Lô xe buýt 15 chiếc mang thương hiệu thuần Việt Thaco Bus được xuất khẩu sang Philippines giúp thỏa giấc mơ người Việt có thể làm ra và đưa chiếc xe của mình ra thế giới.
Thiết kế hoàn toàn mới
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO, cho biết từ năm 2017 đến nay, THACO và đối tác Philippines Auto Delta đã nghiên cứu, khảo sát thị trường Philippines để thiết kế và phát triển sản phẩm xe buýt theo yêu cầu của khách hàng. Đến ngày 16-5 vừa qua, THACO hoàn thiện 2 xe buýt mẫu xuất sang Philippines để chạy thử nghiệm và được khách hàng Philippines hài lòng về chất lượng sản phẩm. "Đây là mẫu xe được Trung tâm R&D THACO Bus thiết kế hoàn toàn mới, mang thương hiệu THACO với tỉ lệ nội địa hóa trên 45%, sử dụng động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường" - ông Trần Bá Dương thông tin.
Đặc biệt, phần ngoại thất xe bao gồm thân vỏ, khung xe, linh kiện cơ khí, linh kiện composite và phần nội thất như hệ thống chiếu sáng, ghế, dây điện, kính… được thiết kế và sản xuất hoàn toàn tại Chu Lai. Từ đó, hàm lượng nội địa hóa và hàm lượng công nghệ cho sản phẩm xe buýt THACO được gia tăng, đồng thời, bảo đảm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
THACO chính thức xuất khẩu 15 chiếc xe thương hiệu Thaco Bus sang thị trường Philippines Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Trước đó, ngày 23-12, THACO cũng đã xuất khẩu 1 chiếc xe bus mẫu sang Singapore. Ngày 24-12, doanh nghiệp (DN) ôtô này xuất khẩu lô đầu tiên 120 xe du lịch Kia Cerato phiên bản Deluxe được sản xuất tại Nhà máy Thaco Kia ở Khu Công nghiệp Thaco Chu Lai - Quảng Nam. Tính chung trong năm 2019, THACO xuất khẩu được 186 ôtô, gồm 21 xe buýt sang các thị trường Philippines, Thái Lan, Singapore; 33 xe tải sang Campuchia và 11 sơ mi rơ-moóc sang Mỹ cùng 14,5 triệu USD linh kiện phụ tùng.
Góp phần cân bằng cán cân thương mại
Ông chủ THACO nhìn nhận sự kiện xuất khẩu xe buýt THACO thương hiệu Việt Nam sang Philippines cùng mục tiêu xuất khẩu 1.026 ôtô các loại sang Myanmar, Thái Lan… vào năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam nói chung và THACO nói riêng trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh một cách sòng phẳng, lành mạnh trong khu vực. Qua đó, khẳng định khả năng hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam của Chính phủ, Bộ Công Thương và chiến lược xuất khẩu ôtô, linh kiện phụ tùng nhằm góp phần giảm nhập siêu và cân bằng cán cân thương mại. "THACO quyết tâm thực hiện chiến lược xuất khẩu ôtô và linh kiện phụ tùng để có thể cân bằng được ít nhất 20% cán cân thương mại, tiền tệ cho lĩnh vực sản xuất ôtô trong năm 2020. Nếu cộng thêm xuất khẩu ở lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi có thể cân bằng cán cân thương mại và tiền tệ ở mức 50%" - lãnh đạo THACO tự tin.
Ông Trần Bá Dương cũng chia sẻ bản thân DN có khả năng xuất khẩu nhiều hơn con số 1.026 xe vào năm 2020 nhưng muốn làm một cách thận trọng để bảo đảm kế hoạch phát triển bền vững, an toàn; tránh gây mất uy tín nếu để xảy ra sơ suất dẫn đến phải thu hồi xe.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng đẩy doanh số, doanh thu xuất khẩu mỗi năm tăng lên gấp đôi" - ông Dương nói thêm và bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương quan tâm hơn đến kế hoạch xuất khẩu của DN để hỗ trợ kịp thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá sự kiện là kết quả bước đầu của chiến lược công nghiệp ôtô Việt Nam - bản chiến lược không chỉ lãnh đạo nhà nước mà người dân đều đau đáu trông chờ, mặc dù đã có lúc không thành công như mong đợi. "Mặc dù giá trị xuất khẩu của THACO mới khoảng 50 triệu USD trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước hơn 500 tỉ USD nhưng đây là sự kiện ý nghĩa. Nó đưa Việt Nam thành quốc gia có vị trí trong bản đồ công nghiệp ôtô thế giới, góp phần hình thành cơ cấu xuất nhập khẩu theo đúng định hướng bền vững hơn nữa" - bộ trưởng nhận xét.
TS VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Tín hiệu tốt
Trong rất nhiều năm qua, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cũng như chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô nhưng không thành công. Lần đầu tiên một DN Việt xuất ra nước ngoài những chiếc xe thuần Việt do họ tự thiết kế, tự sản xuất là một tín hiệu tốt. Để làm được, DN không những cần đủ tiềm lực tài chính, công nghệ mà còn phải phát triển trên cơ sở tinh thần dân tộc, khát vọng dân tộc.
Tôi hy vọng THACO tiếp tục liên kết với những thương hiệu mạnh của nước ngoài, tích lũy kinh nghiệm và đầu tư công nghệ để nâng cao hơn nữa tỉ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng trên từng sản phẩm. Từ đó, tạo hiệu ứng và động lực lan tỏa cho các ngành kinh tế khác, bởi công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ôtô luôn là ngành xương sống của mỗi quốc gia. Về phía nhà nước, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, cần ban hành chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho DN tiếp cận công nghệ, tháo gỡ rào cản hành chính…
Ph.Nhung