TP Hồ Chí Minh: Loạn phân lô bán nền đất nông nghiệp tại Củ Chi

16/04/2022 11:24

Không có đường đi, không điện, không nước nhưng những ruộng lúa, vườn rau đang dần bị bê tông hóa bởi tình trạng nhà nhà, người người tìm về Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) để “săn” đất. Nơi đây, việc tách thửa, phân lô đất nông nghiệp có thể nói đang hỗn loạn hơn bao giờ hết.

null

Nhộn nhịp cảnh mua bán ruộng lúa, vườn rau tại huyện Củ Chi.

Đua nhau chào bán đất nghỉ dưỡng trá hình

Từ cuối năm 2021, khi có thông tin lan truyền về huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) sẽ được quy hoạch thẳng lên Thành phố, cùng với việc sẽ có nhiều dự án lớn đang kêu gọi nhà đầu tư nhảy vào khu vực này khiến cho đất Củ Chi có sự “nhảy múa” liên hồi.

Với tâm lý đi tắt đón đầu nên rất nhiều người đã về Củ Chi gom đất rồi phân ra thành từng thửa nhỏ để bán lại kiếm lời. Do nhu cầu lớn, giá đất tại đây tăng lên từng ngày, nhất là đất nông nghiệp. Nếu hồi cuối năm 2021, giá mỗi lô 500 m2 đất lúa, đất trồng cây hàng năm tại Củ Chi dao động từ 600 triệu đến 1,2 tỉ đồng (tùy từng vị trí, khu vực) thì nay tăng lên gấp rưỡi, thậm chí có nơi tăng gấp đôi.

Theo chân của một môi giới tên Lộc, chúng tôi men theo con đường đất ven đê ngoằn ngoèo rồi quẹo vào một cách đồng đang vào vụ lúa chín. Điều ngạc nhiên là dù đang vào mùa vụ nhưng lại hiếm thấy bóng dáng máy móc nông nghiệp hay người nông dân. Thay vào đó, từng đoàn người ăn mặc bảnh bao, lượn lờ trên những chiếc xe hơi sang trọng, có khi lại sà xuống chỉ trỏ, rao bán lô đất này, khu đất kia; cộng với việc xe đào, xe lấp, làm đường, đổ đá, trồng cây ăn quả, cất nhà chòi… khiến cho không khí vô cùng nhộn nhịp. Ai nhìn vào cũng trông như mình đang đi hội giữa cánh đồng – nơi vốn yên bình bao đời nay.

xalophapluat-loan-phan-lo-nong-nghiep-hinh-4-4789-1650082905.jpg

Người đi mua đất, xem đất khá nhộn nhịp...

Hồ hỡi giới thiệu với chúng tôi, anh Lộc cho biết, mặc dù đây là ruộng lúa của người dân địa phương nhưng đã được chủ ở Thành phố xuống mua và đã xin tách thành hàng chục lô với diện tích từ 500 m2 đến 600 m2 để bán lại.

“Giờ còn ruộng lúa thì anh thấy vậy thôi, chớ ít hôm nữa người ta đổ đường, trải đá lên, trồng cây ăn quả, xây dựng tiểu cảnh, làm nhà chòi, kéo điện, khoan giếng nữa là đẹp lắm. Nhà này dù là nhà tạm nhưng những dịp cuối tuần, sau những ngày làm việc mệt mỏi trên phố, anh đưa gia đình về đây nghỉ dưỡng thì hết sức tuyệt vời…”, Lộc tư vấn.

Theo giới thiệu, khu này nằm tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi (cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng gần 50 km). Khu đất lúa này sẽ được phân thành khoảng 60 lô, mỗi lô có diện tích từ 500 m2 đến khoảng 600 m2 với giá bán dao động từ khoảng 1,4 đến 2 tỉ đồng mỗi lô tùy theo vị trí.

