Trung lập về triển vọng cổ phiếu bất động sản năm 2020

02/01/2020 12:08

Nhìn từ sự chậm trễ trong phê duyệt dự án tại TP.HCM, giới đầu tư tỏ ra trung lập về triển vọng năm tới của cổ phiếu bất động sản. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng được kỳ vọng.

Nhìn từ sự chậm trễ trong phê duyệt dự án tại TP.HCM, giới đầu tư tỏ ra trung lập về triển vọng năm tới của cổ phiếu bất động sản. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng được kỳ vọng.

VN-Index có thể sẽ tăng 10-15% 

Nền kinh tế vừa trải qua năm 2019 với sự tăng trưởng vừa phải. Đây được cho là giai đoạn kinh tế không tăng quá nóng để gây lạm phát, cũng không quá nguội để gây suy thoái.

Tăng trưởng GDP mạnh mẽ và lạm phát được kiểm soát tốt, nhu cầu tiêu dùng tăng cao và làn sóng dịch chuyển sản xuất giúp nền kinh tế hưởng lợi. Theo đó, Công ty quản lý quỹ VinaCapital cho rằng câu chuyện tích cực của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn trong năm 2020, dù rằng biến động kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể chắc chắn.

“GDP Việt Nam khả năng tăng trưởng 6,7 - 6,9% trong năm 2020 và lạm phát được kiểm soát quanh 3% (dù CPI có thể trên 4% vào đầu năm do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi ASF). Hai động lực chính là lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng hộ gia đình sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm tới”, theo báo cáo của VinaCapital.

Cùng với bối cảnh toàn cầu thuận lợi cho giá cổ phiếu các thị trường mới nổi và cận biên (F&EM), kết hợp định giá cổ phiếu Việt Nam hợp lý (P/E dự phóng ở mức 14 lần và tăng trưởng EPS 14%) cho thấy khả năng VN-Index có thể tăng 10 - 15% trong năm tới.

VN-Index kết thúc năm đạt 960,99 điểm, tăng 7,7% so với 2018

Triển vọng cho các thị trường chứng khoán cận biên, mới nổi năm 2020 đầy hứa hẹn, được VinaCapital dẫn ra 4 nhân tố tác động chính. Thứ nhất, các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ bắt đầu sử dụng các gói định lượng (QE) và in tiền, điều này cơ bản giải thích cho sự tăng giá cổ phiếu toàn cầu trong 5 - 6 năm qua. Điển hình là lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ không tăng nhưng S&P500 tăng 50% trong 5 - 6 năm qua.

Thứ hai là đồng USD sẽ mất giá trong năm tới, đây là một tín hiệu tích cực cho giá cổ phiếu thị trường F&EM.

Tiếp đến, các thị trường F&EM có độ trễ đáng kể so với giá cổ phiếu thị trường phát triển trong vài năm gần đây, đặc biệt là so với thị trường chứng khoán Mỹ. Cuối cùng, ngân hàng trung ương các thị trường F&EM (bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) có những hành động cùng chiều với Fed và tích cực cắt giảm lãi suất chính sách trong năm 2019.

Cổ phiếu bất động sản còn hấp dẫn?

Dự báo về cổ phiếu tốt năm 2020, giới đầu tư chuyên nghiệp cho rằng, lợi nhuận các ngân hàng niêm yết có khả năng tăng 23% vào năm 2020, được dẫn dắt bởi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 13 - 14%.

Trong đó, cho vay thế chấp có thể tăng trưởng khoảng 30% và chiếm khoảng 1/4 tổng các khoản cho vay của các ngân hàng vào năm sau. Các cổ phiếu ngân hàng ưa thích của quỹ là MBB, VCB và VPB.

Với ngành bán lẻ, tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 tiếp tục được dẫn dắt bởi sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự dịch chuyển các cửa hàng bán lẻ nhỏ (mom and pop) sang các chuỗi quy mô lớn.

Mảng công nghệ hiện được dẫn dắt bởi tập đoàn FPT. Hơn một nửa doanh thu của FPT đến từ gia công phần mềm dự kiến sẽ tăng trưởng 25% trong năm tới, trong khi doanh thu dịch vụ viễn thông dự báo tăng trưởng 15% mỗi năm. Ngoài ra, FPT còn hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng tại thị trường nước ngoài, cuộc đua công nghệ fintech. Ngành thép có thể chú ý đến Hòa Phát khi tập đoàn này dự kiến tăng gấp đôi sản lượng trong năm 2020.

Đặc biệt, về triển vọng năm tới của cổ phiếu bất động sản không nhiều đột biến do sự chậm trễ trong phê duyệt các dự án mới tại TP.HCM, Hà Nội.

Nhìn chung, các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trải qua giai đoạn bán niên 2019 khá tích cực. Thống kê 70 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên HOSE và HNX cho thấy, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng từ 20 - 40% so với năm trước.

Cổ phiếu khu công nghiệp sẽ được quan tâm trong năm 2020

Theo khảo sát ý kiến các chuyên gia, ngành bất động sản vẫn sẽ có những cổ phiếu là điểm sáng. Chẳng hạn, phân khúc bất động sản khu công nghiệp, cho thuê và du lịch nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020. Quỹ đất dành riêng cho hoạt động sản xuất công nghiệp đã tăng cấp số nhân những năm qua để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, định hướng xuất khẩu, các hiệp định thương mại tự do được ký kết, các vùng kinh tế trọng điểm được hình thành.

Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tìm cơ hội đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp (hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung) ngày càng tăng cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho phân khúc phát triển.

Trong khi đó, thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TP.HCM vẫn giữ vị trí là một trong những phân khúc bất động sản thu hút nhất trong khu vực. Thị trường nghỉ dưỡng đang được hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như số lượng đường bay thẳng quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank cũng nhận định, các lĩnh vực du lịch và vận tải, dịch vụ liên quan đến du lịch vẫn đóng góp nhiều vào hoạt động tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, có thể nói, các doanh nghiệp trong hai ngành này sẽ là điểm sáng trong năm 2020.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) kỳ vọng, nhóm cổ phiếu bất động sản có quỹ đất lớn, nợ vay thấp sẽ có nhiều lợi thế so với phần còn lại. Thị trường bất động sản có thể không tăng mạnh, nhưng giá đất nền vẫn giữ giá và theo thời gian sẽ tăng, vì vậy doanh nghiệp có quỹ đất lớn giá rẻ trước đó càng có nhiều lợi thế.

http://reatimes.vn/trung-lap-ve-trien-vong-co-phieu-bat-dong-san-nam-2020-20200101144649012.html

Bạn đang đọc bài viết "Trung lập về triển vọng cổ phiếu bất động sản năm 2020" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.