Huyện Hoài Đức đang lựa chọn phục vụ đại bộ phận người dân địa phương, hay lựa chọn phục vụ một đơn vị bán ô tô chỉ nhắm vào vài khách hàng có nhu cầu? Ai là người hưởng lợi từ dự án này?...
Theo dõi lộ trình lên quận của huyện Hoài Đức thời gian vừa qua, hẳn dư luận cũng có thể dễ dàng thấy được sự “thay da, đổi thịt” của huyện này. Tuy nhiên, đằng sau tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đó là rất nhiều sự bất cập trong công tác quản lý đất đai và các dự án đầu tư xây dựng. Điển hình phải nói tới dự án Chợ thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức do công ty Công ty Bia rượu nước giải khát Châu Á làm chủ đầu tư. Đằng sau việc xây dựng và đưa vào sử dụng công trình dự án này là cả một dấu hỏi còn bỏ ngỏ cho năng lực quản lý của chính quyền huyện cửa ngõ thủ đô - Hoài Đức.
Chủ đầu tư thông minh hay khôn lỏi?
Sơ lược về Dự án Chợ thị trấn Trạm Trôi, theo tìm hiểu phóng viên được biết, đây là dự án của Công ty TNHH rượu bia và nước giải khát Châu Á do UBND huyện Hoài Đức cấp giấy phép xây dựng số 101/GPXD ngày 15/9/2018. Dự án có vị trí xây dựng tại km15+575 quốc lộ 32, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Dự án được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CE 007916 do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp ngày 29/8/2016 cho Công ty TNHH rượu bia và nước giải khát Châu Á. Với diện tích xây dựng tầng 1 khoảng 2405m2; tổng diện tích sàn bao gồm cả tầng hầm khoảng 16.532,8m2; chiều cao công trình 25,4m; số tầng gồm 5 tầng và 1 tầng hầm; dự án chợ hạng II thị trấn Trạm Trôi đem lại kì vọng cho người dân khu vực về một khu chợ đô thị đồng bộ, sạch đẹp.
Nhưng, đến năm 2019, dự án được UBND huyện Hoài Đức chấp thuận chủ trương nội dung đề xuất của Công ty TNHH rượu bia và nước giải khát Châu Á về việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh của dự án Chợ thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức từ kinh doanh khai thác chợ hạng II khu vực nông thôn sang kinh doanh thương mại dịch vụ cao cấp, thể hiện tại công văn số 6387/UBND-KT của UBND huyện Hoài Đức.
Công ty có trách nhiệm hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ có liên quan đến: đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, phương án kinh doanh… báo cáo UBND thành phố Hà Nội và các sở ngành có liên quan để dược hướng dẫn thực hiện việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo quy định. Quan trọng hơn, UBND huyện Hoài Đức yêu cầu Công ty TNHH rượu bia và nước giải khát Châu Á thực hiện đầu tư xây dựng công trình thị trấn Trạm Trôi vẫn giữ nguyên quy mô xây dựng đúng dự án mà các cơ quan có thẩm quyền huyện và thành phố thẩm định và phê duyệt để phục vụ mục đích kinh doanh thương mại, dịch vụ.
Với cái bắt tay này của đơn vị đi thuê và đơn vị cho thuê, không hiểu người dân sẽ được gì? Phương án nào thực sự có lợi cho sự phát triển chung của huyện Hòa Đức: lựa chọn phục vụ đại bộ phận người dân địa phương, thay đổi bộ mặt nhếch nhác của chợ cóc chợ tạm để chỉnh trang đô thị, hay lựa chọn phục vụ một đơn vị bán ô tô chỉ nhắm vào một vài khách hàng có nhu cầu mua xe?
Đáp án của chủ đầu tư mảnh đất trung tâm huyện Hoài Đức khiến dư luận có phần không thỏa đáng. Tháng 5/2020, tại địa chỉ km15+575 quốc lộ 32, thị trấn Trạm Trôi, Toyota IDMC Hoài Đức (chi nhánh Toyota Mỹ Đình) chính thức đi vào hoạt động dưới hình thức thuê mặt bằng của Công ty TNHH rượu bia và nước giải khát Châu Á. Toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động của Toyota IDMC Hoài Đức đều được công ty chủ đầu tư làm trọn gói.
Trọn gói ở đây là trọn gói cho Dự án Chợ thị trấn Trạm Trôi hay trọn gói cho showroom ô tô Toyota IDMC Hoài Đức? Để giải đáp những uẩn khúc xoay quanh bản hợp đồng giữa Công ty TNHH rượu bia và nước giải khát Châu Á và Toyota IDMC Hoài Đức và những lùm xùm pháp lý liên quan, phóng viên đã trao đổi làm việc với đại diện Toyota IDMC Hoài Đức và đại diện Công ty TNHH rượu bia và nước giải khát Châu Á. Câu trả lời trái dấu từ hai bên có lẽ sẽ khiến UBND huyện Hoài Đức bối rối khi đã thản nhiên chấp thuận một dự án nhiều bất cập.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.