Thông tin này được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM nêu ra trong văn bản số 6824/SKHĐT-KTĐN gửi UBND TP.HCM về việc báo cáo tình hình xử lý dự án đầu tư có sử dụng đất để chuẩn bị cho cuộc họp Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
Tại văn bản này, dự án Chung cư Bình Phú 2 của Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Phú nằm trong danh sách các dự án có vướng mắc do quá trình rà soát pháp lý dự án thực hiện trước đây. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn bản hướng dẫn để đảm bảo cơ sở pháp lý xem xét chuyển tiếp dự án thì các văn bản pháp lý, chủ trương thực hiện dự án trước đây phải được ban hành theo đúng trình tự pháp luật.
Về vướng mắc cụ thể, theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, dự án Chung cư Bình Phú 2 của Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Phú đang rà soát về chuyển mục tiêu từ “Phát triển nhà ở thương mại, ưu tiên bán lại quỹ nhà phục vụ tái định cư cho quận 6” sang thành “nhà ở thương mại”. Hiện nay, các Sở ngành đã có ý kiến phản hồi nhưng chưa rõ và Sở Kế hoạch - Đầu tư đang tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM chỉ đạo rà soát.
Về đề xuất tháo gỡ, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tổng hợp báo cáo dự án Chung cư Bình Phú 2 của Công ty Cổ phần Bình Phú trước ngày 25/6/2023.
Liên quan đến đề xuất chuyển dự án tái định cư sang thương mại của TP.HCM, trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài viết: TP.HCM “hô biến“ nhà tái định cư thành thương mại, Thủ tướng chỉ đạo phải đấu giá, tránh thất thoát, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát phải qua đấu giá để tránh tiêu cực, thất thoát.
Hiện nay, không ít dự án trên địa bàn TP.HCM bị biến tướng, dính hàng loạt sai phạm khi chuyển từ nhà ở tái định cư sang thương mại. Nhiều dự án làm sai lệch chủ trương cũng như quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây tâm lý bức xúc.
Điển hình như dự án New City Thủ Thiêm do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt làm chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại và chuyển nhượng cho người mua 1.122 căn hộ. Trong kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ còn cho biết, UBND TP.HCM đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng khu tái định cư, khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về giao đất. Điều này là không đúng quy định tại Điểm I, Khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai năm 2013.
Một dự án khác cũng tự ý thay đổi quyết định đầu tư từ tái định cư sang thương mại là dự án chung cư An Sinh (tên gọi khác là Asa Light). Dự án này được đầu tư phục vụ tái định cư cho chương trình chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở trên - ven kênh, rạch tại địa bàn quận 8, không có mục đích thương mại và được giao cho Công ty Dịch vụ Công ích quận 8 làm chủ đầu tư. Khi thực hiện, Công ty Công ích quận 8 đã hợp tác với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thái Bảo. Tuy nhiên, Công ty Thái Bảo đã tự ý ký hợp đồng mua bán căn hộ theo hình thức thương mại với người dân không đúng quy định của pháp luật, không đúng mục tiêu đầu tư của dự án.
Điều này cũng xảy ra tương tự với dự án Trương Đình Hội 3 (tên khác là The Avila). Dự án này được UBND TP.HCM giao đất cho Công ty Dịch vụ Công ích quận 8 để đầu tư khu nhà ở chung cư phục vụ chương trình chỉnh trang đô thị và một phần phục vụ tái định cư. Thế nhưng, dự án đã bị Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thái Bảo “hô biến” chức năng từ tái định cư sang thương mại. Bên cạnh đó, Thanh tra TP.HCM cũng cho biết, dự án này chưa hoàn tất thủ tục pháp lý để xin Sở Xây dựng TP.HCM điều chỉnh giấy phép xây dựng, điều chỉnh dự án nhưng nhiều căn nhà đã xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng chưa đúng quy định.
Trước thực trạng nay, tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 13/5/2021, TP.HCM đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng cho phép UBND TP.HCM quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại thay cho Bộ Xây dựng, theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.
Về kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu nếu chuyển sang nhà ở thương mại thì dứt khoát phải qua đấu giá để tránh tiêu cực, thất thoát.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, về nguyên tắc, các dự án đầu tư công hay dự án đầu tư của tư nhân đều có quy định, về việc được thực hiện thủ tục và hồ sơ đề nghị điều chỉnh mục tiêu của dự án. Dự án được điều chỉnh, thay đổi đến đâu là do chính sách của cơ quan nhà nước đã chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây cũng là cơ quan sẽ quyết định việc điều chỉnh mục tiêu của dự án. Tuy nhiên, quy định pháp luật còn đang bỏ trống, không có giới hạn về phạm vi được điều chỉnh mục tiêu đến đâu, nên phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn của người có thẩm quyền quyết định. Khi thực hiện thủ tục điều chỉnh mục tiêu dự án, thì chủ đầu tư phải báo cáo thực tế về việc đã thực hiện dự án như khối lượng công việc đã thực hiện, vốn đầu tư… giải trình hướng đề xuất điều chỉnh. Luật sư Phượng cũng cho rằng, các dự án tái định cư được chuyển sang dự án nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại đều được pháp luật quy định. Trong đó, người có thẩm quyền đã chấp thuận chủ trương đầu tư trước đây sẽ là người quyết định điều chỉnh. “Nếu sang nhà ở xã hội thì thành phố có ngay một quỹ đất để kết hợp giải quyết nhà cho những người thuộc diện được hưởng chính sách. Nếu chuyển sang nhà ở thương mại thì sẽ bán và thu về một nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, việc bán căn hộ, nhà ở riêng lẻ thì nên đưa ra đấu thầu để lựa chọn một đơn vị đấu giá, từ đó thực hiện việc đấu giá từng căn hộ, từng nhà ở riêng lẻ. Qua đó, giúp cho thị trường bất động sản thêm minh bạch. Ngược lại, cần lưu ý nếu thành phố bán cả dự án thành một lô thì không thu được nhiều nguồn ngân sách. Điều này cũng có nhiều hạn chế như việc người dân không tiếp cận được, chỉ có các doanh nghiệp thu gom mới có thể tham gia rồi bán lại cho dân với giá cao”, Luật sư Phượng nhận định thêm./. |