Tối 11/5, trang cá nhân của một số nghệ sĩ Việt như Gin Tuấn Kiệt, Nam Thư, Lê Dương Bảo Lâm, Kiều Minh Tuấn, Ngọc Trinh đăng bài viết nhắc đến Dogecoin, Shiba Inu, FXT Token cùng nhiều đồng tiền mã hóa.
Tuy nhiên trong phần bình luận, các nghệ sĩ tỏ ra thiếu kiến thức cơ bản về tiền mã hóa. Sau khi nhận nhiều phản ứng, đến sáng 12/5, các bài đăng trên đồng loạt "bốc hơi".
"Đây là chiến dịch quảng cáo"
Ông Dương Nguyễn Huy, chủ một cộng đồng giao dịch (trader) tiền mã hóa tại Việt Nam, nhận định việc hàng loạt nghệ sĩ đăng bài về tiền mã hóa là một chiến dịch quảng cáo, bởi nội dung được chia sẻ giống nhau về hình ảnh lẫn cách viết, không khác một dấu chấm phẩy.
"Các bài đăng của nghệ sĩ đã bắt đầu có sức ảnh hưởng. Từ các tài khoản chính chủ (có tick xanh), thông tin được lan truyền rộng rãi trên Internet, trở thành chủ đề được bàn tán tại văn phòng, quán cà phê chỉ sau vài tiếng", ông Huy cho rằng chiến dịch này đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Không chỉ Dogecoin, đồng Shiba Inu cũng tăng giá nhờ CEO Tesla. Ngày 7/5, trả lời bình luận của một người dùng Twitter, Musk cho biết “đang tìm kiếm một chú chó Shiba”. Ngay sau câu nói này, đồng tiền Shiba Inu (SHIB) đã tăng giá mạnh. Chỉ sau vài ngày, giá của Shiba Inu đã tăng gần 40 lần. Với gần 400.000 tỷ đồng tiền SHIB đang được lưu hành, vốn hóa thị trường có thời điểm vượt qua mốc 20 tỷ USD.
Bên cạnh đó, theo ông Huy, thị trường tiền thuật toán tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Dẫn chứng là thị trường tiền mã hóa từng sụt giảm mạnh trong giai đoạn từ 2018 đến đầu năm 2020 bất chấp đó là Bitcoin hay Ethereum.
Thế nhưng, các bài đăng của nghệ sĩ tối 11/5 không có bất cứ cảnh báo rủi ro nào.
Vì mập mờ, nên cần uy tín của người nổi tiếng
Trong danh sách tiền mã hóa mà các nghệ sĩ đăng tải, ngoài những cái tên theo trào lưu động vật thì có một đồng khác biệt, được đặt ở giữa danh sách là FXT Token.
Khác với những đồng tiền mã hóa khác trong danh sách được các nghệ sĩ quảng cáo, FXT Token là đồng tiền vô danh.
"Vô danh là bởi nó không được các sàn lớn, uy tín niêm yết mà chỉ có thể mua qua các sàn nhỏ. Tổng lượng giao dịch của đồng này chỉ khoảng 500.000 USD/ngày. Nghĩa là bất cứ ai có khoảng 200.000 USD cũng có thể thao túng giá của nó", Vinh Nguyễn, đồng sáng lập Coin98 phân tích.
Trong khi đó, các đồng tiền khác trong danh sách các nghệ sĩ liệt kê có mức giao dịch mỗi ngày từ vài trăm triệu đến vài tỉ USD một ngày.
"Việc xếp FXT Token vào danh sách đáng đầu tư là vô cũng thiếu hiểu biết. Chính sự mập mờ này khiến FXT Token cần phải nhờ đến sự quảng cáo của người nổi tiếng", ông Vinh nhận định.
Nói với Zing, nhà sáng lập một nền tảng thông tin về Crypto lớn nhất Việt Nam cho rằng FXT Token đang muốn mượn sự ảnh hưởng của người nổi tiếng để trấn an nhà đầu từ, đồng thời tạo ra nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) để thổi giá đồng tiền này.
Kết quả, ảnh chụp màn hình các bài đăng của nghệ sĩ Việt được cộng đồng người tham gia FXT Token chia sẻ rầm rộ trong hàng trăm nhóm kiếm tiền online. "Đến Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn, Khả Như... còn tham gia thì các bạn chần chờ gì?", nội dung dòng trạng thái đăng lại ảnh chụp màn hình của người tự nhận là leader Lio****.
Điều này cho thấy sức ảnh hưởng không nhỏ của việc sử dụng uy tín nghệ sĩ để quảng bá tiền điện tử "rác".
Việc các nghệ sĩ không có kiến thức, nhưng vẫn quảng bá Dogecoin, Shiba Inu hay FXT Token có thể gây hiểu lầm, thậm chí khiến nhiều người tham gia các dự án lừa đảo. Những bài viết trên còn có thể tác động tiêu cực đến lĩnh vực đầu tư vốn còn nhiều điều chưa được nhận thức đúng.
"Những người nổi tiếng không có chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực tiền mã hóa... Mảng này rất dễ bị lừa bởi các dự án xấu, được tạo ra chỉ để kiếm tiền, bán 'rác' cho nhà đầu tư", ông Huy nhận định.
Trước lời mời gọi đầu tư tiền mã hóa, ông Huy khuyên người tham gia cần tìm hiểu kỹ thông tin trên các nguồn chính thống, tuyệt đối không đầu tư nếu được bạn bè rủ rê, hoặc gia nhập các nhóm chào mời, đưa ra viễn cảnh giàu sang khi "chơi" coin.