TP.HCM hợp thức hóa nhà sai phép: Có tạo tiền lệ xấu?

09/05/2020 11:30

Việc kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm túc hơn để tránh tình trạng làm sai rồi mới xử.

Việc kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm túc hơn để tránh tình trạng làm sai rồi mới xử.

 

Sở Xây dựng TP HCM vừa ban hành trong văn bản hướng dẫn các tiêu chí phân loại công trình trái phép dựa trên các quy định của pháp luật.

Căn cứ các hướng dẫn của Bộ Xây dựng, các quy định pháp luật hiện hành, Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra 3 nhóm công trình được tồn tại. Theo đó, không phải tất cả các trường hợp xây dựng không phép, sai phép nộp phạt đều được phép tồn tại.

Vấn đề cốt lõi công trình phải đúng quy hoạch và đảm bảo các tiêu chí đề ra. Các trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất hành lang kênh rạch, công trình công cộng…hoặc nhà xây dựng sai mẫu trong các dự án được duyệt quy hoạch 1/500 đều không thuộc các nhóm trên, phải xử lý tháo dỡ.

Nhận xét về cách làm của Sở Xây dựng TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, với việc tiến hành phân loại và đưa ra các tiêu chí như vậy, TP.HCM đã hợp thức hóa nhiều công trình sai phép, không phép trên cơ sở sẽ xem xét các công trình vi phạm, loại nào có thể cho tồn tại, nhắc nhở, thậm chí không cần nộp phạt.

Tuy nhiên, ngăn chặn, xử lý từ gốc rễ vi phạm xây dựng, không tạo tiền lệ xấu, tiếp sức cho ra đời thêm nhiều công trình xây sai phép, trái phép vẫn tồn tại, theo ông, việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát của quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư xây dựng cần nghiêm túc, sâu sát hơn để tránh làm sai rồi mới xử.

Đồng thời, khi ngăn chặn các dự án, công trình sai phép, trái phép, cũng cần xem xét nó có phù hợp với quy hoạch, với sự phát triển của dự án hay không, nếu có thì phải tạo ngay điều kiện cho chủ công trình điều chỉnh và quy trình thủ tục phải rút ngắn, đơn giản để không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng.

TP HCM ra tiêu chí để hợp thức hóa công trình sai phép, không phép. Ảnh minh họa

Việc sửa sai, theo đúng quy trình, phải xin phép, chỉnh sửa từ hồ sơ thiết kế đến hỗ trơ cấp phép... bao gồm cả một hệ thống dài dòng, cồng kềnh, phiền toái và rất mất thời gian. Bởi vậy, nói đến điều chỉnh, chủ công trình xây dựng nào cũng ngại và nhiều khi họ tặc lưỡi "thôi kệ", làm cho xong việc và chấp nhận nộp phạt vì nếu dừng lại công trình, đi xin phép rồi mới làm thì có khi hai, ba băm sau mới xong được thủ tục ấy.Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chỉ ra thực tế, thủ tục hành chính của Việt Nam trong đầu tư xây dựng quá cồng kềnh, phức tạp, trong khi chất lượng thiết kế không phải là quá xuất sắc nên sai sót cũng là chuyện bình thường.

"Tôi biết có những dự án chủ đầu tư chấp nhận bị thiệt, chi phí nhiều hơn khi thêm một số công năng có lợi cho công trình và cư dân ở đó, ví dụ tăng thêm thang máy, mở rộng tầng hầm trong phạm vi diện tích của họ, thế nhưng để thực hiện được họ phải xin phép điều chỉnh cả một hệ thống rất nhiều bộ hồ sơ mà nhiều bước trong quy trình ấy bị thừa. 

Bởi thời gian phê duyệt rất lâu, rất nhiều thủ tục nên làm chậm trễ tiến độ công trình, không ít chủ công trình chấp nhận nộp phạt bởi nếu không sẽ không được nghiệm thu công trình, không được cấp sổ đỏ cho dân.

Những trường hợp như vậy, theo tôi, là quá máy móc và cần xem xét lại tính chất của nó: có phải chủ công trình cố tình làm sai phạm để mang lại lợi ích cho họ hay không? Nếu đúng như vậy thì phải xử lý nghiêm khắc để răn đe, còn nếu sai phạm có lợi cho cộng đồng thì nên cân nhắc và chấp nhận. Sự phân loại để cho tồn tại của TP.HCM có lý ở điểm đó.

Tương tự, khi họp với Hội, có doanh nghiệp cũng phản ánh họ làm một dự án lớn, có quy hoạch rồi nhưng chỉ vì muốn làm một cổng chào tạm thời để quảng bá hình ảnh cũng phải làm thủ tục xin phép như một công trình thực sự, lâu dài vô cùng phức tạp.

Đối với những trường hợp như vụ 8B Lê Trực vượt cả diện tích được giao, vượt tầng cao là sự coi thường pháp luật một cách trắng trợn thì phải xử lý kiên quyết", ông Nguyễn Văn Đính phân tích.

Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, các ông đã nhiều lần kiến nghị rằng: quy hoạch 1/500 và phương án kiến trúc đã được duyệt thì đó chính là cơ sở để hễ ai làm sai chỉ tiêu quy hoạch và thiết kế đã được duyệt sẽ bị phạt rất nặng, còn làm đúng thì không cần phải xin gì nữa. 

Nhưng thực tế là dù đã có quy hoạch 1/500 và phương án kiến trúc thì chủ công trình xây dựng vẫn phải tiếp tục nhiều bước nữa để được thẩm định, phê duyệt và việc lặp lại nhiều bộ hồ sơ kiểu như thế quá thừa thãi, máy móc.

"Thủ tục nhiêu khê nên người ta ngại, dừng lại công trình để đi điều chỉnh lại từ đầu toàn bộ hồ sơ 4-5 bước đã được duyệt thì đúng là đánh đố", ông Đính nhận xét.

Bởi vậy, ông đề nghị phải giảm thiểu quy trình phê duyệt và trên hết, luật pháp Việt Nam cần phải được điều chỉnh mang tính tổng thể, hệ thống để cho các luật để tránh mỗi bước lại đẻ ra một cơ quan phê duyệt

"Các luật đôi khi không đồng nhất với nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, rất khó cho nhà đầu tư, cho cơ quan chính quyền trong quản lý. Vậy nên chúng tôi đề nghị cần khẩn trương nhất thể hóa toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến việc phát triển đầu tư, làm kích thích đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài", ông Nguyễn Văn Đính cho hay.

 

 

Thành Luân - Theo Báo Đất Viêt

Link gốc

 

Bạn đang đọc bài viết "TP.HCM hợp thức hóa nhà sai phép: Có tạo tiền lệ xấu?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.