Trường Đại học FPT Đà Nẵng hợp tác với Trường Đại học Duy Tân để “tất tay” Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

14/10/2024 09:45

Chương trình The Moneyverse (Vũ trụ Đồng tiền) tiếp tục quay trở lại cùng 3 trường Đại học tiếp theo. Các đội chơi khiến khán giả thích thú với màn cạnh tranh đầy “máu lửa” khi chỉ với bắt đầu vòng thi đầu tiên.

Trong tập 3 của The Moneyverse (Vũ trụ Đồng tiền) sẽ là sự xuất hiện của 3 đội chơi đến từ 3 trường Đại học: Trường Đại học FPT Đà Nẵng (Lê Văn Minh, Nguyễn Đăng Phúc Lộc, Đỗ Phan Minh Quân), Trường Đại học Duy Tân (Dương Thị Khánh Ly, Ngô Thị Hoài Thương, Nguyễn Trường Phú) và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Hoàng Dương, Nguyễn Thế Hoàng, Phạm Công Ngọc Bích).

Đồng hành cùng với 3 trường Đại học trong tập phát sóng lần này sẽ là dàn Ban giám khảo đầy chất lượng và dày dặn kinh nghiệm: TS Nguyễn Xuân Quang – Phó Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI; Nhà báo Dương Ngọc Trinh – Giám đốc chiến lược Thời báo VTV, Đài truyền hình Việt Nam; PGS.TS Đỗ Hoài Linh – Chuyên gia tài chính cá nhân, Thành viên Hội đồng cố vấn chuyên môn Vũ trụ Đồng tiền; Bà Trịnh Sao Mai – Giám đốc Trung tâm Marketing, Đơn vị chiến lược DC5, Tập đoàn FPT. Đặc biệt, các khán giả có mặt tại trường quay cũng chính là những nhà đầu tư có kinh nghiệm, những nhà đầu tư thế hệ mới của chương trình.

Chủ đề của tập phát sóng lần này mang tên “Tinh vân tiết kiệm”, các thí sinh sẽ tiếp tục đến vòng đầu tiên của chương trình: “Monee Hunter – Săn tiền thưởng”. Cụ thể, các thí sinh sẽ phải cùng nhau giải nghĩa từ khóa xuất hiện tại chương trình này dựa trên 2 tiêu chí: đúng và dễ hiểu. Đội chiến thắng phần diễn giải sẽ nhận được số đạn nhiều nhất để bước sang phần chơi thực tế ảo VR (bắn thiên thạch từ khóa dựa theo câu hỏi). Kết thúc phần chơi, đội nào bắn được nhiều nhất sẽ nhận được giải thưởng 100 triệu Monee, đội nhì 95 triệu Monee, đội ba 90 triệu Monee.

1728870956-hha-3556-1728873818.jpg

“Lãi suất” chính là từ khóa được chương trình công bố ngay tại vòng thi đầu tiên. Sau khi nhận được từ khoá, các “chiến binh” có thời gian để cùng nhau thảo luận. Với mong muốn phải tối ưu được khái niệm bằng cách diễn giải ngắn gọn cũng như chọn chiến thuật đầy sự thông minh và sáng tạo, cả 3 đội chơi đều có ý chí cạnh tranh, áp đảo các đội chơi còn lại.

Đến lượt diễn giải của đội Trường Đại học Duy Tân, MC Tuyết Ngân – một trong những Ban bình luận có mặt tại trường quay bất ngờ lên tiếng khi thấy đội chơi còn dư đến 2/3 quỹ thời gian. “Tôi nghĩ chiến lược này của các bạn đưa ra đã sai rồi. Chiến lược không tôn trọng thời gian và phung phí thời gian như thế này là sai rồi”, nữ MC cho biết. Về việc chưa tận dụng hết thời gian, giám khảo Đỗ Hoài Linh cũng đã đưa ra một số góp ý cho đội.

1728870956-hha-3655-1728873818.jpg

Kết thúc các lượt diễn giải từ khoá của 3 đội, Trường Đại học FPT Đà Nẵng được đánh giá có câu trả lời lưu loát nhất nhưng lại không có sự sáng tạo. Trái lại, đội có phần diễn giải dễ hiểu và có sự sáng tạo nhất chính là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, Giám khảo Nguyễn Xuân Quang nhận xét phần tình huống đội Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng: “Bạn mình vay 100 nghìn, sau đó ta nhận lại tiền gốc và tiền lãi, thì tiền lãi đó chưa phải là lãi suất”. Theo đó, giám khảo Nguyễn Xuân Quang cũng giải thích lãi suất là tỷ lệ phần trăm. Bổ nghĩa thêm cho từ khoá chính, giám khảo Phạm Lưu Hưng giải thích: “Lãi suất là số tiền chúng ta phải trả, giống như chúng ta đi thuê nhà thì mình phải trả tiền thuê nhà. Khi mình sử dụng vốn của người khác mình cũng phải trả tiền thuê. Và đây là ý khá hay mà trường Đại học Duy Tân nói được”. Kết thúc vòng đầu tiên, Trường Đại học FPT Đà Nẵng và Trường Đại học Duy Tân đứng nhất nhì về mặt nghĩa, tuy nhiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lại được cộng thêm điểm sáng tạo nên đã “lội ngược dòng”, trở thành đội chơi nhận được nhiều đạn nhất để bước vào phần chơi thực tế ảo VR.

