Đại diện Thuduc House chính thức lên tiếng về nghi vấn "xuất khẩu giả, hoàn thuế thật" đang gây xôn xao.
Về vụ việc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House; Mã CK: TDH) có thông tin xuất khẩu giả, hoàn thuế thật, theo kết luận từ cơ quan chức năng, đại diện Thuduc House, ông La Cẩm Nam – Giám đốc Truyền thông Marketing Thuduc House trao đổi với VietTimes.
Cụ thể, ông La Cẩm Nam cho rằng nhiều thông tin đưa ra chưa chính xác có liên quan đến nội dung của Báo cáo số 8194/BC-TCHQ ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Tổng Cục Hải Quan về “Kết quả đấu tranh với hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của một số doanh nghiệp tại địa bàn khu vực phía Nam”.
Ông La Cẩm Nam khẳng định: “Thuduc House không có bất kỳ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nào liên quan đến Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam (Công ty con của Công ty SATRA) cũng như không có bất kỳ sự cấu kết hay móc nối với 70 công ty được đề cập trong Báo cáo. Đối với việc xuất khẩu mặt hàng linh kiện điện tử, trong các năm 2018 - 2019, Thuduc House mua hàng trong nước và xuất khẩu sang các đối tác nước ngoài. Hàng trong nước được công ty mua từ Công ty CP Thuduc House Wood Trading (Công ty con của Thuduc House) và Công ty này chỉ thực hiện việc mua hàng với Công ty TNHH An Lành Phát”.
Theo ông Nam thì Thuduc House, Công ty CP Thuduc House Wood Trading, và Công ty TNHH An Lành Phát vẫn đang hoạt động bình thường, hợp pháp, có con dấu, pháp nhân, có địa chỉ trụ sở rõ ràng, thực hiện việc kê khai và nộp thuế GTGT đầy đủ.
Liên quan đến nội dung được đề cập trong Báo cáo của Tổng cục Hải Quan Việt Nam về xác nhận của Hải Quan Hong Kong và Hải quan Campuchia: “03 lô hàng xuất khẩu của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức gồm 02 lô xuất cho đối tác DSPSG LOGISTICS CO,. LTD; 01 lô xuất cho đối tác ROTHADY IMPORT EXPORT CO, không được nhập khẩu vào Hong Kong” và “02 công ty MEAS CHANNY IMPORT EXPORT CO,. LTD; AKCHALNAK TROP ANTARAKCHEAT PLC chưa được đăng ký tại Tổng Cục Thuế Campuchia, không có dữ liệu xuất nhập khẩu của các công ty này trong năm 2018, 2019”, ông Nam có ý kiến:
“Trên tờ khai hải quan chỉ thể hiện khách hàng ký hợp đồng và địa điểm nhận hàng cuối cùng, không thể hiện tên người nhận hàng (Consignee) nhưng trên hợp đồng và bill thể hiện đầy đủ tên và địa chỉ của người nhận hàng. Các đơn hàng xuất vào Hong Kong và Campuchia cho các đối tác ký kết hợp đồng với chúng tôi đã được Hãng vận chuyển (Công ty KGL Viet Nam) xác nhận: đã nhận toàn bộ những lô hàng (gồm 133 lô xuất đi Hong Kong, 79 lô xuất đi Campuchia). Toàn bộ những lô hàng đã được mang đến sân bay Phnom Penh (Campuchia) và sân bay Hong Kong, chuyển lệnh giao hàng cho người nhập khẩu. Đồng thời theo hướng dẫn của đơn vị vận chuyển thì hoàn toàn có thể kiểm tra trên trang web của Vietnam Airlines các thông tin: Lô hàng, ngày giờ nhận hàng tại Việt Nam, ngày giờ đến nước nhập khẩu, ngày khách hàng nhận hàng” – ông La Cẩm Nam cung cấp thông tin chi tiết.
Lý giải về việc không có thông tin dữ liệu xuất nhập khẩu hai khách hàng Campuchia, ông Nam cho rằng: “Hai khách hàng Campuchia của Công ty chúng tôi chưa đăng ký tại Tổng cục thuế Campuchia và không có dữ liệu xuất nhập khẩu trong năm 2018, 2019. Chúng tôi cho rằng về nghĩa vụ trong hợp đồng của Công ty chúng tôi trong hoạt động xuất khẩu hàng là chúng tôi có nghĩa vụ giao hàng cho đơn vị vận chuyển (theo giá FOB) hoặc đến cửa khẩu của bên nhận hàng (theo giá CIF). Việc các đối tác của chúng tôi có tuân thủ đúng các chính sách pháp luật của nước sở tại hay không thì chúng tôi hoàn toàn không thể biết và cũng không có thẩm quyền để yêu cầu đối tác phải chứng minh. Tuy nhiên, theo thông tin từ đơn vị vận chuyển hàng cho chúng tôi đã xác nhận hàng hóa đã được giao cho người nhận theo hợp đồng xuất khẩu”.
Kết luận của thanh tra Cục thuế TP.HCM và báo cáo của Tổng cục Hải Quan Việt Nam hiện đang được điều tra, xác minh./.