Như nấm sau mưa
Xây dựng không phép, sai phép đang là vấn nạn của TP.HCM. Dẹp được công trình này thì lại mọc ra dự án khác xây dựng sai phép. Điển hình như tại huyện Nhà Bè, Thanh tra TP.HCM vừa có kết luận, chỉ ra những thiếu sót trong việc quản lý công trình xây dựng ở địa phương này. Có trường hợp xây dựng không phép nhưng không bị lập biên bản vi phạm hành chính, có trường hợp đã lập biên bản vi phạm nhưng không có quyết định xử phạt.
33 trường hợp đã có quyết định cưỡng chế buộc tháo dỡ nhưng cơ quan chức năng chậm tổ chức thực hiện. Trong đó tại xã Long Thới còn 14 trường hợp, xã Phước Kiển còn 19 trường hợp.
Đặc biệt, UBND xã Long Thới đã không phát hiện xử lý 4 công trình xây dựng không phép (có trường hợp san lấp rạch) có quy mô, diện tích trên 1.000m2. Đó là cơ sở tập gym Tuấn Nguyễn, Công ty TNHH Cơ khí và xây dựng Minh Trí, Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Anh Đào và công trình hạ tầng tại thửa số 5, tờ bản đồ số 20 xã Long Thới.
Tại Bình Chánh, UBND huyện này xác định tổ hợp công trình Gia Trang quán-Tràm Chim Resort vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng có diện tích lớn, kéo dài nhiều năm và không có cơ sở xem xét cho tồn tại.
Theo UBND huyện Bình Chánh, tổng diện tích khuôn viên của Gia Trang quán-Tràm Chim Resort là 8.325,5m2, trong đó huyện đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Trần Thị Minh Trang với diện tích 7.398,4m2. Phần diện tích 941,6m2 còn lại do bà Trang trực tiếp sử dụng, nguồn gốc đất do nhận chuyển nhượng bằng giấy tay từ các cá nhân khác.
Những vi phạm của bà Trần Thị Minh Trang được UBND huyện Bình Chánh xác định tại tổ hợp công trình Gia Tráng quán-Tràm Chim Resort gồm chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp (tổng diện tích vi phạm 6.558,8m2); chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (717m2)… mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Về vi phạm trật tự xây dựng, chủ Gia Trang quán-Tràm Chim Resort đã xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng số 107/GPXD-QLĐT ngày 14/2/2012 trên diện tích 555,4m2 đất ở. UBND huyện Bình Chánh đã lập hồ sơ và tiến hành xử lý nhiều lần, kéo dài từ năm 2015 – 2019.
Còn UBND phường Bình An, quận 2 tiến hành cưỡng chế tháo dỡ 2 công trình vi phạm xây dựng không phép của ông Phan Văn Quang (ngụ phường 2, quận 3, TP.HCM). Công trình thứ nhất bị cưỡng chế có diện tích 640,88m2 có kết cấu tường gạch, cột gạch, tấm 3D, mái tôn.
Công trình thứ hai có diện tích 438,13m2 với kết cấu tường gạch, cột gạch, tấm 3D, mái tôn. Cả 2 công trình xây dựng không phép này có hơn 100 phòng trọ đều do ông Phan Văn Quang là người tổ chức thi công xây dựng và cùng nằm ở khu phố 3, phường Bình An.
Trước đó vào ngày 1/12/2015 UBND phường Bình An đã lập biên bản vi phạm hành chính. Tiếp đến ngày 23/2/2016, UBND quận 2 ra quyết định 545 và 546 về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Tuy nhiên đến nay, cả 2 công trình xây dựng không phép vẫn tồn tại.
Ở TP.HCM, quận 12 là địa phương đang chịu cảnh nhức nhối với nạn xây dựng sai phép, không phép. Cụ thể, UBND quận 12 tiếp tục cập nhật các trường hợp vi phạm xây dựng trên địa bàn, đáng nói trong đó có 1 cá nhân xây dựng sai phép đến 7 công trình tại phường Thới An.
Có tới 7 công trình xây sai phép với tổng diện tích 914.48m2 của cá nhân Hoàng Kim Khánh tại các nền đất thuộc khu nhà ở Thới An, phường Thới An, quận 12 đã bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm từ tháng 7-10/2019. Trong đó có 3 công trình bị UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt. Vi phạm chủ yếu tại 7 công trình nói trên là thay đổi kết cấu móng, cột; vi phạm chỉ giới xây dựng xác định theo giấy phép xây dựng.
