Thông qua “Hợp đồng hợp tác chuyên môn” giữa BS Nguyễn Tiến Huy và BV Đa khoa Vạn Hạnh, TMV Sài Gòn Venus đã thực hiện PTTM trái phép cho khách hàng mà không bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện hay xử phạt.
Hợp tác “mua - bán” khách thẩm mỹ?
Như chúng tôi đã thông tin ở bài trước, chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 7-12/2020), Thẩm mỹ viện Sài Gòn Venus (TMV Sài Gòn Venus; 406 Trần Hưng Đạo, phường 2, quận 5, TP.Hồ Chí Minh) liên tục thay đổi nội dung quảng cáo. Ban đầu, cơ sở này công khai báo giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng cho các gọi dịch vụ đại phẫu (có gây mê). Sau đó, lại âm thầm tháo bỏ báo giá nhưng vẫn khẳng định được tư vấn các dịch vụ ngoài “danh mục kỹ thuật” mà Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phê duyệt.
Để làm rõ các bất cập liên quan đến quy trình hoạt động của TMV Sài Gòn, PV trong vai khách hàng liên lạc vào số Hotline “0931135369” và được nhân viên tên T. của cơ sở này nhiệt tình tư vấn cùng lúc ba dịch vụ treo ngực sa trễ, hút mỡ bụng (cắt da chùng) và phẫu thuật căng da mặt.
“Chi phí treo ngực mỏ neo chưa bao gồm đặt túi là 65 triệu đồng, hút mỡ bụng kết hợp với cắt da chùng, thu ép cơ bụng là 85 triệu đồng. Riêng căng da mặt, da trán, da cổ là 85 triệu, giảm còn 70 triệu đồng. Như vậy, nếu chị thực hiện cùng lúc 3 dịch vụ thì tổng chi phí là 220 triệu đồng, nhưng bên em sẽ hỗ trợ đóng thay tiền gây mê cho chị là 10 triệu”, T. nói.
Đồng thời, để khách hàng tin tưởng, T. nhấn mạnh, với phương pháp phẫu thuật TMV Sài Gòn Venus sẽ thực hiện tại bệnh viện đang hợp tác là Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (BV Vạn Hạnh, 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, phường 12, quận 10), bác sĩ đứng mổ là bác sĩ Nguyễn Tiến Huy (BS. Huy) của TMV Sài Gòn Venus. T. nhắc đi nhắc lại nhiều lần để PV hiểu, dù mổ ở BV Vạn Hạnh nhưng PV là khách hàng của Venus: “Tất cả mọi thứ từ tư vấn, xét nghiệm, hồ sơ nhập viện… cho đến bác sĩ mổ đều do bên em làm cho chị nên chị cứ yên tâm”.
Theo đúng hướng dẫn của T., PV đã đến trụ sở TMV Sài Gòn Venus để được BS. Huy trực tiếp thăm khám theo lịch đã hẹn trước: “Phẫu thuật xong em chỉ cần ở lại BV từ 1 đến 2 ngày. Nhiều khi làm xong nửa ngày là em đã có thể ngồi dậy hoặc nằm nghiêng được rồi”.
Cũng trong buổi tư vấn, BS. Huy hỏi nhân viên của mình về tình trạng tắm rửa, ăn uống, cách nằm… của một ca phẫu thuật (độn mông) khác vừa được chuyển từ BV về.
Đến đây, có thể nhận định, không dừng lại ở mức độ quảng cáo hay tư vấn, TMV Sài Gòn Venus có thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép cho khách hàng. Và quy trình này được thống nhất, chỉ đạo từ BS. Huy (người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của TMV Sài Gòn Venus).
Như vậy, hình thức hợp tác giữa BV Vạn Hạnh và TMV Sài Gòn Venus là gì? Hình thức hợp tác như cách mà BV Vạn Hạnh và TMV Sài Gòn Venus đang làm có đúng theo quy định của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh?...
“Hợp đồng” lạ lùng!
