DN&TH; U&I của đại gia Mai Hữu Tín sở hữu 30 công ty thành viên và hoạt động trong nhiều ngành nghề. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp gây ấn tượng khi sở hữu 400 ha đất nông nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, mảng kinh doanh này trong 4 năm trở lại đây cũng đem lại mức lợi nhuận ấn tượng.
Năm 1998 có thể xem là năm khởi đầu, đánh dấu cho sự tăng trưởng kinh tế của Bình Dương khi tỉnh đã đề xướng chính sách mời gọi đầu tư và tăng cường cải thiện môi trường đầu tư. Đặt trong bối cảnh hầu hết các nước trong khu vực đang đối mặt khủng hoảng tài chính năm 1997, Bình Dương đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Trước tình hình các dự án đầu tư trong tỉnh không ngừng gia tăng, thêm vào đó là việc đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng các hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, đã làm phát sinh dịch vụ tư vấn đầu tư và đại lý khai thuê, giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu.
Nắm bắt được nhu cầu này, công ty TNHH U&I được thành lập vào tháng 4/1998 bởi ông Mai Hữu Tín và bà Đoàn Ngọc Tố Uyên, lĩnh vực kinh doanh chính là cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn xuất nhập khẩu và khai thuê hải quan. Đây cũng có thể coi là nền móng đầu tiên cho sự ra đời của CTCP Đầu tư U&I sau này.
Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, vốn điều lệ của U&I (tính đến hết năm 2019) đạt 500 tỷ đồng. Cùng với đó, U&I cũng sở hữu 30 công ty thành viên và liên doanh hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Bất động sản, xây dựng, giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu.
Theo dữ liệu, U&I không có doanh thu trong năm 2019. Trong khi đó, lợi nhuận thuần đạt hơn 42,8 tỷ. Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2019 đạt 864,1 tỷ, vốn chủ sở hữu gần 570,6 tỷ đồng.
Với vai trò chính là quản lý vốn, không lạ khi U&I không ghi nhận doanh thu hoạt động. Do vậy, sẽ là hợp lý khi tiếp cận tiềm lực của U&I thông qua các công ty thành viên quan trọng.
CTCP Xây dựng U&I thành lập vào ngày 9/6/2008, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng nhà các loạt. Người đại diện theo pháp luật/Tổng giám đốc doanh nghiệp là ông Vũ Xuân Dương (SN 1975) – em rể ông Tín. Với gốc gác từ Bình Dương, không lạ khi U&I thi công nhiều dự án trên địa bàn tỉnh, như: Xây dựng công trình Nhà Xưởng D – Giai Đoạn 4 tại Số 19 Đại Lộ Hữu Nghị, KCN Việt Nam – Singapore; dự án kho ngoại quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên; nhà máy kỹ thuật RIKEN tại VSIP 2;…
Theo tìm hiểu, doanh thu năm 2018 của Xây dựng U&I đạt 894,5 tỷ đồng, lợi nhuận thuần 828 triệu đồng. Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản doanh nghiệp tính đến ngày 31/12/2018 là 1.334 tỷ, vốn chủ sở hữu 122 tỷ.
Xây dựng U&I được biết đến là bên mua vào 29 triệu cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành vào khoảng tháng 4/2017, tương đương tỷ lệ sở hữu 20,054% vốn điều lệ. Được biết, mức giá mà Xây dựng U&I chi ra là khoảng hơn 232 tỷ đồng.
Sự xuất hiện của Xây dựng U&I (hay ông Mai Hữu Tín) tại TTF thời điểm đó được giới đầu tư kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp gỗ đầu này hồi sinh.
BCTC quý III/2020 cho thấy, TTF lãi ròng hơn 13 tỷ đồng và cũng là quý lãi thứ 3 liên tiếp. Đây được đánh giá là chuyển biến tích cực sau những khoản lỗ vài nghìn tỷ đồng trong 4 năm trước đó. Dù vậy, cũng phải nhìn nhận mức lãi của TTF chủ yếu đến từ khoản bồi thường (33,8 tỷ) từ cựu Chủ tịch Võ Trường Thành, người bị cáo buộc là quản lý yếu kém dẫn tới sự suy sụp của đại gia ngành gỗ một thời.
Xét trong 9 tháng đầu năm 2020, TTF đạt doanh thu thuần gần 807 tỷ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lãi sau thuế hơn 52,1 tỷ, mức ấn tượng so với khoản lỗ 497,6 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2019.
