Vi phạm quản lý đất vàng, nhìn từ vụ việc tại Sabeco

18/07/2020 16:30

Tâm điểm của vụ án là quá trình khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (TP.HCM) được chuyển giao từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần 100% vốn tư nhân. 

Tâm điểm của vụ án là quá trình khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (TP.HCM) được chuyển giao từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần 100% vốn tư nhân. 

Vi phạm quản lý đất vàng, nhìn từ vụ việc tại Sabeco

Thành lập pháp nhân mới, chuyển quyền sử dụng đất

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ban hành bản kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định quản lý đất đai, vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí xảy ra tại Bộ Công thương, Sabeco”.

Tâm điểm của vụ án là quá trình khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM) được chuyển giao từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang công ty cổ phần 100% vốn tư nhân.

Cơ quan điều tra xác định, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được giao quản lý khu đất 6.080 m2 và các tài sản trên đất tại địa chỉ số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng. Hàng năm, Sabeco nộp tiền thuê đất để sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp cho Nhà nước. Sau đó, Sabeco tiến hành cổ phần hóa.

Năm 2008, Sabeco được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 6.412 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ tỷ lệ 89,59% vốn. Khi này, khu đất Hai Bà Trưng mới tạm tính giá trị quyền sử dụng đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp, Sabeco chưa nộp tiền sử dụng đất.

Từ năm 2007 đến trước khi Nhà nước thoái vốn (năm 2017), Bộ Công thương là đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với phần vốn góp tại Sabeco.

Về phương án sắp xếp các cơ sở nhà đất của Sabeco, các cơ quan chức năng thống nhất chấp thuận phương án cho Tổng công ty giữ lại khu đất 2 - 4  - 6 Hai Bà Trưng để kinh danh thương mại, văn phòng.

Từ năm 2007 đến năm 2016, Sabeco có nhiều động thái liên quan đến khu đất này. Cụ thể, năm 2007, Sabeco có công văn gửi UBND TP.HCM xin chuyển mục đích sử dụng khu đất nói trên để đầu tư xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê.

Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Sabeco liên doanh với CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển công nghiệp vận tải Bình Kiên, CTCP Rồng Á Châu để thành lập CTCP Bất động sản Sabeco (Sabeco Land), trong đó Sabeco sở hữu 45%, Bình Kiên chiếm 30% và còn lại là Công ty Á Châu.

Theo phê duyệt ban đầu, Dự án không có chức năng căn hộ ở cho thuê, quy mô công trình cao 40 tầng không tính tầng hầm, tầng lửng, sân thượng. Mật độ xây dựng 60%, hệ số sử dụng đất 15 lần.

Dự án bị kéo dài không thực hiện được, Sabeco muốn giải thể Sabeco Land và sau đó tìm kiếm đối tác mới để thực hiện dự án.

Những việc này đều được báo cáo lên Bộ Công thương và nhận được công văn chỉ đạo của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa với nội dung đồng ý giải thể Sabeco Land, đồng ý đề xuất hợp tác với các doanh nghiệp khác để triển khai dự án.

Tiếp đó, Sabeco đã hợp tác với CTCP Atland, CTCP Đầu tư Mê Linh, CTCP Hà An để thành lập một công ty mới (CTCP Sabeco Pearl) triển khai dự án với thỏa thuận về cơ bản, Sabeco góp 26% vốn điều lệ, Sabeco không phải góp vốn đầu tư dự án (dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng) nhưng sẽ chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho Sabeco Pearl.

Sau đó, khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng được xác định lại giá trị quyền sử dụng đất là 997 tỷ đồng.

Ngày 3/4/2015, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco ký công văn số 374/BSG-ĐT gửi UBND TP.HCM đề nghị cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất nói trên. Kèm theo công văn này, Sabeco gửi kèm các công văn Bộ Công thương chấp thuận chủ trương cho Sabeco liên doanh thành lập pháp nhân mới và chuyển giao quyền sử dụng đất.

