Đã có hơn 7 ha rừng phi lao trồng hơn 20 năm tuổi cùng gần 1.000 m3 gỗ bị triệt hạ để… trồng lại rừng khác.
Chiều 18-11, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo xung quanh những thông tin về bốn dự án trên địa bàn tỉnh được giao đất không qua đấu giá.
Bốn dự án đều nằm trên địa bàn TP Phan Thiết gồm: Trường Mầm non Lê Quý Đôn tại phường Phú Thủy; dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long; dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2; dự án khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam và xã Tiến Thành (viết tắt là dự án Biển Quê Hương).
Phá rừng để… trồng lại rừng
Trong bốn dự án trên, đáng chú ý là dự án Biển Quê Hương bởi có nhiều ý kiến quan tâm trong buổi họp báo. Trước đó, nhiều thông tin khẳng định UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp hơn 12 ha đất vàng ven biển cho chủ đầu tư dự án mà không qua đấu giá. Đặc biệt, chủ đầu tư dự án đã cho triệt hạ toàn bộ rừng phi lao có tuổi đời hơn 20 năm tại đây.
Cụ thể, tháng 12-2016, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ký quyết định chủ trương đầu tư, giao khu đất rừng trên cho Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và hóa chất Việt Nam (gọi tắt là Công ty Hóa chất) triển khai dự án Biển Quê Hương.
Trong nội dung và quy mô của dự án, UBND tỉnh Bình Thuận đã cẩn thận nêu rõ: “Hình thành, quản lý, giữ gìn bãi tắm biển công cộng miễn phí dành cho người dân địa phương và du khách; bảo tồn và phát triển rừng dương hiện hữu”.
Tháng 4-2017, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định thu hồi và tạm giao mặt bằng với diện tích hơn 125.000 m2 tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam cho Công ty Hóa chất thực hiện dự án.
Đáng chú ý, đến tháng 7-2019, HĐND tỉnh Bình Thuận mới ban hành nghị quyết thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trồng sang mục đích khác, trong đó có dự án Biển Quê Hương.
Tuy nhiên, hơn một năm trước, UBND tỉnh Bình Thuận đã có nhiều văn bản chuẩn bị phá khu rừng này dù trước đó đã yêu cầu phải “bảo tồn và phát triển rừng dương hiện hữu”. Cụ thể, tháng 4-2018, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án trồng rừng để thay thế diện tích rừng sang mục đích khác ở dự án này. Diện tích rừng chuyển đổi là 7,17 ha trên tổng diện tích hơn 12 ha. Do Công ty Hóa chất không đủ điều kiện trồng rừng nên quyết định này yêu cầu công ty nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để… trồng lại rừng thay thế.
Tháng 11-2019, UBND tỉnh Bình Thuận lại tiếp tục ra quyết định phê duyệt giá trị bồi thường 7,17 ha rừng ở dự án trên chỉ với giá 195 triệu đồng (tức 1.000 m2 rừng chỉ có giá 2,7 triệu đồng). Một tháng sau, UBND tỉnh đã phê duyệt bán đấu giá gần 1.000 m3 gỗ từ việc phá rừng phi lao này với giá hơn 330 triệu đồng và toàn bộ rừng trồng hơn 20 năm tuổi đã bị triệt hạ.
Cơ quan chức năng nói gì?
Nói về vấn đề trên, tại buổi họp báo, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Diện tích 7,17 ha cây phi lao nằm trong khu vực dự án được trồng từ ngân sách nhà nước, nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng qua các thời kỳ nên không phải là rừng phòng hộ. Đây là diện tích nằm riêng lẻ tại khu vực giáp ranh, trên diện tích thuộc bãi ngang ven biển Tiến Thành - Thuận Quý, trước đây là bãi đất trống được UBND xã Thuận Quý và Tiến Thành bố trí trồng cây phi lao năm 1995.
Theo ông Mai Kiều, qua rà soát, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với diện tích 7,17 ha đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 19 Luật Lâm nghiệp.
“Đối với số tiền bồi thường rừng trồng, Ban quản lý rừng Hồng Phú đã trồng lại rừng tại khu đất rừng phòng hộ khác theo quy định. Ngoài 195 triệu đồng bồi thường rừng, công ty cũng đã nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh thêm hơn 300 triệu đồng khác” - ông Mai Kiều nói.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM về việc dự án Biển Quê Hương vì sao không đưa ra đấu giá trong khi đây là đất quy hoạch thương mại, dịch vụ; xây dựng biệt thự bán và cho thuê, đại diện Sở TN&MT cho rằng theo quy định thì đây là địa bàn ưu đãi đầu tư.
Cụ thể, theo UBND tỉnh, dự án khu du lịch cộng đồng Biển Quê Hương có tổng diện tích là 125.421,8 m2, trong đó diện tích 104.811,3 m2 tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư nên không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Phần diện tích 20.608,5 m2 tại xã Tiến Thành (TP Phan Thiết) không thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, phần diện tích này sử dụng vào mục đích công trình công cộng không kinh doanh, sau khi làm xong thì người dân tự do vào sinh hoạt công cộng.
Nói về việc xây dựng biệt thự bán và cho thuê, đại diện Sở TN&MT cho biết dự án này được điều chỉnh bán và cho thuê biệt thự theo vòng đời dự án chứ không phải được sử dụng mục đích lâu dài như nhà ở. Do đó, dự án thuộc trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Đất đai 2013. Vì vậy, đây thuộc trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2013.
Thủ tướng chỉ đạo xử lý vụ chia chác đất rừng Sở dĩ gọi khu vực dự án Biển Quê Hương là “đất vàng” bởi đây là khu đất rất đẹp nằm cạnh suối Nhum, sát biển. Từ những thập niên 1990, khu này đã được Nhà nước cho trồng phi lao dày đặc để phòng hộ chống xâm thực bờ biển. Tại khu đất này, từ năm 1997 đến 2001, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã cấp “giấy đỏ” hàng trăm lô đất với diện tích trên 1 triệu m2 cho 18 quan chức cấp tỉnh, 64 cán bộ cấp huyện và chín cán bộ cấp xã. UBND huyện Hàm Thuận Nam còn chia 33 lô ở khu rừng phi lao này cho 33 cán bộ xã và huyện. Sau khi Pháp Luật TP.HCM thông tin về vấn đề trên, Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc và giao cho Bộ Công an điều tra, xử lý. Hầu hết số đất chia chác trái pháp luật trên sau đó đã được thu hồi. Tuy nhiên, một số cán bộ đã bán lấy hàng trăm triệu đồng. Điển hình như ông Nguyễn Du, nguyên Chủ tịch UBND xã Thuận Quý, bán lấy hơn 300 triệu đồng. Do ông Du có liên quan trong việc xét duyệt chia chác đất trái phép này nên đã bị Công an huyện Hàm Thuận Nam khởi tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Thời điểm đó ông Du bỏ trốn khỏi địa phương, đến năm 2007 thì bị bắt và kết án. Khu rừng phi lao xanh mát này sau đó được người dân địa phương và du khách trong và ngoài nước chọn làm nơi cắm trại, sinh hoạt cộng đồng. |