Không chỉ cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ sai phép, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại quận 12 còn diễn ra với doanh nghiệp xây dựng công trình quy mô lớn. Đơn cử như Công ty TNHH Minh Nguyên Long tại công trình địa chỉ số 19/1 Tân Thới Nhất 17, phường Tân Thới Nhất. Theo tìm hiểu, đây là chung cư Moscow Tower.
Công ty TNHH Minh Nguyên Long đã ngăn 16 phòng tại khối A, thay đổi cầu thang tại khối B của công trình. Hành vi sai phạm này đã bị Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt ngày 17/6/2019 và sau đó Sở Xây dựng đã ban hành quyết định cưỡng chế quyết định xử phạt ngày 23/10/2019.
Tương tự, dự án Picity High Park tọa lạc tại đường Thạnh Xuân 13, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM do Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Gia Cư làm chủ đầu tư dù chưa được cấp phép xây dựng đã xây xong nhà mẫu.
Do đó, ngày 23/8/2019, UBND quận 12 đã ra Quyết định số 5378/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Gia Cư về việc tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng tại thửa đất số 147 thuộc Tổ 11, khu phố 6, phường Thạnh Xuân, quận 12.
Với hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản phát triển nhà ở.
UBND quận 12 đã yêu cầu Công ty Gia Cư phải tháo dỡ phần công trình vi phạm xây dựng có diện tích 7,6m x 13,2m + 32,2m x 34,4m, tổng diện tích là 1.208m2 với kết cấu khung kèo sắt, tường gạch, kiếng và mái tôn. Thời gian thực hiện tháo dỡ là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này. Nếu quá thời hạn mà Công ty Gia Cư không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đến nay dù đã hơn 4 tháng kể từ ngày Quyết định số 5378/QĐ-CCXP do UBND quận 12 ban hành, các công trình sai phạm tại dự án Picity High Park không những chưa bị tháo dỡ mà còn được chủ đầu tư tiến hành cho xây dựng hoàn thành khu nhà mẫu để phục vụ khách hàng tham quan và một số đường cơ sở nội bộ.
Chỉ thị 13 là cứu cánh?
Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM và Kế hoạch số 3333/KH-UBND ngày 12/8/2019, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định số 4337/QĐ-UBND về kế hoạch liên tịch mẫu về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận huyện.
Theo đó, TP.HCM đặt ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo 100% công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra theo đúng quy định, đảm bảo 100% công trình vi phạm trật tự xây dựng được phát hiện, xử lý ngay từ đầu, kéo giảm ít nhất 50% số vụ vi phạm trật tự xây dựng qua từng năm.
Về cơ chế phối hợp, thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND quận huyện làm tổ trưởng. Đội Thanh tra địa bàn quận huyện chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thanh tra Sở Xây dựng về tổ chức, nhân sự, chuyên môn và thực hiện công tác phối hợp, tham mưu UBND quận huyện trong quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn phụ trách.
Thành viên Tổ công tác chịu sự phân công, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác về thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Về nguyên tắc phối hợp, mọi công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM phải được kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng (trừ công trình bí mật Nhà nước, công trình quốc phòng, an ninh).
Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh nhằm hạn chế tối đa việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình phối hợp phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tại quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Việc phối hợp phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm.
Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, thống nhất trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được pháp luật quy định và phân công nhiệm vụ tại kế hoạch nêu trên. Trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết, Sở Xây dựng có trách nhiệm báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM xem xét quyết định.
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Chỉ thị 23 nâng cao trách nhiệm của tất cả các cấp trong việc quản lý trật tự xây dựng. Chúng ta đang thí điểm chứ chưa được Thủ tướng cho phép thành lập Đội Thanh tra địa bàn quận huyện.
Hiện nay, việc phối hợp và điều động nhân sự còn rất lỏng lẻo. Với kế hoạch liên tịch này thì Chủ tịch UBND quận huyện là tổ trưởng, được phép điều động và phân công đi kiểm tra công trình.
“Tháo dỡ công trình lớn có khó khăn không? Xin thưa rất khó khăn, khó gấp 2-3 lần xây. Do đó, lần này phải kiểm tra 100%, phát hiện sai phạm ngay từ đầu”, ông Bình nói.
LÊ MINH - Theo Tin24h/ Báo Nhân Đạo
http://tin24h.baonhandao.vn/tran-lan-cong-trinh-khong-phep-sai-phep-dip-cuoi-nam-d189863.html