UBND TP.HCM đã chấp thuận đề nghị của Sabeco, cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được nộp tiền sử đụng đất. Đến tháng 6/2015, Sabeco Pearl đã nộp tiền sử dụng đất, lệ phí và tiền phạt tổng cộng là 999 tỷ đồng.

Tiếp đó, với tư cách chủ đầu tư dự án, Sabeco Pearl đề xuất UBND TP.HCM được điều chỉnh, bổ sung chức năng căn hộ ở và officetel cho dự án và được chấp thuận.

Ngày 6/1/2016, 3 cổ đông của Sabeco Pearl gồm Công ty Atland, Công ty Hà An, Công ty Mê Linh cùng ký công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng kiến nghị Bộ trưởng chỉ đạo Sabeco thoái vốn toàn bộ Sabeco Pearl với lý do việc tăng vốn đầu tư ngoài ngành của Sabeco không phù hợp với quy định.

Ngày 15/1/2016, nhóm cổ đông này tiếp tục có văn bản gửi tới Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị được mua lại phần vốn tại Sabeco.

Sau một quá trình thoái vốn với mức giá khởi điểm được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phê duyệt là 13.247 đồng/cổ phần, Công ty Atland đã mua được hơn 14,7 triệu cổ phần tại Sabeco Pearl và thanh toán 196 tỷ đồng cho Sabeco.

Sau này, Sabeco Pearl đổi tên thành CTCP Đầu tư Quảng Trường Mê Linh. CTCP Đầu tư Quảng trưởng Mê Linh hiện là doanh nghiệp đứng tên sở hữu khu đất trên.

Đến đây, Sabeco hoàn toàn không còn vai trò, lợi ích tại khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng. Quyền quản lý, sử dụng, đầu tư, khai thác hơn 6.000 m2 đất tại trung tâm TP.HCM thuộc về 3 nhà đầu tư Atland, Mê Linh và Hà An.

Kết thúc quá trình này, khu đất 6.080 m2 ở trung tâm TP.HCM được chuyển từ Sabeco sang một công ty tư nhân, hoàn toàn không còn vốn nhà nước. Đổi lại, Sabeco thu được 196 tỷ đồng khi thoái vốn tại doanh nghiệp liên doanh liên kết để thực hiện dự án.

ảnh 1
Cho thuê đất sai đối tượng, thiệt hại nghìn tỷ đồng

Thực tiễn thị trường cho thấy, có nhiều trường hợp doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa đều mời gọi, tìm kiếm các đối tác để phối hợp thực hiện các dự án bất động sản trên các cơ sơ nhà đất được nhà nước giao.

Vấn đề là quá trình này phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định (đúng đối tượng, thẩm quyền), đảm bảo quyền lợi của Nhà nước (xác định giá đất).

Trong trường hợp khu đất vàng tại Hai Bà Trưng, hành vi vi phạm của các bị can là lãnh đạo, cán bộ Bộ Công thương, quan chức UBND TP.HCM đã dẫn đến quyền quản lý, sử dụng khu đất nói trên bị dịch chuyển từ tài sản của doanh nghiệp Nhà nước sang tài sản doanh nghiệp tư nhân.

Khu đất nói trên đã có quyết định sắp xếp cho Sabeco và không thuộc diện cơ sở ô nhiễm phải di dời nên không áp dụng việc liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới. Tuy nhiên, Bộ Công thương vẫn chấp thuận đề xuất thành lập pháp nhân mới để liên doanh liên kết thực hiện dự án của Sabeco.

Đối với Sabeco Pearl, doanh nghiệp này không đúng đối tượng nhưng các cơ quan chức năng của TP.HCM vẫn chấp thuận cho thuê đất là không đúng quy định.

Thiệt hại do các bị can gây ra cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng khu đất trên xảy ra trong thời gian dài, đến khi bị phát hiện, ngăn chặn là đặc biệt lớn (giá trị khu đất tại thời điểm khởi tố vụ án năm 2018 là 3.816 tỷ đồng).

Bùi Trang - Theo Tinnhanhchungkhoan

Bạn đang đọc bài viết "Vi phạm quản lý đất vàng, nhìn từ vụ việc tại Sabeco" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.