Bùi Thạc Chuyên hào hứng vì tác phẩm được hoàn thiện và đến với khán giả sau 7 năm thực hiện. Kịch bản Tro Tàn Rực Rỡ được nhen nhóm bằng tình yêu anh dành cho thế giới văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, dựa theo hai truyện ngắn Tro Tàn Rực Rỡ và Củi Mục Trôi Về. Với anh, bộ phim là câu chuyện về tình yêu đầy nhân văn của những người phụ nữ miền Tây dành cho người đàn ông nhiều tổn thương của họ - thứ tình yêu giản đơn mà phức tạp ngày nay ít thấy. Anh cảm ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hỗ trợ trong quá trình chuyển thể kịch bản và các diễn viên hết lòng vì bộ phim. Anh hy vọng bộ phim sẽ chạm được vào cảm xúc của khán giả và được công chúng đón nhận khi ra rạp vào đầu tháng 12 này.
Theo sát hành trình của Tro Tàn Rực Rỡ từ những ngày đầu tiên, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc chia sẻ về những thử thách đoàn phim đi qua khi phim bấm máy giữa dịch và những trải nghiệm khó quên tại LHP quốc tế Tokyo. Với chị, điều đặc biệt nhất của Tro Tàn Rực Rỡ là không gian miền Tây độc đáo trong văn học của Nguyễn Ngọc Tư từ trang sách bước lên màn ảnh.
Tro Tàn Rực Rỡ đánh dấu màn tái hợp trong phim điện ảnh của Quang Tuấn và Phương Anh Đào, sau lần vào vai sát nhân - nhân chứng trong Bằng Chứng Vô Hình cách đây hai năm. Lần đầu nên duyên vợ chồng với Phương Anh Đào để lại trong lòng Quang Tuấn những dấu ấn đặc biệt. Còn Phương Anh Đào có bước chuyển mình khác biệt so với hình tượng nàng thơ ở các phim trước.
Phương Anh Đào chia sẻ cô rất run khi lần đầu tới gặp đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc để casting vai Nhàn. Nữ diễn viên biết rằng gương mặt của mình dễ bị đóng khung với dạng nhân vật sắc sảo, còn vai Nhàn của Tro Tàn Rực Rỡ lại mang nhiều nét nhẹ nhàng và mộc mạc. Nhưng nhờ sự yêu mến với bộ phim, với cách kể của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và câu chuyện về vùng đất Cà Mau, vốn là quê hương của cô, Phương Anh Đào quyết định dốc hết sức mình cho vai diễn. “Tuy vai diễn này Phương Anh Đào không phải chịu bầm dập về thể xác như vài vai diễn trước nhưng sâu bên trong nhân vật lại ẩn chứa nhiều tổn thương. Đó cũng là cách kể về nhân vật của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mà tôi rất thích. Anh Chuyên khiến mọi thứ có vẻ bình thường khi nhìn từ bên ngoài Mọi cảm xúc ngược lại được nén vào bên trong, diễn viên không trình bày cơ mặt nhiều. Nhưng sâu bên trong nhân vật sẽ là rất nhiều lớp lang để khám phá", Phương Anh Đào chia sẻ.
Đề vào vai Nhàn, Phương Anh Đào đã cùng các diễn viên tới Cà Mau và dành thời gian chuẩn bị cho vai diễn trong một tháng liền. Trong thời gian này, Phương Anh Đào phải đi phơi nắng, học cách nấu cơm và làm việc nội trợ như một người phụ nữ nông thôn. Tới khi nhập vai, cô được chỉnh trang cho đen đúa đi và hàng ngày phải tô răng bớt trắng để có thể hoàn toàn trở thành Nhàn. Tương tự như Phương Anh Đào, bạn diễn Quang Tuấn cũng phải học làm nghề than tại Cà Mau cho vai Tam và được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đánh giá là đã “vô vai".
