Trang sức Đức Tiến có nguy cơ “vỡ nợ”?

24/08/2023 09:00

Nguồn vốn được huy động tăng mạnh đến 61% nhưng lợi nhuận của Trang sức Đức Tiến lại giảm 35% và đơn vị này đã mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn.

Kết số 2022 của Công ty CP Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến cho thấy, đơn vị này đã bổ sung nguồn vốn lên đến hơn 515 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 61% so với con số cuối năm 2021. Tuy nhiên, lãi ròng đạt được lại thụt lùi 35%, nghĩa là chỉ đạt hơn 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái gần 71 tỷ đồng. Do đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế từ 22,14% sụt giảm mạnh chỉ còn 8,97%.

dt-1666346276-1-1692842350.jpg

Trang sức Đức Tiến không còn khả năng trả nợ trái phiếu đúng hạn.

Bên cạnh việc sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả, gánh nặng nợ vay cũng đã bào mòn lợi nhuận của Trang sức Đức Tiến. Căn cứ dữ liệu đã được công bố, đơn vị này đang vay nợ đến 1.602 tỷ đồng. Số nợ này gấp 3,11 lần so với số vốn tự có, và tăng 27% so với 2021.

Trong năm 2021, Trang sức Đức Tiến đã huy động 500 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu với kỳ hạn 12 tháng, tức là đáo hạn vào ngày 15/10/2022, lãi suất 12%/năm. Tuy nhiên, số tiền nợ gốc mà đơn vị này đã chi trả trong 4 lần từ 21/10 đến 17/12/2022 chỉ 8,2 tỷ đồng. Như vậy, Trang sức Đức Tiến đã không còn có thể thanh toán khoản nợ này đúng kỳ hạn. Lý do đơn vị này đưa ra là chưa thu xếp được nguồn vốn.

Trước đó, đơn vị này cũng đã công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi lô trái phiếu này. Trong năm 2022, Trang sức Đức Tiến đã gửi văn bản đến nhà đầu tư với nội dung gia hạn thời gian thanh toán, không trễ hơn 25/11/2022. Đồng thời, đơn vị này cam kết chi trả đủ 30% tiền nợ gốc và lãi phạt 18% tính từ ngày 15/10/2022. Và 70% nợ gốc còn lại sẽ thanh toán trước 24/12/2022, cùng với khoản lãi phạt.

Đáng nói, trong năm 2022, Trang sức Đức Tiến đã từng có văn bản gửi đến nhà đầu tư về việc gia hạn thời gian thanh toán tiền gốc trái phiếu, qua đó, khẳng định không chậm hơn ngày 25/11/2022.

Theo thông tin công bố trên HNX, đơn vị này có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp này tại 66 Nguyễn Huệ, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM. Các văn bản gửi HNX do Giám đốc Điều hành Vũ Trần Đức Duy ký. Tuy nhiên, trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trụ sở chính của đơn vị này là lầu 2, số 3 Đặng Trần Côn, P. Bến Thành, Q.1, và người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Đình Thục.

Ngoài ra, thông tin từ website của Công ty TNHH Trang sức Danny, ông Duy còn là đại diện pháp luật của đơn vị này. Địa chỉ của doanh nghiệp tại 3A – 5A Đặng Trần Côn, P. Bến Thành, Q.1.

Song song, website Jessica Jewelry cũng thể hiện nội dung ông Duy là đại diện pháp luật của Công ty CP Trang sức Jessica Việt Nam. Đơn vị này có địa chỉ tại 237 Lê Thánh Tôn, P. Bến Thành, Q.1 và showroom 1 tại 3 – 5 Đặng Trần Côn, P. Bến Thành, Q.1. Nội dung thông tin này khớp với thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Về ngành nghề kinh doanh, cả 3 công ty này đều hoạt động trong lĩnh vực bán buôn kim loại và quặng kim loại.

Còn tiếp…

Theo Đặng Thành/TTV
Bạn đang đọc bài viết "Trang sức Đức Tiến có nguy cơ “vỡ nợ”?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.