Liên quan đến những bất cập nói trên, theo tìm hiểu của PV, ngày 02/01/2020, BS. Huy đã đại điện “Bên A” (Bên nhận cung cấp dịch vụ) ký kết “HỢP ĐỒNG CUNG CẤP DỊCH VỤ HỖ TRỢ CHUYÊN MÔN Y TẾ” số 2525/HĐHT với BV Vạn Hạnh “Bên B” (Bên cung cấp dịch vụ Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh) do bà Huỳnh Thị Kim Dung - Tổng Giám đốc đại diện.
[caption id="attachment_60660" align="aligncenter" width="648"] BS. Huy trực tiếp tư vấn cho PV nhiều dịch vụ trái phép trên danh nghĩa của TMV Sài Gòn Venus (Ảnh cắt từ clip).[/caption]
Cụ thể, bằng việc ký kết hợp đồng nói trên, BS. Huy sẽ được BV Vạn Hạnh đảm bảo cung cấp những dịch vụ hỗ trợ chuyên môn y tế gồm:
Thứ nhất, cơ sở vật chất, bác sĩ gây mê hồi sức, ê kíp phụ mổ và chăm sóc hồi sức sau mổ, phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị, phòng phẫu thuật;
Thứ hai, các xét nghiệm, Cận lâm sàng và hội chẩn khi Bên A yêu cầu hoặc Bên B xét thấy cần thiết (Bên A sẽ được Bên B thông báo);
Thứ ba, dịch vụ phòng, chăm sóc theo dõi sau phẫu thuật;
Thứ tư, không chịu trách nhiệm về thuế thu nhập cá nhân của Bên A;
Thứ năm, xuất hoá đơn cho việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên môn y tế cho Bên A;
Thứ sáu, phối hợp điều trị và cung cấp thông tin diễn tiến bệnh kịp thời cho Bên A cho đến khi bệnh nhân xuất viện;
Thứ bảy, Bên B chịu trách nhiệm đối với bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật/thủ thuật liên quan đến Gây mê – Hồi sức;…
Đáp lại, BS. Huy có nghĩa vụ trả phí dịch vụ tính theo từng ca điều trị cho Bên B. Đồng thời, chịu trách nhiệm với bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật/thủ thuật liên quan chuyên môn của Bên A và có trách nhiệm theo dõi điều trị bệnh nhân trong trường hợp có biến chứng liên quan đến phẫu thuật/thủ thuật.
[caption id="attachment_60662" align="aligncenter" width="633"] Hợp đồng cung cấp dịch vụ chuyên môn y tế giữa BS.Huy và bà Huỳnh Thị Kim Dung - Tổng Giám đốc BV Vạn Hạnh.[/caption]
Chưa bàn đến việc BS. Huy đại diện ký hợp đồng có đồng nghĩa là TMV Sài Gòn Venus hợp tác BV Vạn Hạnh hay không, chỉ xét riêng các điều khoản về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng này đã thấy rõ, thực tế BS. Huy chỉ thuê phòng mổ tại BV Vạn Hạnh.
Theo đó, BV Vạn Hạnh sẽ chịu trách nhiệm cung cấp phòng mổ, Gây mê – Hồi sức cho khách hàng của BS. Huy. Nhưng không chịu trách nhiệm với bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật/thủ thuật và cũng không có trách nhiệm theo dõi điều trị cho bệnh nhân trong trường hợp có biến chứng, rủi ro xảy ra liên quan đến ca phẫu thuật.
Với bảng Hợp đồng lạ lùng này, không cần cấp phép từ Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, BS. Huy vẫn “hô biến” TMV Sài Gòn Venus từ một cơ sở không được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê thành được. Đồng thời, tạo ra bức “bình phong” hoàn hảo để dễ dàng hoạt động trái phép mà không bị các cơ quan chức năng phát hiện hay xử phạt. Tuy nhiên, để làm được điều này BS.Huy cần có sự hỗ trợ tuyết đối từ BV Vạn Hạnh. Vậy, cuối cùng BV Vạn Hạnh giữ vai trò gì trong quy trình hoạt động kéo dài nhiều năm qua của TMV Sài Gòn Venus?
Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích trong các bài viết tiếp theo!