TP.HCM “đánh rơi” hàng tỷ USD ở khu công nghiệp, khu chế xuất - Bài 2: Dự án tê liệt vì vướng quy hoạch

29/07/2022 09:11

Có đến 95% đất thương phẩm tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã được giao, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thể triển khai dự án đầu tư bởi vướng víu các thủ tục.

Từng có khu công nghiệp y dược lớn, nhưng “treo ngược” nhiều năm đến mức phải xin xóa sổ, nhường thị trường thuốc và vật tư y tế cho nước ngoài. Quỹ đất công nghiệp ngày càng thu hẹp, nhưng hàng loạt dự án khu công nghiệp, khu chế xuất lại đang bị hoang hóa do tắc nghẽn pháp lý, “bê bết” trong đền bù giải phóng mặt bằng. Tất cả khiến cơ hội thu hút đầu tư của TP.HCM tuột trôi.

“Tấc vàng” ở nhiều KCN, KCX cũng để hoang vì lý do tương tự, khiến cơ hội trị giá hàng triệu, hàng tỷ USD của cả doanh nghiệp và ngân sách nhà nước tuột trôi theo năm tháng.

Chuyện “con gà hay quả trứng” ở Khu công nghệ cao

Trong 3 khu công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trên cả nước, Khu công nghệ cao TP.HCM được đánh giá là thành công hơn cả. Hơn 20 năm hoạt động, Khu công nghệ cao TP.HCM đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Intel, Samsung, Microsoft… Sản phẩm của Khu công nghệ cao TP.HCM đang chiếm hơn 60% nhóm ngành sản phẩm công nghệ cao của TP.HCM.

Nhưng cũng tại khu công nghệ cao này, nhiều doanh nghiệp đang bức xúc “kêu trời” về thủ tục hành chính khiến dự án của họ trên “đất vàng” bị tê liệt.

14-1-bai-2-1659060534.jpg

Một góc Khu công nghệ cao TP.HCM, nơi đang có nhiều “tiếng kêu” của doanh nghiệp

 Trong sự kiện Ngày hội Giải quyết thủ tục hành chính tại Khu công nghệ cao TP.HCM do Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức nhằm hưởng ứng Tháng hành động “Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngay trong ngày”, ông Thái Thanh Hải, đại diện Công ty TNHH Đầu tư công nghệ cao Việt Nam - Japan đã thẳng thắn cho hay, dự án của Công ty tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2019. Tuy nhiên, từ đó tới nay, Công ty chưa thể triển khai xây dựng vì vướng mắc quá nhiều trong thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

Theo định hướng quy hoạch đến năm 2020, TP.HCM sẽ có 23 KCX, KCN với tổng diện tích 5.921,15 ha.

 Đến nay, 19 KCX, KCN đã có quyết định thành lập nằm trên địa bàn TP. Thủ Đức và 8 quận, huyện. Trong đó, 17 KCX, KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 4.085,08 ha/5.921,15 ha, chiếm 68,99% quy mô diện tích quy hoạch dự kiến dành cho các KCX, KCN tính đến năm 2020. Diện tích đất xây dựng xí nghiệp, cơ sở công nghiệp đã cho thuê đạt 1.830 ha/2.539 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 72%.

Thống kê sơ bộ đến hết tháng 6/2022, tại các KCN, KCX ở TP.HCM, có hơn 1.600 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12.272 triệu USD. Trong đó, có 545 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký 6.858 triệu USD và 1.124 dự án có vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư đăng ký 5,413 triệu USD. 

Nguyên nhân, theo ông Hải, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tháng 4/2021, doanh nghiệp nhận được thông báo của UBND TP.HCM hướng dẫn phải phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, UBND TP. Thủ Đức để điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500.

Khi làm việc với Ban Quản lý, doanh nghiệp được hướng dẫn, đơn vị điều chỉnh quy hoạch cục bộ là UBND TP. Thủ Đức. Doanh nghiệp gửi hồ sơ đến UBND TP. Thủ Đức, thì nhận được phản hồi: các chỉ số hoàn toàn phù hợp và được hướng dẫn gặp Sở Xây dựng TP.HCM. Mang hồ sơ tới Sở Xây dựng, doanh nghiệp lại được hướng dẫn quay về Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM để xin giấy phép xây dựng. Nhưng, Ban Quản lý cho rằng, các công văn hướng dẫn này không thay thế cho quy hoạch điều chỉnh cục bộ.

Tới tháng 5/2022, Chủ tịch UBND TP.HCM ký văn bản nêu rõ, việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải do UBND TP. Thủ Đức giải quyết.

“Hiện giờ, chúng tôi không biết phải liên hệ bộ phận nào, thời gian bao lâu, trong khi dự án đã bị treo gần 3 năm nay, Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hải bày tỏ.

Trường hợp Công ty Phúc Nguyên cũng khốn khổ. Công ty này đã chuyển đổi xong giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép kinh doanh từ năm 2018, nhưng vẫn chưa biết đến bao giờ mới làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Chúng tôi đã 3 lần gửi công văn đến Ban Quản lý, đến nay cũng đã 2 năm, nhưng chưa giải quyết xong vấn đề giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để Công ty hoàn thành thủ tục chuyển đổi. Không biết đến bao giờ mới hoàn tất được thủ tục này”, đại diện Công ty Phúc Nguyên bức xúc.

