Vì sao cổ phiếu STB của Sacombank bị 'nhấn chìm' trong phiên 14/7?

15/07/2023 07:42

Trong phiên có lúc STB bị kéo sàn xuống 27.900 đồng/cp nhưng sau cùng vẫn đóng cửa tại mức 29.000 đồng/cp. Vốn hóa "bốc hơi" 1.885 tỷ về mức 54.671 tỷ đồng.

Chốt phiên ngày 14/7, VN-Index bật tăng cuối phiên và đóng cửa tại mốc 1.168,4 điểm, ghi nhận tăng 2,98 điểm. Cổ phiếu kéo chỉ số tăng có FPT, HPG, VJC, HVN, MBB... Ngược lại, cổ phiếu kéo chỉ số giảm có STB, BID, PLX, LPB, GAS.

Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 19.322 tỷ đồng, tăng 24,71% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 20.878 tỷ đồng.

Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng trên sàn HNX. Cụ thể, giá trị bán ròng của khối ngoại lên tới 300,67 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm STB (-269,01 tỷ), VNM (-107,14 tỷ), VPB (-42,88 tỷ)...

Phiên hôm nay ghi nhận gần 75 triệu cổ phiếu STB của Sacombank đã được sang tay, nhưng vẫn còn dư bán tới hơn 446 ngàn cổ phiếu. Trong phiên có lúc STB bị kéo sàn xuống 27.900 đồng/cp nhưng sau cùng vẫn đóng cửa tại mức 29.000 đồng/cp. Vốn hóa "bốc hơi" 1.885 tỷ về mức 54.671 tỷ đồng.

Sở dĩ cổ phiếu STB bị "nhấn chìm" trong phiên hôm nay 14/7 do trên thị trường xuất hiện tin đồn nhóm nhà đầu tư mới không còn nguồn lực đễ hỗ trợ Bamboo Airways tái cơ cấu, vì vậy hãng dự kiến nộp đơn xin phá sản. Trong khi đó, Sacombank được cho là cho Bamboo Airways vay nhiều nhất.

Tuy nhiên, đến chiều 14/7, Bamboo Airways đã lên tiếng khẳng định hãng vẫn đang hoạt động ổn định, đồng thời đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để đảm bảo lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất. 

vi-sao-co-phieu-stb-cua-sacombank-bi-nhan-chim-trong-phien-147-1689381699.jpg

Về Sacombank, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) vừa có báo cáo phân tích STB công bố ngày 14/7 với khuyến nghị mua vào.

Theo PHS, khả năng cải thiện NIM mạnh mẽ của STB sau khi giải quyết hết lãi dự thu theo Đề án. Sau khi hoàn thành Đề án, PHS kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của Sacombank gồm: (1) Việc không còn xử lý lãi dự thu sẽ tạo đà bậc nhảy cho NIM của STB trong năm 2023; (2) Hoàn thành trích lập xong dự phòng cho VAMC trong năm 2023 sẽ gia tăng hiệu quả kinh doanh của STB trong tương lai; (3) Xử lý tài sản tồn đọng có thể mang lại cho STB những khoản thu nhập trong tương lai hoặc những khoản hoàn nhập dự phòng.

NIM điều chỉnh của STB vượt trội. Tỷ lệ CASA ở mức cao và tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu huy động vốn với lãi suất thấp góp phần tạo nên lợi thế NIM của STB. Dù vậy, việc phụ thuộc lớn vào tiền gửi tiết kiệm gia tăng rủi ro thanh khoản của Ngân hàng.

PHS kỳ vọng tình hình kinh tế trong nước sẽ khả quan vào nửa cuối năm 2023. Do đó, PHS ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2023 của STB đạt 11,2%.

PHS ước tính NIM của STB năm 2023 đạt 3,55%, tăng 16 bps so với cuối năm 2022 nhờ không còn xử lý lãi dự thu góp phần cải thiện NIM nhiều hơn áp lực từ việc giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng Nhà Nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. PHS ước tính tỷ lệ nợ xấu năm 2023 đạt 1,21%.

PHS ước tính chi phí trích lập dự phòng năm 2023 của STB đạt 8.594 tỷ đồng (-3,2% so cùng kỳ) do 6.876 tỷ đồng trích lập dự phòng của trái phiếu VAMC và gia tăng trích lập cho nợ tái cơ cấu để phòng ngừa rủi ro.

Theo Minh An/TTCS
Bạn đang đọc bài viết "Vì sao cổ phiếu STB của Sacombank bị 'nhấn chìm' trong phiên 14/7?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.