Tại hội thảo "Phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ ở TP.HCM" diễn ra vào sáng 27/2, nhiều doanh nghiệp lên tiếng khẳng định, chính thủ tục đầu tư quá nhiêu khê đã "bóp nghẹt" cơ hội đầu tư vào nhà ở giá rẻ của họ.
Tại hội thảo, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Quân than thở, để có được một giấy phép đầu tư một dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh, nhà đầu tư phải mất ít nhất từ 2 hoặc thậm chí dài đến 7 năm. "Chúng tôi đã làm đủ mọi cách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cần thiết, nhưng phải trải qua rất nhiều cấp, nhiều ngành nên dự án nhiều khi đi vào lãng quên".
Quá nhiều bất cập
Cũng theo ông Tuấn, trong khi các dự án nhà ở cao cấp có diện tích đất lớn hàng trăm ha thì các đơn vị chức năng phê duyệt dự án cực nhanh, nhưng với một dự án 36,5ha của ông đã nhiều năm qua vẫn còn loay hoay ở khâu lấy ý kiến sở ngành về quy hoạch, đền bù giải toả...
Cùng chung ý kiến trên, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc công ty Lê Thành cho biết thêm đơn vị ông chuyên đầu tư nhà ở giá rẻ cho thuê bởi nhu cầu này vô cùng lớn. Tuy nhiên, để thực hiện được một dự án như vậy có khi cũng mất đến hơn 5 năm, lúc đó cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp không còn.
Ở khía cạnh giá thành sản phẩm, ý kiến của hầu hết doanh nghiệp tại hội thảo cho rằng mô hình của Bình Dương đưa ra giá nhà ở 100 triệu đồng là dựa trên quỹ đất ưu đãi và sẵn hạ tầng, điều này kéo chi phí ban đầu xuống thấp. Còn tại TP.HCM, quỹ đất ưu đãi hiện tại không có, chỉ riêng giá thành xây dựng đã lên đến 9 triệu đồng/m2 trở lên do đó nhà ở giá 100 triệu đồng là không thể.
Ông Vũ Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long, đơn vị chuyên xây nhà ở xã hội cho biết, tỷ suất đầu tư ở TP.HCM rất khó kéo xuống dưới 12 triệu đồng/m2. Doanh nghiệp đã nghiên cứu rất nhiều mô hình ở các nước, ngay cả việc tham khảo hàng triệu căn hộ 30 m2 ở Thái Lan, Singapore... cũng khó khả thi. “Chương trình nhà ở giá rẻ tại Việt Nam là chủ trương đúng, nhưng còn thiếu tính thực tế rất nhiều”, ông Quang nói.
Ông Quang còn cho biết, quy định mỗi địa phương dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhưng phân bổ như thế nào, giá giao đất ra sao chưa quy định. Quy chuẩn xây dựng nhà xã hội cũng chưa rõ ràng, cụ thể. “Tương tự, khung giá cũng chưa quy định, cũng chỉ là giá tạm tính, cần sớm luật hóa việc phát triển nhà ở giá rẻ thì doanh nghiệp mới có khung pháp lý để thực hiện” – ông Quang cho biết.
Ngoài việc xác định giá là một bất cập, vấn đề lâu nay là cơ chế chính sách hỗ trợ vẫn chưa hoàn thiện, thậm chí là gây cản trở. Theo các doanh nghiệp, hai vấn đề này là yếu tố cốt lõi để phát triển mô hình này nếu chưa giải quyết được thì việc làm nhà giá rẻ tưởng dễ mà không dễ.
Phát triển phải bền vững
Đại diện Công ty địa ốc Đại Quang Minh cho biết, đến nay việc làm nhà giá rẻ chỉ là ngã rẽ của hầu hết doanh nghiệp khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng. Nếu muốn phát triển thị trường này, các chủ đầu tư cần phải nhận thức rõ việc làm nhà giá rẻ là một ý định nghiêm túc. Theo đại diện này, đây mới là điều kiện để hoàn thiện và phát triển thị trường một cách bền vững.
Để “cởi trói” khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ nên phân cấp cho các tỉnh, thành tự phê duyệt tất cả các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.
Tương tự, Sở Xây dựng các địa phương cũng nên là cơ quan được phân cấp thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Như vậy sẽ nhanh hơn và hạn chế được tiêu cực xin-cho của quy trình hiện nay là tách quyết định cấp phép xây dựng thành 2 khâu chia cho Cục Quản lý Các hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) và Sở Xây dựng các địa phương xử lý.
Lãnh đạo TP.HCM cũng khẳng định sẽ cầu thị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện cơ chế chính sách. Trong đó, ông rất tán thành ý kiến của nhiều doanh nghiệp cho rằng để có nhà ở giá cả hợp lý cần phải xây dựng được chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào. Nếu tất cả doanh nghiệp cùng chung tay giảm giá các nguyên liệu đầu vào thì việc giảm giá nhà không quá khó.
Ngoài ra, Bí thư Đinh La Thăng cũng cho biết nhà ở xã hội của TP.HCM có lợi thế là được sử dụng chung hạ tầng của nhà ở thương mại, chất lượng tiện ích nhà ở thương mại. Điều tiếp theo, Việt Nam có nhiều hình thức như mua, thuê, thuê mua… để hình thành nên thị trường nhà ở xã hội thì mới mong thúc đẩy mô hình này phát triển.
"Quy định hiện nay đối với người mua nhà ở xã hội là sau 5 năm mới được mua bán, chuyển nhượng căn hộ là khá cứng nhắc. Người nghèo sau khi mua được căn nhà xã hội và qua quá trình tích cóp họ muốn chuyển đổi nơi ở khác tốt hơn thì nên tạo cơ chế thông thoáng cho việc mua bán này" - Bí thư Thăng cho biết.
Muốn thúc đẩy mô hình nhà giá rẻ, các chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng được thị trường riêng biệt cho loại hình nhà ở này. Muốn vậy, tất cả các bên tham gia vào thị trường là chính quyền, doanh nghiệp, khách hàng cần thể hiện sự chuyên nghiệp.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng, từ nay đến năm 2020, TP.HCM phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn, trong đó có 20% dành để cho thuê, 60% căn hộ để bán trả góp dài hạn, 20% căn hộ dành cho chủ đầu tư bán thương mại để bù đắp chi phí.
Riêng năm 2017, TP.HCM sẽ hoàn thành 4 dự án chung cư nhà ở xã hội với tổng cộng 1.654 căn hộ
Lưu Vân - Theo diendanbatdongsan.vn