Qua điều tra thực địa, chúng tôi được biết, khu đất này thuộc tờ bản đồ số 27 tại xã Nhuận Đức đang là đất cấy lúa, không có đường đi nhưng đầu năm 2022 đã được UBND huyện Củ Chi cho phép tách thành hàng chục lô, có số thửa như: Thửa số 1478, 1482, 1483… Phần còn lại của khu đất đang được chủ đất huy động phương tiện máy móc, nhân lực tiến hành đổ đá, múc đất, múc ao, làm đường, trồng cây ăn quả, xây dựng tiểu cảnh, cho làm nhà chòi… để tiếp tục phân lô, tách thửa nhằm bán cho khách hàng với những lời có cánh như: Khu nghỉ dưỡng lý tưởng, khu nghỉ dưỡng sinh thái…

Cách đó vài chục mét, nhiều khu đất ruộng rộng hàng ngàn mét vuông cũng đã được phân lô, xây tường rào sắt, xây dựng nhà chòi, trồng cây ăn quả, dù mục đích đất vẫn đang là trồng lúa hoặc đất trồng cây hàng năm…

xalophapluat-loan-phan-lo-nong-nghiep-hinh-2-6682-1650082905.jpg

Trên khắp các cánh đồng lúa, nương rau của huyện Củ Chi đang rộn ràng việc phân lô tách nền.

Tại xã Thái Mỹ, chúng tôi được rất nhiều môi giới của các công ty môi giới bất động sản mời chào mua đất tại khu đất trống, nằm sâu hun hút ở một nơi rất vắng, bao quanh là rừng tràm nước bạt ngàn. Các môi giới cho biết, đây là khu nghỉ dưỡng sinh thái rất lý tưởng với giá khoảng 1,35 đến 1,8 tỉ đồng mỗi lô từ 500 m2 đến khoảng 600 m2.

Khu đất này có diện tích hơn 1,5 ha thuộc tờ bản đồ số 54 tại xã Thái Mỹ có mục đích sử dụng là cây hàng năm, được UBND huyện Củ Chi cho tách 30 sổ như thửa 177, 711, 712, 694, 695... Khu đã được san lấp mặt bằng, khoan giếng nước, trồng hàng ngàn cây lâu năm, xây bê tông xung quanh. Đặc biệt, trên mỗi lô đều được đổ bê tông, lát gạch với diện tích 16 m2 với mục đích để xây dựng chòi, làm nơi nghỉ dưỡng.

Trong vai khách hàng, chúng tôi được người quản lý xây dựng của khu đất cũng như chủ khu đất này cho biết, khi khách hàng mua đất tại đây, chủ đất cam kết nhận chăm sóc vườn hoa cây cảnh miễn phí 2 năm, còn sau này, khách hàng có nhu cầu chăm sóc tiếp sẽ phải chịu phí.

Chưa dừng lại ở đó, các môi giới còn cho biết, mặc dù chưa phải là đất ở nhưng khi khách hàng mua thì cuối tuần đưa gia đình, bạn bè về đây vẫn được ở thoải mái. Chủ lô đất sẽ tiến hành làm đường theo kiểu lách luật bằng việc sẽ đổ một lớp bê tông dày khoảng 10 cm rồi sẽ đắp đất, trồng cỏ lên trên để tránh dư luận. Nếu muốn xây dựng nhà kiên cố để nuôi yến, chủ đất sẽ liên hệ để xin phép huyện cho xây nhưng khách hàng phải bỏ chi phí khoảng 150 triệu đồng(!?)

Có hiện tượng buông lỏng quản lý?

Tình trạng phân lô tách thửa đất nông nghiệp để làm khu nghỉ dưỡng sinh thái trá hình đang diễn ra rầm rộ, rộng khắp trên địa bàn huyện Củ Chi. Nó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hệ quả về sau cho cả chính quyền địa phương lẫn người dân. Hàng trăm ruộng lúa, vườn rau chỉ trong thời gian ngắn đã nhanh chóng được phủ hàng rào, bê tông cốt thép, cây ăn quả khiến dư luận không khỏi lo lắng, bức xúc.

