Theo báo cáo tài chính (tính đến ngày 30/6/2022), dòng tiền hoạt động của TPBank được ghi nhận âm 13.050,6 tỷ đồng. Thế nhưng, cùng kỳ năm ngoái lại dương 11.086,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dòng tiền hoạt động đầu tư và tài chính cũng ghi nhận mức âm là 265,8 tỷ đồng và 196,1 tỷ đồng.
Dù dòng tiền kinh doanh âm “lớn”, nhưng lợi nhuận sau thuế của TPBank trong quý 2 được ghi nhận ở mức 1.731 tỷ đồng. Theo đó, khoản lợi nhuận này được “gom” từ các khoản nợ đã được xử lý, bù đắp bằng nguồn rủi ro.
Hoạt động chính của TPBank trong quý 2 cũng ghi nhận mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Qua đó, nhà “bank” này thu về hơn 3.000 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Hoạt động từ dịch vụ ghi nhận lãi đạt gần 681 tỷ đồng, tăng 65%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 179 tỷ đồng, tăng 12%.
Quý 2/2022, TPBank trích lập hơn 645 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng nhẹ 5%; Chi phí hoạt động tăng 42,4% lên mức 1.762,8 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng TPBank hàng báo lãi sau thuế hơn 1731,8 tỷ đồng tỷ đồng, tăng 36,5% so cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/06/2022, tổng tài sản TPBank đạt hơn 310.772 tỷ đồng tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 20% xuống còn 14.590 tỷ đồng. Về phần nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 12% so với đầu năm, lên mức 156.337 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tại thời điểm 30/6/2022 của TPBank là 1.285,4 tỷ đồng, tăng 128,6 tỷ đồng (tương đương tăng 11,1%) so với đầu năm.
Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng đến 50,8% lên mức 448,7 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TPBank tăng từ 0,82% hồi đầu năm lên mức 0.85%.
TPS và trái phiếu
Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS; MCK: ORS) đã ghi nhận mức lỗ 128 tỷ đồng trong quý 2. Cụ thể, khoản lỗ của TPS đến từ các khoản đầu tư tài chính gồm cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính quý 2, doanh nghiệp này báo lỗ các tài sản tài chính (FVTPL) 527 tỷ đồng. Trong khi ở chiều ngược lại, lãi thu từ hoạt động này chỉ đạt 279 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm, trái phiếu chưa niêm yết khiến TPS ghi nhận lỗ tới 459 tỷ đồng. Riêng 2 lô trái phiếu của một tập đoàn bất động sản khiến TPS ghi nhận lỗ cao là khoảng 190 tỷ đồng.
Trong khi phần lãi thu về từ các giao dịch bán trái phiếu này chỉ đạt 73 tỷ đồng, tương đương lỗ ròng hơn 100 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý, TPS là đơn vị đứng sau các đợt phát hành trái phiếu của Công ty CP Tập đoàn R&H. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022 Tập đoàn R&H đã phát hành thành công tới 7 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 8.151 tỷ đồng, cao gấp 5,6 lần vốn điều lệ.
Cụ thể, trong năm 2021, Tập đoàn R&H đã phát hành thành công lần lượt 4 lô trái phiếu RHGCH2122001, RHGCH2123002, RHGCH2123003, RHGCH2123004. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng, có tổng giá trị 3.150 tỷ đồng, cao hơn 2,2 lần vốn điều lệ của mình.
Đằng sau 4 lô trái phiếu này điều ghi nhận sự có mặt của TPS. Theo công bố, ORS đồng thời giữ nhiều vai trò từ tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, cho đến đại lý đăng ký, đại lý thanh toán và quản lý chuyển nhượng/đại diện người sở hữu trái phiếu.
Qua tìm hiểu, TPS có tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Phương Đông. Sau đó, gia nhập hệ sinh thái của TPBank từ tháng 4/2019.
Ông Đỗ Anh Tú là Chủ tịch HĐQT TPS và là Phó Chủ tịch HĐQT TPBank, đồng thời là Tổng giám đốc của Công ty CP Diana thuộc Tập đoàn Unicharm. Ngoài ông Tú, một lãnh đạo chủ chốt khác của TPS là bà Trương Thị Hoàng Lan, Thành viên độc lập HĐQT cũng là cái tên đóng vai trò lớn tại TPBank.
Năm 2022, TPBank cũng nằm trong danh sách các ngân hàng mà Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra về trái phiếu.
Chi nghìn tỷ mua lại trái phiếu trước hạn Tính từ đầu năm 2022 đến nay, ngân hàng TPBank đã mua lại trước hạn 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 5.650 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 29/9 vừa qua, TPBank đã mua lại toàn bộ 750 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu mã TPBL2124015 có kỳ hạn 3 năm, ngày phát hành là 29/9/2021, ngày đáo hạn ngày 29/9/2024. Ngày 28/6, nhà băng này cũng đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn có mã TPBL2124008 phát hành ngày 28/6/2021 và đáo hạn ngày 28/6/2024. Ngày 29/6, lô trái phiếu mã TPBL2124009 phát hành ngày 29/6/2021 cũng đã được TPBank mua lại trước hạn toàn bộ với giá trị 1.100 tỷ đồng. Ngày 23/6, TPBank cũng thông báo mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn mã TPBL2124007 phát hành ngày 23/6/2021, ngày đáo hạn 23/6/2024. Trong tháng 5/2022, ngân hàng TPBank mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn mã TPBL2124001 ngày phát hành 5/5/2021 và đáo hạn ngày 5/5/2024. Trước đó, lô trái phiếu mã TPBANKBOND_A4_160420_3Y_2 phát hành ngày 16/4/2020 cũng đã được TPBank mua lại toàn bộ trước hạn với giá trị 800 tỷ đồng. Các lô trái phiếu được TPBank mua lại trước hạn đều có kỳ hạn 3 năm, được phát hành với mục đích phát triển hoạt động kinh doanh của TPBank với lãi suất chủ yếu 3%/năm. Trái phiếu của TPBank là loại trái phiếu không chuyển đổi, không phải là nợ thứ cấp, không có đảm bảo bằng tài sản và không kèm theo chứng quyền. Đáng nói, động thái mua lại trái phiếu trước hạn tại TPBank diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài chính vừa công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật. |