Tro Tàn Rực Rỡ đánh dấu vai chính đầu tay của Bảo Ngọc Doling. Cô đảm nhận vai Hậu, người dẫn chuyện trong phim. Lọt vào mắt xanh của đạo diễn năm 13 tuổi, Bảo Ngọc đã trưởng thành cùng nhân vật trong 5 năm, đến khi 18 tuổi mới chính thức bước vào giai đoạn bấm máy, khi dự án cũng đã sẵn sàng để sản xuất. Từ một cô gái lai mang hai dòng máu Anh và Việt sống ở trời Tây, Bảo Ngọc đã hòa nhập vào đời sống người dân miền Tây sông nước, hóa thân thành người vợ, người mẹ trên màn ảnh. Diễn cặp Bảo Ngọc Doling, Lê Công Hoàng có màn tái xuất sau Thưa Mẹ Con Đi. Thể hiện nhân vật Dương với nhiều ẩn ức tâm lý là một trải nghiệm khó quên với chàng thơ của phim độc lập Việt Nam.
NSƯT Hạnh Thúy, diễn viên Thạch Kim Long, Mai Thế Hiệp đảm đương các vai diễn trong tuyến truyện song song với bốn nhân vật kể trên. Những ngày sống ở miền Tây để tìm chất liệu nhập vai và quá trình quay lưu lại trong ký ức của họ nhiều câu chuyện thú vị. NSƯT Hạnh Thúy cho hay cô vào vai nhân vật tên Loan, một người phụ nữ “không tỉnh táo" có ký ức dừng ở độ tuổi 12. “Đóng vai người điên rất áp lực. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói với tôi rằng em không cần làm gì, chỉ cứ là chính em là đã đủ. Nhưng với tôi, cái đó mới khó. Khi xem Tro Tàn Rực Rỡ, khán giả sẽ thấy Hạnh Thúy vào vai một cô gái nhút nhát, ngây thơ đúng như độ tuổi 12 mà ký ức nhân vật này bị dừng lại do những tổn thương về tâm lý”, cô chia sẻ. Còn nam diễn viên Mai Thế Hiệp kể lại kỷ niệm hài hước khi được chọn vào vai sư thầy ngay trong giai đoạn anh gặp áp lực căng thẳng, bị rụng tóc và phải cạo trọc đầu.
Cũng trong họp báo, Tro Tàn Rực Rỡ lần đầu ra mắt trailer chính thức và ấn định lịch chiếu rạp toàn quốc kể từ 2/12/2022. Mở đầu bằng lời thủ thỉ của Hậu (Bảo Ngọc Doling) với chồng - Dương (Lê Công Hoàng), trailer dẫn dắt người xem vào không gian sông nước miền Tây đặc quánh chất liệu văn học của Nguyễn Ngọc Tư. Hậu nhắc chuyện chồng mình một lòng dành yêu thương cho Nhàn (Phương Anh Đào) bằng giọng buồn nhưng bình thản. Cô mê mẩn ngọn lửa bùng lên ở căn nhà của Nhàn và ước chi tình yêu chồng mình dành cho Nhàn cũng cháy rụi trong ngọn lửa ấy.
Những lát cắt nhỏ hé lộ phần nào về ba cặp nhân vật Nhàn - Tam, Hậu - Dương và Loan Khùng (NSƯT Hạnh Thúy) - Khang (Thạch Kim Long)- sư thầy (Mai Thế Hiệp). Nhàn và Tam vốn có cuộc sống vợ chồng son đầy viên mãn. Trong mắt Hậu chỉ có Dương còn trong lòng Dương chỉ có người khác. Loan thần trí không bình thường, Khang dường như mang nhiều ẩn ức.
Đoạn trailer khép lại với nhiều tình huống kịch tính và bí ẩn, phủ ngập nỗi buồn cô đơn nhưng mang theo tình yêu của những người đàn bà miền Tây sông nước. Tình yêu đầy bao dung mà những người phụ nữ ấy dành cho người đàn ông của đời mình cũng rực rỡ như tro tàn sau đám cháy trong phim.
Tro Tàn Rực Rỡ - phim Việt đầu tiên tranh giải chính thức (Main Competition) tại LHP Quốc tế Tokyo lần thứ 35 diễn ra vào cuối tháng 10 tại Nhật Bản. Sau khi ra mắt trong nước, phim tiếp tục được chiếu ở các liên hoan phim quốc tế trên khắp thế giới trong thời gian tới.
Tro Tàn Rực Rỡ chính thức khởi chiếu toàn quốc từ ngày 02.12.2022.