Vì sao Công ty Thiên Phú tiếp tục kêu cứu hủy kết quả bán đấu giá dự án KDC Hòa Lân?

19/02/2020 11:36

Vụ việc đấu giá khu dân cư (KDC) Hòa Lân, được Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận còn nhiều sai phạm trong hoạt động bán đấu giá, đặc biệt có nguy làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Vụ việc đấu giá khu dân cư (KDC) Hòa Lân, được Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận còn nhiều sai phạm trong hoạt động bán đấu giá, đặc biệt có nguy làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Vụ đấu giá dự án nghìn tỷ KDC Hòa Lân nhiều sai phạm

Vụ việc đấu giá khu dân cư (KDC) Hòa Lân hơn 1.350 tỷ đồng với nhiều sai phạm gây xôn xao dự luận thời gian qua, nhưng đến nay “cuộc chiến” này vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc đúng pháp luật.

binh duong vi sao cong ty thien phu tiep tuc keu cuu huy ket qua ban dau gia du an kdc hoa lan
Vụ đấu giá dự án Khu dân cư Hòa Lân (Bình Dương) có nhiều sai phạm trong hoạt động bán đấu giá

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án KDC Hòa Lân có tổng diện tích hơn 49 ha, tọa lạc tại phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, do Công ty Thiên Phú làm chủ đầu tư. Dự án gồm gần 22ha đất Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất và gần 25ha đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.

Tháng 3/2011, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) đã thế chấp dự án này cho Ngân Hàng Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn Việt Nam - Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) để vay hơn 18.000 lượng vàng và trả các khoản nợ trước đó. Trong quá trình kinh doanh, do gặp khó khăn về tài chính, nên ngày 17/4/2015, Công ty Thiên Phú đã ký biên bản thỏa thuận với Agribank Chợ Lớn về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Theo đó, Công ty Thiên Phú giao tài sản là dự án KDC Hòa Lân đang thế chấp cho Agribank Chợ Lớn, để xử lý thông qua tổ chức bán đấu giá để thu hồi khoản nợ hơn 1.117 tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Để xử lý khoản nợ xấu trên, Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú thống nhất chọn Công ty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn để bán đấu giá tài sản. Sau đó, Agribank Chợ Lớn đã ký hợp đồng với Công ty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn để bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án KDC Hòa Lân, giá khởi điểm là hơn 1.467 tỷ đồng.

Được biết, phải tới 12 phiên đấu giá, kéo dài từ ngày 9/7/2015 đến 25/5/2017 thì việc đấu giá mới thành công. Tại phiên đấu giá lần thứ 12, giá khởi điểm của dự án KDC Hòa Lân đã bị giảm xuống chỉ còn 963 tỷ đồng và Công ty Cổ phần xây dựng A Đông Hải (nay là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh) đã trúng đấu giá với giá là 1.353 tỷ đồng.

Mặc dù trước, trong và sau khi trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh đều được thông báo bằng văn bản các quy định của pháp luật và mới thanh toán được tiền trúng đấu giá 93,6 tỷ đồng và chưa được chính quyền cho phép chuyển đổi chủ đầu tư, tài sản bán đấu giá chưa được giải chấp... nhưng các bên đã tự ý đem hồ sơ sang Văn phòng công chứng Thành Phố Mới tỉnh Bình Dương để công chứng hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá trái pháp luật sang cho Công ty Kim Oanh.

Đặc biệt, việc tổ chức bán đấu giá ngày 25/5/2017, khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa có hiệu lực pháp luật (có hiệu lực pháp luật 15/8/2017). Nhưng Công ty Kim Oanh luôn lấy Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 để tuyên truyền, làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng là không đúng, gây hiểu lầm trong dư luận.

Việc bán đấu giá tài sản phải bình đẳng, tuân thủ pháp luật

Nhà nước quy định việc bán đấu giá tài sản nhằm mục đích không gây thiệt hại cho các bên và các bên tham gia đấu giá đều bình đẳng trước pháp luật, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm pháp luật trong đấu giá.

binh duong vi sao cong ty thien phu tiep tuc keu cuu huy ket qua ban dau gia du an kdc hoa lan
Dự án KDC có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật trong suốt quá trình đưa tài sản ra đấu giá cũng như thực hiện nghĩa vụ sau khi trúng đấu giá

Sau khi bán đấu giá xong dự án KDC Hòa Lân cho Công ty Kim Oanh, Công ty Thiên Phú đã phát hiện ra hàng loạt điểm được cho là thiếu minh bạch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong suốt quá trình đưa tài sản ra đấu giá cũng như thực hiện nghĩa vụ sau khi trúng đấu giá.

