Đại diện Chính quyền Thị xã Sơn Tây, Tp Hà Nội thừa nhận: “Chùa Khai Nguyên chưa được cấp giấy phép xây dựng, các hạng mục tại chùa đang được hoàn thiện, một số hạng mục được xây dựng trên đất nông nghiệp và cho rằng trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư”!?
Hàng nghìn m2 đất được xây dựng khi chưa cấp phép?
Trước đó, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã nhận được nhiều phản ánh của người dân, doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nghiệp Thị xã Sơn Tây về việc Lãnh đạo UBND Thị xã Sơn Tây, UBND xã Sơn Đông có dấu hiệu buông lỏng quản lý, không xử lý triệt để vi phạm dẫn đến nhiều công trình, hạng mục được đưa vào sử dụng trên đất nông nghiệp tại chùa Khai Nguyên, thôn Khoang Sau, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, gây bức xúc dư luận.
Chùa Khai Nguyên có tên là Cổ Liêu Tự, thường được gọi là chùa Cheo, có niên đại lịch sử từ nửa đầu thế kỉ XVI, thuộc thôn Khoang Sau, xã Sơn Đông. Vào năm 2003, Đại đức Thích Đạo Thịnh đã được nhân dân và phật tử địa phương mời về trông nom, trụ trì và phục vụ tín ngưỡng tại chùa. Từ đó đến nay, diện tích chùa Khai Nguyên đã được mở rộng và xuất hiện hàng loạt hạng mục công trình xây dựng chưa được các cơ quan chức năng chấp thuận hay cấp phép xây dựng như: Đại Hùng Bảo Điện diện tích 780m2, Tháp Báo Ân diện tích 90m2, Nhà Khách diện tích 500m2, Nhà Vãng Sinh Đường diện tích 180m2, Thư viện diện tích 300m2, Chùa một cột diện tích 120m2, Nhà Tạo Soạn (nhà bếp) diện tích 280m2, Nhà Pháp Hội diện tích 2.650m2, Nhà Tăng diện tích 300m2, Ao phóng sinh diện tích 6.000m2, Gác Chuông diện tích 200m2, Tam Quan diện tích 120m2, Đại tượng Phật A Di Đà vì Hòa bình thế giới diện tích 1.400m2 và một số công trình phụ trợ khác . Thậm chí, hiện nay công trình Tượng Phật đang gấp rút hoàn thiện, bất chấp việc đã có quyết định xử phạt (năm 2018) và yêu cầu dừng thi công của các cơ quan chức năng.
Chính quyền địa phương đùn đẩy trách nhiệm?
Liên quan đến những phản ánh về việc vi phạm trật tự xây dựng tại chùa Khai Nguyên, ngày 11/11/2020, PV đã đặt lịch làm việc kèm nội dung phản ánh của bạn đọc đến UBND xã Sơn Đông. Nhiều ngày trôi qua, dù nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Duy Cường – Chủ tịch UBND xã Sơn Đông nhưng không nhận được phản hồi của lãnh đạo đơn vị này. Được biết, xã Sơn Đông, Thị xã Sơn Tây từng là “điểm nóng” về vi phạm trật tự xây dựng từng được nhiều cơ quan báo chí “điểm danh”.
Tiếp đó, trong buổi làm việc với UBND Thị xã Sơn Tây, ngày 02/12/2020, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Hà- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã Sơn Tây (theo ủy quyền Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây tiếp cơ quan báo chí và cung cấp thông tin) đã thừa nhận, chùa Khai Nguyên chưa được bất kỳ cấp nào phê duyệt xây dựng, các hạng mục tại tại chùa đang gấp rút hoàn thiện, một số hạng mục được xây dựng trên đất nông nghiệp.
“UBND Thị xã Sơn Tây đã có văn bản chỉ đạo xã Sơn Đông nhưng do sự việc tồn tại qua nhiều thời kỳ nên chưa được xử lý dứt điểm. Năm 2018, UBND Thị xã Sơn Tây đã ra quyết định xử phạt 40.000.000 đồng, yêu cầu chùa Khai Nguyên dừng xây dựng và hoàn thiện hồ sơ cấp phép xây dựng. UBND Thị xã Sơn Tây đã yêu cầu xã Sơn Đông kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng của chùa Khai nguyên, tuy nhiên xã ít báo cáo”, ông Nguyễn Thanh Hà cho biết!
Như vậy, theo trả lời của đại diện UBND Thị xã Sơn Tây, công trình này đã được xử lý sai phạm vào năm 2018, tuy nhiên, trên thực tế công trình vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí phát sinh nhiều hạng mục với diện tích lớn. Vậy, có hay không việc lập biên bản xử lý vi phạm để cho sai phạm tồn tại?! Và đâu là “nguyên nhân sâu xa” khiến đại diện UBND Thị xã Sơn Tây từ chối cung cấp quyết định xử phạt, các văn bản chỉ đạo đơn vị liên quan, thậm chí “cung cấp có chừng mực” đến cơ quan báo chí để rộng đường dư luận?
Đề cập về trách nhiệm của Phòng Tài nguyên & Môi trường khi để một số hạng mục tại chùa Khai Nguyên được xây dựng trên đất nông nghiệp, ông Hà lý giải, Phòng Tài nguyên & Môi trường có chức năng quản lý về đất đai. Căn cứ theo luật, việc này do Chủ tịch UBND xã quản lý và Phòng Tài nguyên chưa nhận bất kỳ thông tin nào từ phía UBND xã Sơn Đông”!? Thật bất ngờ về câu trả lời của người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường như: đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường,... Bởi, ông Hà đang nói đến chức năng của Phòng Tài nguyên & Môi trường, vậy còn nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Tài nguyên & Môi trường ở đâu khi để một phần diện tích đất nông nghiệp tại xã Sơn Đông bị chùa Khai Nguyên chiếm dụng?
Cũng cần nói thêm, hiện tại chùa Khai Nguyên, chủ đầu tư đang tiếp tục thi công nhiều hạng mục chưa được cấp phép, trong đó nổi bật là bức tượng Phật A Di Đà vì Hòa bình thế giới diện tích 1.400m2. Câu hỏi đặt ra, trong trường hợp công trường thi công xảy ra tai nạn lao động thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Có thể khẳng định, những sai phạm trật tự xây dựng tại chùa Khai Nguyên "rõ như ban ngày". Và dường như UBND Thị xã Sơn Tây đang “loay hoay” khi chưa tìm ra cách xử lý triệt để sai phạm tồn tại trong suốt nhiều năm qua. Thế nhưng, thay vì xử lý sai phạm theo quy định thì đại diện UBND Thị xã Sơn Tây lại đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí còn cho rằng “Về xây dựng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư”!
Liên quan đến sự việc, ngày 17/12 Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản trả lời Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập về việc chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm tại chùa Khai Nguyên, xã Sơn Đông, Thị xã Sơn Tây và chuyển văn bản nêu trên đến UBND Thị xã Sơn Tây xem xét giải quyết.
Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.