1728870956-hha-3659-1728873818.jpg

Ở phần thương thảo để giành ngôi sao trách nhiệm, đội Trường Đại học FPT Đà Nẵng cũng đã hợp tác với Trường Đại học Duy Tân để “tất tay” Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Với những lý lẽ về đoàn kết, chung tay góp sức vì cộng đồng và chấp nhận nhận rủi ro chung, Trường Đại học FPT Đà Nẵng và Trường Đại học Duy Tân đã thực hiện chiến lược hợp tác thành công. Như vậy, tại vòng 3 của chương trình, 2 trường này sẽ có thêm manh mối từ ban giám khảo để giải mật mã.

Bước vào vòng thi thứ hai mang tên “Bigbang – Đầu tư giả lập”, chương trình cung cấp một bối cảnh giả định để các đội chơi cùng đánh giá và phân bổ Monee. Với bối cảnh được đưa ra, một hành tinh sung túc nhất duy trì lãi suất cao 5,25% dù thị trường bất động sản tại đây có dấu hiệu bất ổn. Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ tại hành tinh này đảo ngược liên tục 10 tháng, sở hữu GDP đạt 7,7% và Lạm phát đạt 10%/năm trong quý gần nhất tại Tinh Vân Tiết Kiệm (thành viên trong Tổ chức Thương mại Vũ trụ, mở ra cơ hội xuất khẩu).

1728870956-hha-3684-1728873818.jpg

Các đội tiến hành phân bổ tài sản theo bối cảnh của chương trình như sau: Trường Đại học FPT Đà Nẵng phân bổ 20% cho kim loại quý, 25% cổ phiếu cảng biển, 30% lãi suất tiết kiệm và 25% tiền mặt. Tiếp đến, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định đầu tư 15% kim loại quý, 12% cổ phiếu tài chính, 20% cổ phiếu cảng biển, 35% lãi suất tiết kiệm và 13% tiền mặt. Cuối cùng, Trường Đại học Duy Tân công bố mức đầu tư dành 35% cho kim loại quý, 30% cổ phiếu cảng biển, 25% dầu mỏ và 10% tiền mặt, quyết định không đầu tư vào lãi suất tiết kiệm như các đội chơi còn lại.

Đội được Ban giám khảo đánh giá có tư duy mạch lạc, thành công kêu gọi được vốn đầu tư và dẫn đầu vòng thi không ai khác là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đội có tư duy tương đối linh hoạt, xếp ở vị trí thứ 2 là Trường Đại học FPT Đà Nẵng. Phần thể hiện kêu gọi vốn đầu tư của Trường Đại học Duy Tân chưa thật sự sắc bén nên kết quả là đội đứng cuối cùng ở vòng thi lần này. Sau đó, các đội được đến với đầu tư giả lập trong thời điểm 1 năm. Thị trường sẽ thay đổi dựa trên biến cố mà chương trình đưa ra, cũng như quyết định đầu tư của 100 thành viên còn lại tại trường quay. Nhờ sự linh hoạt và ứng biến trong phân bổ tài sản, trường Đại học FPT Đà Nẵng đã vươn lên dẫn đầu, sở hữu Monee nhiều nhất.

Nhận xét về vòng Đầu tư giả lập, Nhà báo Dương Ngọc Trinh đưa ra quan điểm: “Biến cố sẽ làm lộ ra đội nào có tư duy bản lĩnh. Trước biến cố xảy ra thế mạnh nằm ở đội này nhưng sau biến cố xảy ra thế mạnh lại nằm ở đội khác. Chúng tôi không đánh giá dựa trên con số là bạn đang phân bổ vào đâu và hợp lý như thế nào, chúng tôi muốn đánh giá vào tư duy logic và khả năng các bạn nhìn nhận bối cảnh để đưa ra các nhận định phân bổ tài sản vào hạng mục đầu tư nào”.

Bên cạnh đó, ông Phạm Lưu Hưng cũng nói thêm: “Trong đầu tư, một trong các sai lầm là mình nghĩ rằng khi có nhiều tiền, tức là mình có nhiều kinh nghiệm và nhiều kiến thức. Tuy nhiên thật ra không phải, mình có thể kiếm tiền được từ rất nhiều cách, nhưng kinh nghiệm đầu tư lại là một câu chuyện khác. Do đó, tôi nghĩ rằng chuyện nhiều tiền hay ít tiền không phải là vấn đề, mà là cách tiếp cận có đúng hay không”.