Sẽ là một thiếu sót nếu không đề cập đến mảng bất động sản của U&I. Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, U&I đang sở hữu 7 công ty thành viên thuộc lĩnh vực này gồm: CTCP Bất động sản U&I (Unireal), CTCP Đất Việt (Vietland), CTCP Địa ốc Trung Tâm (Centraland), công ty TNHH Trung Tâm – Thành Công, CTCP Fortika Trung Yên, CTCP Đầu tư Xây dựng Chánh Phú Hoà (Hoa viên nghĩa trang Bình Dương) và CTCP Bất động sản Kim Hà Việt.
Trong đó, Unireal vào tháng 6/2019 từng bị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi chủ trương đầu tư dự án Khu thương mại và dịch vụ dân cư (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) do chậm tiến độ/năng lực chủ đầu tư yếu kém. Được biết, một dữ liệu cho thấy trong năm 2019, doanh thu Unireal đạt 3,8 tỷ, lợi nhuận thuần 1,33 tỷ. Đây là những con số thấp nhất của Unireal trong 4 năm tài chính gần đây.
Đặc biệt, còn phải kể đến lĩnh vực nông nghiệp của U&I. Theo tìm hiểu, U&I sở hữu 3 doanh nghiệp nông nghiệp là CTCP Nông nghiệp U&I (Unifarm), CTCP Vật tư Nông nghiệp Bình Dương và CTCP AGRAMATE Bình Dương.
Đáng chú ý, CTCP Nông nghiệp U&I (Unifarm) được đông đảo dư luận biết tới là chủ đầu tư của Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái rộng 400 ha tại xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Được thành lập vào năm 2009 và chính thức đi vào hoạt động năm 2010, Unifarm được giới thiệu đã đạt được chứng chỉ Global GAP vào năm 2010 cho các sản phẩm cà chua, cà tím, ớt chuông và dưa hoàng kim, và lại thành công tiếp tục vào đầu năm 2012 cho sản phẩm dưa hoàng kim.
Kết quả kinh doanh của Unifarm khá tích cực. Trong năm 2019, doanh thu thuần Unifarm đạt 202,2 tỷ, tăng trưởng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận thuần 21,3 tỷ, tăng gấp 23 lần.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Unifarm tính đến ngày 31/12/2019 là 192 tỷ; vốn chủ sở hữu 48,1 tỷ; nợ phải trả 143,9 tỷ đồng.
“Cuộc chơi” tài chính của doanh nhân Mai Hữu Tín
Ngoài vai trò Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (từ năm 2013 đến nay), ông Tín từng có thời gian tham gia vào điều hành công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Cụ thể, CTCP Chứng khoán Việt Quốc (VQSC) là một trong những cuộc chơi tài chính đầu tiên của ông Mai Hữu Tín và các cộng sự. Thành lập vào ngày 25/9/2007, VQSC đã chính thức đi vào hoạt động với mã thành viên giao dịch là 56 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE). VQSC được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoạt động trong các loại hình chứng khoán như: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Ra đời vào đúng khoảng thời gian thị trường chứng khoán lao dốc mạnh, không ngạc nhiên khi BCTC năm 2007 của VQSC cho thấy doanh nghiệp này đã lỗ 1,9 tỷ đồng. Tình trạng thua lỗ triền miên các năm sau đó nhiều khả năng là nguyên nhân dẫn đến việc ông Mai Hữu Tín và các cổ đông sáng lập vào tháng 4/2009 đã chuyển nhượng toàn bộ 70% vốn VQSC cho một cá nhân khác.
Ngoài ra, ông Tín cũng từng góp vốn thành lập CTCP Quản lý quỹ Hùng Việt. Dữ liệu cho thấy trong năm 2013, ông nắm 10% vốn quỹ này, cùng với các cá nhân là Trần Văn Trọng (39,72%), Võ Trọng Thủy (26,64%) và Nguyễn Thanh Tùng (23,64%). Đến tháng 8/2015, ông Tín chuyển nhượng toàn bộ vốn quỹ Hùng Việt cho ông Võ Đình Ngọc. Như đã biết, đến tháng 2/2020, quỹ Hùng Việt đón các cổ đông ngoại gồm: Công ty TNHH Korea Investment (99%), Yun hang Yin (0,5%) và An Jong Hoon (0,5%).
Hiện tại, nói về lĩnh vực tài chính, U&I của ông Tín đang sở hữu một loạt các công ty kiểm toán, kế toán và thẩm định giá như: Công ty TNHH Kiểm toán U&I, Công ty TNHH Kế toán U&I, Công ty Cổ phần Thẩm định giá Bình Dương, Công ty TNHH một thành viên Tư vấn và Đại lý thuế Bình Dương, Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Sài Gòn.