Những bài học về buông lỏng quản lý, sai phạm trong đất đai thời gian gần đây tại một số địa phương như Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu… đang được xử lý nghiêm minh vì có hiện tượng lách luật, tiếp tay, buông lỏng, tiêu cực trong công tác quản lý đất đai như cho hiến đất làm đường rồi phân lô… Thế nhưng, tại huyện Củ Chi, việc tách thửa vẫn đang diễn ra rầm rộ và rất “thông thoáng”. Có nhiều chỗ chỉ trong vòng khoảng 1 tháng, một người có thể hoàn tất việc vừa nhận chuyển nhượng vừa tiến hành tách ra nhiều thửa trên cùng một lô đất.

xalophapluat-loan-phan-lo-nong-nghiep-hinh-1-8751-1650082905.jpg

Theo quy định của TP Hồ Chí Minh hiện nay thì diện tích đất lúa, đất trồng cây hàng năm được tách nếu đủ 500 m2. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã máy móc, không hiểu hoặc cố tình hiểu sai, lách luật khi cứ đủ 500 m2 là tách mà không cần biết khu đất đó có đường đi hay không.

Thực tế cho thấy, các khu đất được tách từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 hầu hết là đất nằm giữa cách đồng lúa, cánh rừng không điện, không nước, không đường đi lại giữa các thửa đất nhưng UBND huyện Củ Chi vẫn vô tư cho tách. Vậy đến khi có hậu quả thì ai sẽ là người giải quyết vấn đề này?

Một hệ quả hết sức nan giải bấy lâu mà ai cũng đều nhìn thấy, đó chính là tình trạng tranh chấp lối đi giữa các thửa đất liền kề với nhau khiến cơ quan chức năng thì đau đầu xử lý, còn xóm giềng thì mất tình đoàn kết, thậm chí xảy ra thương tích, án mạng...

Vậy mà, người trực tiếp thay mặt ký là ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, phụ trách mảng đô thị (trước khi giữ chức này, ông Phong là Trưởng Phòng TN&MT huyện Củ Chi) lý ra sẽ rõ hơn ai hết nhưng vẫn cho tách thửa, dù biết không có đường…

Những “góc khuất” tại hàng loạt khu đất trên địa bàn huyện Củ Chi sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin trong thời gian tới.

Để có thông tin chính xác, khách quan, nhiều tuần qua, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương các xã, cũng như UBND huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh).

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Ngọc Sương - Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ cho biết, khu đất được phân 30 thửa có diện tích từ 500 m2 như báo phản ánh hoàn toàn không có đường vào mà phải đi nhờ người khác. Còn vấn đề tách thửa như thế nào là do huyện, chứ xã không biết. Qua kiểm tra thực tế thì khu đất này không có đường vào và giữa các thửa đất cũng không có đường thể hiện trên sổ.

Còn ông Minh Trí - Chủ tịch UBND xã Nhuận Đức thì hứa sẽ kiểm tra, phản hồi, nhưng qua nhiều tuần vẫn im lặng, dù chúng tôi gọi điện, nhắn tin nhiều lần.

Riêng UBND huyện Củ Chi, chúng tôi đã gửi văn bản theo yêu cầu, sau đó gọi điện, nhắn tin cho Trưởng Phòng TN&MT lẫn Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách đô thị là ông Nguyễn Thanh Phong - người trực tiếp ký tách hàng trăm sổ đất trong những tháng gần đây nhưng đều không nhận được bất cứ hồi âm nào.

Theo Hoàng Qúy/PL

Bạn đang đọc bài viết "TP Hồ Chí Minh: Loạn phân lô bán nền đất nông nghiệp tại Củ Chi" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.