Đến với vòng thi cuối mang tên “Black Hole – Hố Đen Vũ Trụ”, thí sinh Dương Thị Khánh Ly, Nguyễn Thế Hoàng và Đỗ Phan Minh Quân lần lượt đại diện cho Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học FPT Đà Nẵng là những thí sinh tham gia. Đại diện của mỗi đội tham gia cần giải mật mã, trả lời cho câu hỏi mà chương trình đưa ra để mở khóa thoát ra khỏi “hố đen”. Trong trường hợp người chơi hết giờ nhưng vẫn không giải được mật mã, chiến thắng sẽ thuộc về người sở hữu nhiều Monee nhất. Trước khi bước đến câu hỏi đầu tiên, mỗi đội đều sẽ nhận được một dữ kiện manh mối quan trọng cho riêng mình.

Với câu hỏi “Một nguyên tắc quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân”, ngay khi vừa nhận dữ kiện đầu tiên, Nguyễn Thế Hoàng đã sử dụng lượt mở khoá miễn phí khiến cả trường quay đều bất ngờ. Tuy thất bại, nhưng bạn cũng chính là người đấu giá thành công lấy được manh mối đầu tiên “Latte factor” (“Phần chi tiêu luôn nhỏ hơn phần thu nhập”) với mức giá 3 triệu Monee. Tiếp nối sau đó, Dương Thị Khánh Ly cũng thành công đấu giá lấy về manh mối thứ 2 “Tích tiểu thành đại”. Ngay lập tức, Nguyễn Thế Hoàng và Dương Thị Khánh Ly lần lượt là thí sinh xung phong giải mật mã sau khi trải qua 2 manh mối, nhưng vẫn thất bại.

Đấu giá manh mối thứ 3 tăng lên với mức giá khởi điểm là 10 triệu Monee cùng bước giá 5 triệu Monee. Vòng thi ngày càng trở nên gay cấn khi Nguyễn Thế Hoàng và Dương Thị Khánh Ly bắt tay liên minh cùng nhau đấu giá. Dù Đỗ Phan Minh Quân đang có trong tay không nhiều Monee nhưng bạn đã quyết đoán mạnh tay đấu giá hơn một phần tư cho manh mối thứ 3 này. Tinh thần quyết chiến “không ai nhường ai” khiến trường quay căng thẳng. Cuối cùng, Dương Thị Khánh Ly đã không đủ sức liên minh, Đỗ Phan Minh Quân chấp nhận bỏ cuộc phần đấu giá và Nguyễn Thế Hoàng thành công đổi lấy manh mối thứ 3 “Mua vì cái gì bán vì cái đó” với mức giá 80 triệu Monee.

Nhận 3 manh mối nhưng cả ba đội vẫn chưa có dấu hiệu giải được mật mã. Thế nên tất cả phải trả lời nhanh các câu hỏi trắc nghiệm để giành lấy manh mối cuối cùng. Kết quả, Dương Thị Khánh Ly chiến thắng ở phần trắc nghiệm này và giành được manh mối thứ 4.

Đáng chú ý, vật phẩm “Ngôi sao trách nhiệm” được nhắc đến ở vòng thi thứ hai sẽ giúp các bạn đến gặp các vị Ban giám khảo và được cung cấp những thông tin có liên quan đến mật mã. Đỗ Phan Minh Quân, người đã không chọn đầu tư vào “Ngôi sao trách nhiệm” quyết định dùng chiến lược mời gọi các bạn còn lại giao dịch manh mối để đổi lấy tiền, nhưng giao dịch không thành công. Sau lần này, cả ba đội quyết định dùng 10% giá trị tiền thưởng chương trình để mua thêm 5 phút giải mật mã nhưng cũng không có kết quả.

Kết thúc thời gian quy định, Khánh Ly đã xin đoán kết quả là “Kỷ luật” trước khi MC Công Tố mở khoá. Và kết quả của Khánh Ly cũng chính là từ khoá chính xác. Tổng kết lại, Khánh Ly là thí sinh sở hữu Monee nhiều nhất và giúp Trường Đại học Duy Tân  chiến thắng trong tập 3 của Vũ trụ Đồng tiền.

Giải đấu The Moneyverse – dành riêng cho các phi hành gia tài năng của các trường Đại học trên cả nước, có kiến thức về 5 hành tinh: Kiếm – Tiêu – Tích lũy – Đầu tư – Bảo toàn, với sự tự tin thể hiện bản sắc cá nhân. Các thí sinh tham gia sẽ có cơ hội chinh phục 1 tỷ đồng đầu tiên của Giải đấu, cơ hội làm việc tại các định chế tài chính hàng. Theo đó, BIDV và SSI là 2 đối tác chiến lược đồng hành xuyên suốt chương trình.

Vũ trụ Đồng tiền phát sóng truyền hình VTV3 vào lúc 14h00 Chủ nhật hàng tuần và trên YouTube The Moneyverse lúc 15h cùng ngày.

Bạn đang đọc bài viết "Trường Đại học FPT Đà Nẵng hợp tác với Trường Đại học Duy Tân để “tất tay” Trường Đại học Bách khoa Hà Nội" tại chuyên mục Giải trí. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.