Sáng nay 12-10, buổi giao lưu nghệ thuật 17 năm 'Tiếp sức đến trường' và lễ trao học bổng dành cho 150 tân sinh viên của 7 tỉnh, thành Đông Nam Bộ đã diễn ra trong không khí ấm cúng, tình nghĩa tại TP.HCM.
Buổi lễ do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Thành đoàn TP.HCM, Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức, với chủ đề Đường bay tri thức. Đây là đợt trao học bổng thứ 9, cũng là đợt trao cuối cùng của học bổng Tiếp sức đến trường 2019.
Ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ với các sinh viên và khách mời hành trình của Tiếp sức đến trường suốt 17 năm qua.
Đó là hơn 19.600 suất học bổng và những trái ngọt từ học bổng Tiếp sức đến trường. Trong câu chuyện trưởng thành từ gian khó của các bạn trẻ có sự trợ lực ban đầu của học bổng.
"Học bổng trao cho các em như một sự ghi nhận những nỗ lực lớn lao của các em. Cũng như chủ đề hôm nay "Đường bay tri thức": chúng tôi mong muốn các em hãy vươn xa, bay cao để trau dồi cho mình kiến thức và những điều tử tế nhất. Khoảng trời phía trước còn mênh mông, và chính các em sẽ mở cánh cửa tương lai đời mình bằng nỗ lực của chính mình.
Suất học bổng này không chỉ là một khoản tiền. Giá trị lớn hơn là sự tin yêu, là cái siết tay tin cậy với các em trên đường đời vốn dĩ không bằng phẳng", ông Chữ gửi gắm.
Lên sân khấu trao học bổng cho các sinh viên là những người đồng hành, đại điện các doanh nghiệp, các đơn vị đã đồng hành với Tiếp sức đến trường, GS. Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
"Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, mỗi người đều có xuất phát điểm khác nhau. Nhưng đừng vì thế mà nản lòng. Hãy lấy đó làm điểm tựa để các em nỗ lực hết mình. Tôi tin rằng các em sẽ thành công như những gì các em đã từng vượt qua", ông Phạm Trung Kiên - phó tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Co.op Sài Gòn) chia sẻ với các em.
Ông cho biết việc đồng hành cùng với chương trình nhiều năm qua là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp, và mong muốn "sẽ có nhiều tấm lòng cùng chung tay để những bạn trẻ giàu nghị lực không phải từ bỏ giấc mơ, khát vọng cuộc đời".
Ông cũng mong muốn mai sau trưởng thành các bạn trẻ sẽ không quên "cuộc tiếp sức" hôm nay, khi có điều kiện hãy tiếp tục hành trình đầy tính nhân văn của Tiếp sức đến trường.
Anh trai cõng em lên giảng đường
Câu chuyện của chàng tân sinh viên mồ côi và cô gái xương thủy tinh đầy nghị lực đã khiến mọi người trong khán phòng chương trình Tiếp sức đến trường lặng đi vì nể phục.
Huỳnh Thị Kim Thuận (Ninh Thuận) - sinh viên ngành công nghệ thông tin trường Cao đẳng Công thương TP.HCM - mắc bệnh xương thủy tinh từ lúc mới lọt lòng được anh trai Huỳnh Ninh bế lên sân khấu trong ngày nhận học bổng. Anh trai cũng là người sớm tối cõng Thuận lên giảng đường suốt 12 năm qua.
Thuận trúng tuyển 4 trường đại học, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn nên em chọn học cao đẳng.
"Con đường đến trường của em rất nhiều khó khăn. Nhưng anh đã dùng thanh xuân của anh làm đôi chân của em, làm bạn đồng hành của em. Em đã từng nghĩ bỏ học từ lúc mẹ mất nhưng anh trai đã động viên em rất nhiều và đó là động lực để em quyết tâm đến trường", Thuận chia sẻ.
Ngồi bên cạnh Thuận trên sân khấu, anh Huỳnh Ninh, anh trai Thuận tâm sự rằng anh từ quê lên đây chỉ mong có một công việc ổn định để lo cho em học hành.
Kiên cường học tập để thành công
Một gương mặt nghị lực vượt khó khác trên sân khấu giao lưu là tân sinh viên Nguyễn Phúc An (Đồng Nai) - ngành Y khoa, Trường Đại học Y Dược TP.HCM).
An mồ côi mẹ khi mới 12 tuổi, ba đã bỏ đi từ khi em chưa ra đời, từ đó em sống với dì và bà ngoại đã hơn 80 tuổi. Cuộc sống khó khăn nhưng cô bé có một thành tích học tập đáng ngưỡng mộ: 7 năm liền là học sinh giỏi nhất khối của trường, đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh các môn toán, sinh học.
"Ngay từ nhỏ em đã biết mình thua thiệt nhiều mặt vật chất, tinh thần, nên chỉ có con đường học tập. Em tin rằng chỉ có nghị lực và ý chí mới có thể biến ước mơ thành hiện thực".
Chọn học ngành y, thời gian học tập dài, An mong muốn trở thành người thầy thuốc vừa có tài vừa có đức chữa bệnh cho nhiều người, chăm sóc cho bà và dì.
Nghe câu chuyện của các em, ngay tại buổi lễ, ban tổ chức cho biết ông Vũ Duy Hải - Tổng giám đốc tập đoàn VINACAM sẽ trao tặng cho anh Huỳnh Ninh - anh trai của Kim Thuận một chiếc xe máy để anh làm việc.
GS Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - sẽ hỗ trợ học phí hàng năm cho bạn Nguyễn Phúc An, mỗi năm 10 triệu đồng để em hoàn thành việc học.
Buổi lễ trao 128 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng/suất và 22 suất học bổng đặc biệt, trị giá 15 triệu đồng/suất cho các tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn của 7 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ.
Tổng kinh phí học bổng hơn 1,6 tỉ đồng do Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Quỹ "Đồng hành nhà nông", Quỹ Khuyến học Vinacam, Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty TNHH TM&DV Nụ Cười Vui, Công ty TNHH sản xuất võng xếp Duy Lợi, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, giáo sư Phan Lương Cầm và bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp.
Ngoài ra, còn rất nhiều đơn vị đồng hành với chương trình nhiều năm qua: công ty CP phân bón Bình Điền, CLB "Nghĩa tình Quảng Trị", CLB "Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế", CLB "Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng", CLB "Tiếp sức đến trường" Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Ủy Ban tương trợ người Việt Nam tại Đức…
Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 9h30 trên kênh HTV9, Đài Truyền hình TP.HCM, do Công ty CP phân bón Bình Điền tài trợ.
Đây là đợt trao thứ 9 và cũng là đợt trao học bổng cuối cùng của chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2019, do báo Tuổi Trẻ sáng kiến và chủ trì, với hơn 1.200 tân sinh viên trên 63 tỉnh, thành được tiếp sức. Tổng kinh phí toàn bộ các đợt trao hơn 14 tỉ đồng.
Ban tổ chức cũng trao học bổng cho 99 tân sinh viên được xét nhận học bổng tại các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây nguyên và Bắc Trung bộ đang học tập tại TP.HCM, do không có điều kiện về tham dự lễ tuyên dương và trao học bổng tại quê nhà.
Một số hình ảnh trao học bổng:
Theo tuổi trẻ