Do đó, Công ty Thiên Phú, làm đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng. Nội dung đơn tố cáo cho rằng, việc tổ chức bán đấu giá tài sản là dự án KDC Hòa Lân đã có nhiều sai phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ tài sản, người có nhu cầu tham gia đấu giá, đặc biệt có nguy cơ làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Sau đó, Thanh tra Bộ Tư pháp đã vào cuộc thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc bán đấu giá tài sản dự án KDC Hòa Lân. Đến khoảng cuối tháng 12/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành kết luận thanh tra tra số 62/KL-TTR. Trong đó chỉ ra nhiều vi phạm, thiếu sót trong vụ đấu giá này từ lúc tiến hành các thủ tục cho tới lúc Công ty Kim Oanh trúng đấu giá, nhưng nghĩa vụ tài chính lại không thực hiện đúng như cam kết.

Từ kết luận Thanh tra Bộ Tư pháp,Công ty Thiên Phú đã gửi đơn đề nghị ngăn chặn các giao dịch liên quan KDC Hòa Lân, đồng thời yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá trước đây. Tiếp đến, tháng 2/2019, Công ty Thiên Phú đã nộp đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân quận 7 (TP. Hồ Chí Minh). Một tháng sau, Tòa án Nhân dân quận 7 đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm dịch chuyển tài sản đối với KDC Hòa Lân.

Bên cạnh đó, trong báo cáo ngày 29/3/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng nêu ra việc không thực hiện đúng thoả thuận của Công ty Kim Oanh với Agribank Chợ Lớn, Công ty Kim Oanh nhiều lần vi phạm cam kết nghĩa nghĩa vụ tài chính trong thời gian dài nhưng Agribank Chợ Lớn không có biện pháp quyết liệt để xử lý là trái với Quy chế đấu giá, thể hiện việc chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý tiền là tài sản đấu giá Nhà nước của một tổ chức tín dụng.

Trong đơn kêu cứu vừa gửi tới các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Thiên Phú tiếp tục khẳng định, Công ty giao tài sản cho Ngân hàng Agribank để xử lý nợ theo đúng quy định của pháp luật, nhưng Công ty Kim Oanh, Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn đã cùng với Ngân hàng Agribank Chợ Lớn cố ý làm trái, vi phạm pháp luật không những gây thất thoát tài sản của Nhà nước, mà còn xâm phạm quyền lợi tài sản của Thiên Phú.

Việc Công ty Thiên Phú khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết quả bán đấu giá tài sản, để tổ chức bán đấu giá lại Dự án KDC Hòa Lân là đúng với quy định của pháp luật, nhằm buộc các bên tổ chức và tham gia đấu giá phải tuân thủ pháp luật một cách bình đẳng. Để Agribank có thể thu cả gốc và lãi từ Công ty Thiên Phú, việc thu đủ về cho ngân sách nhà nước là cực kỳ quan trọng và là ưu tiên hàng đầu. Công ty Thiên Phú sẽ có cơ hội trả hết nợ.

Công ty Kim Oanh không phải là chủ đầu tư dự án KDC Hoà Lân:

Trong các văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương (số 2351/SXD - QLN ngày 17/7/2018; số 3225/SXD - 25/9/2018; số 2300/SXD - QLN ngày 21/6/2019) gửi đến Công ty Kim Oanh, UBND tỉnh Bình Dương, Tòa án nhân dân quận 7 đều khẳng định Công ty Kim Oanh chưa đủ điều kiện để được chấp thuận là chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Hòa Lân.

Ngoài ra, trong văn bản số 30057/STNMT - CCQLĐĐ ngày 26/6/2019 của Sở Tài nguyên và môi trường Bình Dương vẫn khẳng định chủ đầu tư Dự án KDC Hòa Lân vẫn là Công ty Thiên Phú. Đến thời điểm này, Công ty Kim Oanh vẫn chưa được công nhận là chủ đầu tư Dự án.

 

 

Minh Khuê - Theo congthuong.vn

https://congthuong.vn/vi-sao-cong-ty-thien-phu-tiep-tuc-keu-cuu-huy-ket-qua-ban-dau-gia-du-an-kdc-hoa-lan-132797.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

 

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao Công ty Thiên Phú tiếp tục kêu cứu hủy kết quả bán đấu giá dự án KDC Hòa Lân?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.