng (2019) và 20,26 tỉ đồng (2020).

Về kết quả kinh doanh, năm 2017, HANDIC ghi nhận doanh thu tăng đột biến từ 10,2 tỉ đồng (2016) lên 376,59 tỉ đồng (2017). Cũng trong năm 2017, Handic ghi nhận lãi sau thuế 2,77 tỉ đồng, gấp nhiều lần so với con số 101 triệu đồng của năm 2016.

Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, doanh thu của Handic giảm dần, lần lượt đạt 2,6 tỉ đồng năm 2018; 1,97 tỉ đồng năm 2019 và vỏn vẹn 1,14 tỉ đồng năm 2020. Cùng với đà lao dốc của doanh thu, HANDIC liên tiếp báo lỗ -413,6 triệu đồng (2018); - 4,74 tỉ đồng năm 2019 và -1,44 tỉ đồng năm 2020.

HANDIC từng dính “phốt” về vi phạm trật tự xây dựng

Liên quan đến HANDIC, năm 2018, doanh nghiệp này cũng từng bị phản ánh về việc vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) tại Dự án xây dựng khu nhà ở tại ô đất có ký hiệu C2-5/NO1 (Dự án nhà ở để bán tổ 9, phường Long Biên). Dự án này do Công ty CP XNK Minh Tâm và Công ty CP tư vấn HANDIC - đầu tư và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư.

Được biết, ngày 5/1/2011 của UBND Thành phố chấp thuận cho Công ty CP XNK Minh Tâm và Công ty CP tư vấn HANDIC được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để nghiên cứu và thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tại ô đất ký hiệu C2-5/NO1 phường Long Biên, quận Long Biên.

Ngày 4/6/2012, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã ban hành văn bản số 1487/QHKT-P3 về việc quy hoạch tổng mặt bằng dự án đầu tư nhà ở để bán tại tổ 9, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.

Theo đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận vẽ quy hoạch tổng mặt bằng dự án đầu tư khu nhà ở để bán tại khu đất tổ 9 phường Long Biên, quận Long Biên như đề xuất với nội dung chính như sau: Chức năng công trình: Nhà ở thấp tầng; bao gồm các hạng mục: Nhà biệt thự thuộc ô đất ký hiệu BT1, BT2, BT3), nhà biệt thự song lập (thuộc ô đất ký hiệu NV), nhà liền kề có sân hiệu HTKT, hệ thống đường giao thông nội bộ), khu vực cây xanh, vườn hoa.

Diện tích nghiên cứu quy hoạch tổng mặt bằng khoảng 15.135m2 (trong đó: xây biệt thự khoảng 4.887 m2, nhà biệt thự song lập khoảng 2.332 m2, nhà liên kế có sân vườn khoảng 2.974 m2…), với mật độ xây dựng khoảng 45%, tầng cao nhà ở thấp tầng liên kế có vườn 5 tầng, nhà biệt thự và biệt thự song lập 3 tầng.

Tuy nhiên, phản ánh tới báo chí, nhiều người cho biết nhiều căn biệt thự tại Dự án nhà ở để bán tổ 9 phường Long Biên – quận Long Biên xây dựng sai phép như: thay đổi kết cấu các căn biệt thự, xây dựng thêm tầng hầm, nhiều căn nâng thêm tầng, lắp thêm thang máy…

Khi đó, một cán bộ phụ trách xây dựng phường Long Biên xác nhận, Công ty tư vấn HANDIC làm chủ đầu tư có xây dựng sai, nhiều căn biệt thự tự ý xây dựng thêm tầng hầm.

Cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu?

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm năm 2020 cả nước có khoảng hơn 650 doanh nghiệp nhà nước có số liệu báo cáo cung cấp dữ liệu hoạt động. Trong đó có khoảng 478 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nông lâm nghiệp... Khoảng 180 doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Nguyên nhân được xác định là do cơ chế quản trị doanh nghiệp còn chậm đổi mới, không phù hợp với thông lệ, tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Sử dụng vốn trong doanh nghiệp nhà nước còn yếu kém. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc doanh nghiệp Nhà nước hoạt động thua lỗ triền miên khiến nhiều người hoài nghi về năng lực của người đứng đầu.

Luật sư Hùng nhấn mạnh, Nhà nước cho phép doanh nghiệp tự chủ trong cơ cấu lại vốn và tài sản trong khuôn khổ mục tiêu và các chỉ tiêu đã định. Người đại diện chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp phải trực tiếp chịu trách nhiệm giải trình đối với kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

“Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, không bảo toàn và phát triển vốn, thua lỗ không thanh toán được nợ đến hạn, không trả đủ thuế cho Nhà nước, thì người đại diện chủ sở hữu, người quản lý phải bị thay thế và xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật về những sai phạm”, Luật sư Hùng nói.

Luật sư cho rằng, việc để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ triền miên sẽ gây ảnh hưởng, thất thoát vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. "Vì sao một doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm liên như vậy mà UBND.TP Hà Nội không có động thái gì?", Luật sư Hùng đặt câu hỏi. 

Chính phủ 'điểm tên' loạt doanh nghiệp nhà nước thua lỗ

Cuối năm 2020m, trong báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2019, Chính phủ cho biết tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2019, có 818 doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Trong đó, có 491 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp Nhà nước); 327 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 818 doanh nghiệp là 1,6 triệu tỉ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2018.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đạt 3,8 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2018. Có 107/818 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bị lỗ (chiếm 13% tổng số doanh nghiệp có vốn Nhà nước). Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước là 396.356 tỉ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2018.

Theo Anh Văn/Kinh Tế Môi Trường

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao HANDIC - 'con cưng' của HANDICO liên tục báo lỗ?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.