Trăm tỷ của Bảo hiểm Viễn Đông tiếp tục ‘chảy’ về nhà Shark Liên

07/04/2020 08:00

Về bản chất, thương vụ 19 Phùng Khắc Khoan và cho vay với lãi suất rẻ đối với các doanh nghiệp thân hữu với tổng giá trị hơn nửa nghìn tỷ đồng không khác biệt nhiều khoản đầu tư trái luật vào CTCP BOT Toàn Mỹ 14 đã bị Bộ Tài chính yêu cầu thu hồi.

Về bản chất, thương vụ 19 Phùng Khắc Khoan và cho vay với lãi suất rẻ đối với các doanh nghiệp thân hữu với tổng giá trị hơn nửa nghìn tỷ đồng không khác biệt nhiều khoản đầu tư trái luật vào CTCP BOT Toàn Mỹ 14 đã bị Bộ Tài chính yêu cầu thu hồi.

92226237_211945593417995_3891490779654258688_n

Toà nhà 19 Phùng Khắc Khoan, Quận 1, TP.HCM. Ảnh: BẢO LINH

CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2019 với một số diễn biến đáng chú ý.

Doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng nhẹ 4% lên 2.887 tỷ đồng, nhưng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng với biên độ cao hơn (6%) cùng chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên khiến lãi sau thuế của VASS trong năm đạt 91,9 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2018.

Dù suy giảm, song đây vẫn là kết quả đáng khích lệ của VASS, với lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ở mức 1.839 đồng và là năm lãi thứ ba liên tiếp. Dòng tiền cũng là một điểm sáng khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương rất lớn: 534 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 150 tỷ đồng.

Kết quả hoạt động tích cực giúp khoản lỗ luỹ kế ngấp nghé vốn điều lệ (486 tỷ đồng), tới cuối năm 2019 chỉ còn 394 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 108 tỷ đồng.

Trong bối cảnh phương án tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng (các nhà đầu tư đã nộp tiền) dường như chưa nhận được cái gật đầu của Bộ Tài chính, thì nguồn lực nội tại của VASS nhìn từ mức vốn chủ sở hữu vẫn rất mong manh.

Sự mong manh đó càng lớn hơn bội phần khi các lưu ý khả năng hoạt động liên tục, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, lỗ luỹ kế lớn, trích lập dự phòng thiếu đầy đủ…của đơn vị kiểm toán cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác.

Trong bối cảnh như vậy, người ta mong muốn Chủ tịch HĐQT VASS – bà Đỗ Thị Minh Đức, cùng chị gái Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), với nguồn lực và kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực bảo hiểm, sẽ giúp đưa VASS sớm thoát cảnh khó khăn.

Tuy nhiên kể từ khi đầu tư và chiếm tỷ lệ sở hữu gần như tuyệt đối tại VASS vào giữa năm 2012, chị em Shark Liên lại không mang tới sự an tâm và tin tưởng tương ứng với danh tiếng của mình.

Trong một bài viết vào năm 2017, Nhadautu.vn đã đề cập trường hợp VASS đầu tư 195 tỷ đồng trái luật vào CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 – doanh nghiệp của nhà Shark Liên. Bộ Tài chính sau đó đã yêu cầu VASS thoái vốn khỏi BOT Toàn Mỹ 14. Và đến hết năm 2019, VASS đã hoàn tất thu hồi toàn bộ khoản đầu tư nói trên.

Dù vậy, VASS dường như không từ bỏ ý định luân chuyển dòng vốn ngược lại cho gia đình Chủ tịch.

Cách đây ít tháng, Nhadautu.vn đã nêu ra vấn đề VASS mua lại nhà, đất số 19 Phùng Khắc Khoan (quận 1, TP.HCM) của chính Shark Liên với tổng giá trị lên tới 380 tỷ đồng, tương đương gần 4 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này, với mức giá quy đổi 1,3 tỷ đồng cho mỗi m2 – mức “vô lý” so sánh với mặt bằng 300-400 triệu đồng/m2 trong khu vực. Khó hiểu không kém khi trong kỳ BCTC quý III/2019, giá trị quyền sử dụng đất 19 Phùng Khắc Khoan chỉ vỏn vẹn 11 tỷ đồng, phần còn lại là nhà cửa, vật kiến trúc.

Tại BCTC 2019 đã kiểm toán, sự bất hợp lý này được phần nào giảm bớt khi giá trị quyền sử dụng đất được tăng lên 125 tỷ đồng. Dù vậy, tổng giá trị thương vụ vẫn là 380 tỷ đồng, đã được chuyển về “túi” Shark Liên.

Không dừng lại ở đó, BCTC thể hiện VASS trong năm nay đã cho vay hơn 123,3 tỷ đồng vào 4 doanh nghiệp là CTCP Đầu tư Thái Bảo (30,6 tỷ), CTCP Bảo đảm Vina (32 tỷ), Trung tâm Đầu tư quản lý DN (16 tỷ) và CTCP Animus Việt Nam (44,7 tỷ), với lãi suất thấp không tưởng: 6%/năm.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, ít nhất 3/4 đơn vị này (trừ TT Đầu tư DN chưa xác định) đều đóng trụ sở tại 19 Phùng Khắc Khoan và có liên hệ tới chị em Chủ tịch VASS.

Lưu ý là trong năm ngoái, VASS còn phải đi vay Indovina Bank 120 tỷ đồng để mua nhà đất số 19 Phùng Khắc Khoan với lãi suất lên tới 10,5%/năm. Bởi vậy, việc cho vay số tiền tương ứng với lãi suất chỉ bằng già nửa đối với các doanh nghiệp thân hữu đặt ra câu hỏi lớn về mục đích của VASS.

Tất nhiên, với đặc thù kinh doanh bảo hiểm, VASS có nguồn tiền nhàn rỗi lớn và được phép đầu tư kiếm lời. Tuy nhiên các thương vụ số 19 Phùng Khắc Khoan và cho vay 4 doanh nghiệp với lãi siêu rẻ về bản chất, không khác biệt nhiều so với thương vụ đầu tư vào BOT Toàn Mỹ 14.

Và nữa, với việc nắm cổ phần chi phối, không ít ý kiến nhận định gia đình Chủ tịch có thể định đoạt tài sản của VASS. Dù vậy, cần nhấn mạnh rằng bảo hiểm là lĩnh vực rất đặc thù. Tổng tài sản hơn 1.367 tỷ đồng không chỉ được tạo nên bởi phần vốn góp của nhà Shark Liên, mà còn là tiền hợp đồng của hàng nghìn khách hàng. Bởi vậy, mỗi quyết định đầu tư của VASS phải đặt lợi ích của không những cổ đông, mà còn là sự an toàn của khối tài sản khồng lồ này lên hàng đầu.

Theo Nhà Đầu Tư
Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Trăm tỷ của Bảo hiểm Viễn Đông tiếp tục ‘chảy’ về nhà Shark Liên" tại chuyên mục Thương hiệu. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.