Một doanh nghiệp khác ở Khu công nghệ cao TP.HCM (xin không nêu tên) cho hay, Công ty làm văn bản gửi UBND TP. Thủ Đức hỏi về việc dự án của mình vướng quy hoạch 1/500 và được phản hồi rằng, do vướng chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật. Oắi oăm là, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM lại xác nhận, doanh nghiệp đã đáp ứng được tiêu chí này. Kết cục, Công ty chưa thể thực hiện dự án, dù UBND TP.HCM đã có văn bản giao UBND TP. Thủ Đức phối hợp với sở, ngành liên quan có giải pháp giúp doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM xác nhận, dù Ban Quản lý cơ bản đã cấp phép và giao 95% đất thương phẩm của Khu cho doanh nghiệp, nhưng nhiều nơi vẫn còn đất trống, do việc triển khai dự án của doanh nghiệp bị chậm bởi vướng rất nhiều thủ tục. Tới thời điểm hiện nay, còn 48 trường hợp đang gặp vướng mắc, chủ yếu về đất đai, gắn với việc ban hành quyết định cho thuê đất. Cụ thể, liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chuyển giao từ Luật Đất đai năm 2003 đến Luật Đất đai năm 2013, Khu công nghệ cao TP.HCM đã có thiếu sót là không ban hành quyết định cho thuê đất, trong khi đây là cơ sở pháp lý để giải quyết những thủ tục hành chính về sau.

Gián đoạn kinh doanh vì chưa xác định tiền sử dụng đất

Không chỉ Khu công nghệ cao, các KCN, KCX khác tại TP.HCM cũng gặp nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách về đất đai.

Điển hình, tại một báo cáo mới đây gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến KCN, KCX, UBND TP.HCM cho hay, Dự án Đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Hiệp Phước - Giai đoạn II có thời hạn hoàn thành đầu tư xây dựng là năm 2014, nhưng tới giờ vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân bởi việc chậm chuyển giao Dự án từ Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), xây dựng hạ tầng gặp khó do các khu vực đã đền bù, giải phóng mặt bằng không liền thửa, liền mảnh, nên không đủ điều kiện để triển khai san lấp, xây dựng các công trình kỹ thuật.

Đáng nói là, chính UBND TP.HCM cũng thừa nhận: “Đến nay, Thành phố vẫn chưa xác định được tiền sử dụng đất phải nộp của Dự án, gây ảnh hưởng trực tiếp và làm gián đoạn công tác kinh doanh, đầu tư hạ tầng kỹ thuật”.

Thành lập 20 năm vẫn chưa xong hạ tầng

Trong khi quỹ đất để thu hút đầu tư vào KCN, KCX tại TP.HCM ngày càng thu hẹp, thì có những KCN đang hoạt động hoặc đã thành lập trên 20 năm, nhưng chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo tư liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, tới thời điểm này, trên địa bàn TP.HCM còn 11 KCN chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng diện tích đất công nghiệp hoang phí hơn 100 ha, cùng hàng trăm hộ dân chưa di dời.

Điển hình, KCN Tân Bình (quận Tân Phú) còn 0,29 ha chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tương tự, KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Thời điểm năm 2011, trên 6,9 ha đất chưa bồi thường của Dự án KCN Lê Minh Xuân có 142 hồ sơ, với giá bồi thường khoảng 70 tỷ đồng. Đến năm 2020, trên phần đất này đã “mọc” lên 535 căn nhà, dự kiến số tiền bồi thường lên tới 475 tỷ đồng (chưa tính chi phí tái định cư).

Tại huyện Củ Chi, KCN Tân Phú Trung hiện còn 33,02 ha chưa bồi thường. KCN Đông Nam (Củ Chi) được phê duyệt từ năm 2008, nhưng đến nay còn 12 hộ dân không đồng ý bàn giao mặt bằng với tổng diện tích 1,56 ha...

Chưa đáp ứng được nhu cầu của 70% lao động nhập cư

Theo cơ quan chức năng TP.HCM, tới thời điểm này, các KCN, KCX trên địa bàn Thành phố đã xây dựng và đưa vào sử dụng 16 dự án nhà lưu trú công nhân, đáp ứng khoảng 21.000 chỗ ở; 16 dự án trường mầm non đáp ứng nhu cầu học tập của 2.840 trẻ; 10 công trình trung tâm sinh hoạt công nhân, công trình thể dục - thể thao…

Tuy nhiên, hạ tầng xã hội tại các KCN, KCX của TP.HCM vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của hơn 70% lao động nhập cư từ các tỉnh, trong khi công nhân là “xương sống” cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại các KCN, KCX.

Nguyên nhân, theo UBND TP.HCM, các KCN, KCN trên địa bàn Thành phố đều nằm kề cận trung tâm, hưởng lợi thế sử dụng nhờ vào quỹ nhà ở đô thị và các công trình hạ tầng xã hội khác của đô thị. Nhưng hầu hết các đô thị chưa hoạch định một cách đầy đủ hạ tầng xã hội để đáp ứng cho số lao động nhập cư làm việc tại các KCN, KCX. Trong khi đó, các KCN mới có quy hoạch khu đô thị dân cư phục vụ đều bị chậm tiến độ, do vướng pháp lý về giao, thuê đất; pháp lý chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư khu dân cư liền kề.

Vì những thực tế nêu trên, nên dù tập trung thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh từ năm 2004, nhưng đến nay, tại các KCN, KCX ở TP.HCM, đa số dự án đầu tư đều có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn thấp.

Dự án nhỏ, ít dự án có hàm lượng chất xám cao, đất công nghiệp để hoang... đồng nghĩa với việc TP.HCM “đánh rơi” những cơ hội đầu tư và thu về hàng triệu, hàng tỷ USD.

(Còn tiếp)

 

 

 

Theo Ngô Nguyên/ĐT
Bạn đang đọc bài viết "TP.HCM “đánh rơi” hàng tỷ USD ở khu công nghiệp, khu chế xuất - Bài 2: Dự án tê liệt vì vướng quy hoạch" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.