Thời điểm dịch COVID-19, việc xây dựng trái phép không những không giảm mà còn tăng về tính chất, quy mô. Nhiều công trình vi phạm kiểu mới, khiến lực lượng quản lý địa bàn loay hoay xử lý.
Ghi nhận tại khu vực phường Trúc Bạch (quận Ba Đình), chỉ trong khu vực bán đảo cách nhau vài chục mét là hàng loạt công trình xây dựng tại các số nhà 19, 25, 27 Nguyễn Khắc Hiếu; số nhà 25 Ngũ Xã; 52 Ngũ Xã. Các công trình này đều có điểm chung là thêm chiều cao tầng lửng (được cấp phép) để biến thành tầng. Không những vậy, từ tầng 2 trở lên, hầu như đều xây đua ra ít nhất 1 mét. Những khối diện tích này được chủ đầu tư xây quây thành những phòng riêng biệt.
Nhìn bức ảnh của công trình 25, 27 Nguyễn Khắc Hiếu, chuyên gia quy hoạch, KTS Nguyễn Anh Tuấn, khẳng định: Công trình vi phạm về khoảng lùi đối với khu phố cũ và có dấu hiệu xây vượt chỉ giới đường đỏ. Ban công quy định là 2 bên hở, nhưng ở đây xây dựng quây bê tông thành phòng, vi phạm trật tự xây dựng kiểu mới. Nhiều công trình ban đầu chỉ đưa bê tông ra ngoài 1- 2m, đến khi gần hoàn thiện mới xây gạch kín các tầng, đẩy lực lượng quản lý vào thế khó. “Nói vậy, nhưng muốn xử lý vẫn sẽ xử lý được nếu lực lượng chức năng kiên quyết”, ông Tuấn khẳng định.
Tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), công trình số 2 ngõ 77 Yên Hòa, công trình số 73 Yên Hòa cũng đang có dấu hiệu xây dựng sai so với giấy phép xây dựng. Công trình 73 Yên Hòa đang xây 5 tầng, tầng tum biến thành tầng thứ 6, sắt chờ vẫn tiếp tục chọc lên trời. Cả 2 công trình đều xây dựng lấn chiếm khoảng không phía trên. Công trình số 2 ngõ 77 Yên Hòa, ngõ nhỏ lại bị công trình xây dựng xâm lấn không gian bên trên, che chắn ánh sáng của cả ngõ khiến nhiều người dân bức xúc.
Sai phạm “di căn”
Công trình 25, 27 Nguyễn Khắc Hiếu có giấy phép xây dựng số 282, trong đó nêu rõ: Phạm vi xây dựng nằm trong ranh giới thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chiều cao công trình được quy định: Lớp trước 19, 25m từ cốt hè phố đến sàn mái tầng 5; lớp sau khoảng lùi 3m so với mặt nhà lớp trước. Tương tự, các công trình 19 Nguyễn Khắc Hiếu, 25 Ngũ Xã, 52 Ngũ Xã trong giấy phép xây dựng đều có yêu cầu khoảng lùi từ 3m trở lên. Thực tế, tất cả các công trình đều đua ra lấn chiếm khoảng không trước khi trả lại đúng phạm vi xây dựng và được coi là “khoảng lùi”.
Ông Nguyễn Ngọc Lăng, Phó Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, nói rằng, ông mới về phường 4 tháng nên chỉ biết rõ công trình 25 Ngũ Xã vừa xây dựng; các công trình còn lại đã được kiểm tra và báo cáo lại là xây dựng đúng và không có sai phạm. Đại diện Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình nói rằng, tất cả các công trình báo nêu đều đã bị xử phạt về môi trường. Theo vị này, việc xây dựng có khoảng lùi rất khó, vì ở đây tấc đất tấc vàng, có ai bỏ ra hàng tỷ đồng mua đất rồi lùi khoảng không.
Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội có quy định quản lý chiều cao tối đa, mật độ xây dựng, tổ chức không gian kiến trúc các ô phố. Theo đó, các công trình xây dựng tại phố Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu, Ngũ Xá, Phạm Hồng Thái có chiều cao tối đa với mặt ngoài là 3-5 tầng, còn mặt trong là 5-7 tầng, mật độ xây dựng không quá 70%, khoảng lùi từ mặt ngoài vào trong từ 3- 6m.
Về các công trình xây dựng trên địa bàn, ông Nguyễn Xuân Quang, phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, không cung cấp được thông tin nào cho báo chí. “Việc cung cấp thông tin, hồ sơ là việc của quận, chúng tôi không có trách nhiệm”, ông nói.
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, cho rằng, việc hàng loạt dự án “sống lại” do các sai phạm trước đó được hợp thức hóa xuất phát từ nguyên nhân chính là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Sai phạm như căn bệnh di căn, từ ngôi nhà đơn lẻ lây lan sang các dự án. Quy hoạch chiều cao, số tầng, mật độ bị phá vỡ, dẫn đến sự nhờn luật.
Khi được hỏi về nhiều công trình vi phạm rõ ràng nhưng không được lập hồ sơ xử lý, như tại phường Trúc Bạch, phường Yên Hòa, đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội nói rằng, chưa nắm được thông tin về việc cố tình không lập hồ sơ, không báo cáo và sẽ cho kiểm tra lại.