Sở Xây dựng Tp.HCM mới ra văn bản số 10210/SXD-PTN&TTBĐS gửi đến Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản SIC (Công ty SIC) yêu cầu đơn vị này phải giải chấp ngân hàng trước khi thực hiện bán, cho thuê 204 căn hộ tại dự án chung cư cao tầng Thảo Điền (TP.Thủ Đức). Đồng thời, khuyến cáo người mua nên tìm hiểu kỹ pháp lý dự án trước khi giao dịch.
Theo văn bản, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, dự án chung cư cao tầng Thảo Điền đã được Công ty SIC thế chấp nhà ở sẽ bán, cho thuê hình thành trong tương lai nên trước khi bán hay cho thuê, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục thay đổi nội dung thế chấp/giải chấp tài sản đã thế chấp trước đó; trừ trường hợp chủ đầu tư, bên mua và bên nhận thế chấp có thỏa thuận khác theo quy định của Thông tư 07/2019/TT-BTP, ngày 25/11/2019 của Bộ Tư pháp.
Đồng thời, Công ty SIC phải đảm bảo điều kiện theo yêu cầu của ngân hàng để được phát hành từng loại giấy tờ, chứng thư bảo lãnh nghĩa vụ tài chính cho nhà đầu tư /khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ cam kết trong hợp đồng.
Cùng với đó trong văn bản của Sở cũng nêu rõ, trách nhiệm của Công ty SIC: Khi thực hiện huy động vốn không quá 30% giá trị hợp đồng lần 1, những lần tiếp theo không quá 70% giá trị hợp đồng (huy động phù hợp với tiến độ xây dựng khi chưa bàn giao nhà cho khách hàng) và không được thu quá 95% giá trị hợp đồng khi Bên mua nhà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đảm bảo theo quy định tại Điều 57 của Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13; và phải sử dụng tiền ứng trước của khách hàng vào đúng mục đích như đã cam kết.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án chung cư cao tầng Thảo Điền SIC phải công bố công khai thông tin của dự án theo quy định của Điều 6, Luật Kinh doanh bất động sản, các thông tin như: hợp đồng bảo lãnh, văn bản cho phép bán, cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có).
Được biết, ngày 18/12/2018, UBND TP.HCM đã có Quyết định chấp thuận đầu tư dự án trên do Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest làm chủ đầu tư. Tuy nhiên đến ngày 8/3/2021, UBND TP.HCM đã chấp thuận đầu tư dự án trên do Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản SIC làm chủ đầu tư (điều chỉnh Quyết định ngày 18/12/2018, thay đổi chủ đầu tư).
Dự án chung cư cao tầng Thảo Điền được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 4.967,3m2, cao 25 tầng với 204 căn hộ chung cư, 9 shophouses. Ngoài ra, dự án cũng sở hữu nhiều tiện ích như: hồ bơi, phòng tập Gym – Yoga, công viên, vườn hoa, đường dạo bộ, vườn nướng BBQ, khu ẩm thực, thư viện, phòng sinh hoạt…
Ngoài ra, để tránh rủi ro khi giao dịch, mua bán bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ tính pháp lý của dự án và điều kiện mua, bán căn hộ hình thành trong tương lai trước khi ký hợp đồng nhằm hạn chế thiệt hại, phát sinh tranh chấp trong quá trình mua bán căn hộ.
Người dân cũng cần thông tin đến Sở Xây dựng TP.HCM các trường hợp chủ đầu tư, các tổ chức khác thực hiện việc huy động vốn (dưới bất kỳ hình thức nào) khi dự án chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định để sở có biện pháp xử lý.
Sở còn yêu cầu chủ đầu tư không được mua bán, huy động vốn dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa đủ điều kiện, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Dự án Thảo Điền Green tận dụng tối đa diện tích công viên để xây dựng Liên quan đến dự án, ngày 6/7/2020, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Trần Kiên đã ký Giấy phép xây dựng số 87, cấp cho SIC được phép xây dựng công trình chung cư cao tầng Thảo Điền, tại đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM. Theo tổng diện tích sàn xây dựng trong nội dung giấy phép, được ký bởi ông Lê Trần Kiên, phần diện tích xây dựng chung cư bao gồm cả phần đất quy hoạch công viên cây xanh. Dự án Thảo Điền Green được tổng thầu dự án Central khởi công ngày 11/08/2020. Theo tiến độ cập nhật đến đầu tháng 7/2021, dự án cơ bản đã thi công xong phần móng. Theo đánh giá của giới đầu tư, việc cấp phép xây dựng như trên có thể mở rộng thêm không gian tầng hầm để sử dụng vào mục đích làm chỗ đậu xe hoặc thương mại. Khi đó, phần trên tầng hầm, ở cốt 0.0 sẽ vẫn làm công viên, nhưng thông thường sẽ là cây cảnh trang trí, không trồng được các cây lớn, do bên dưới đã bê tông hóa. Trong bối cảnh nhiều dự án thiếu chỗ đậu xe thì việc mở rộng tầng hầm sẽ góp phần giải quyết vấn đề này, để nâng cao giá trị dự án cũng như giá bán. Tuy nhiên, nhiều dự án ở TP.HCM thời gian qua đã mất khá nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh khi tận dụng diện tích công viên để xây dựng tầng hầm. Điển hình là dự án Gateway Thảo Điền, dù thi công đúng giấy phép xây dựng, dự án đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng những rắc rối liên quan đến việc xây dựng trên phần đất quy hoạch công viên trước đó khiến hàng trăm khách hàng mua căn hộ ở đây chờ nhiều năm nhưng vẫn chưa được cấp “sổ hồng”. |
Theo Công Phong/TCDN