Thu hồi đất nông lâm nghiệp để 'phân lô, bán nền'?

19/07/2021 22:34

Lập dự án dùng cả những tên ngoại quốc mỹ miều: Kosy City, Picenza Plaza, La RosaVila… nhưng đích đến là 'thu gom' đất sản xuất nông lâm nghiệp, rồi phân lô bán nền!.

Chỉ tính trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, đã có hàng trăm ha đất sản xuất nông - lâm, ngư nghiệp tại các xã, phường sát nách thành phố Thái Nguyên, được các chủ đầu tư thu gom rồi chuyển thành các dự án nhà ở, khu dân cư nhỏ lẻ, dự án đất nền manh mún như: Các Khu dân cư 2 bên đường Bắc Sơn kéo dài và các dự án khu dân cư 2 bên đường Việt Bắc như: Khu dân cư số 1 đường Việt Bắc; Mở rộng khu dân cư số 1 đường Việt Bắc; Khu dân cư số 2, số 3, số 4, số 5 đường Việt Bắc; Xây dựng Hồ điều hòa tại khu dân cư số 2 đường Việt Bắc, phường Tân Lập; Các dự án Khu đô thị Động Lực.

161-1626680151.jpeg

Diện tích đất lúa, màu sát nách Thành Phố luôn trong tình trạng chờ ngày vào quy hoạch đất ở. Ảnh: VB.

Các Khu dân cư phường Đồng Bẩm, Khu đô thị Xương rồng, Tổ hợp Apec Thái Nguyên, Khu dân cư Vinaconex, các Khu dân cư Túc Duyên, Khu dân cư đường Bắc Sơn, Dự án Kosy City beat, Dự án Picenza Plaza Thái Nguyên, Dự án nhà ở cao cấp La RosaVila, Dự án đất nền New Horizon City…

Các dự án chủ yếu tập trung vào nơi vựa lúa, vựa rau, đất vườn đồi, ao cá của các phường quanh thành phố, mục tiêu để nhà đầu tư giảm thiểu thiệt hại trong đền bù, và đạt lợi nhuận cao nhất. Chính vì thế, những cánh đồng đất trồng lúa, trồng rau màu quanh thành phố, luôn trong tình trạng chờ đến lượt vào quy hoạch để làm đất ở.

Nhiều dự án làm vội, chưa giải phóng mặt bằng xong, đã thực hiện giao bán đất nền theo hình thức góp vốn. Có những dự án thu hồi đến đâu, ngay lập tức được vẽ thành lô, thửa để bán huy động vốn góp của các nhà đầu tư, mới xây dựng hạ tầng trả khách, như trường hợp khu đô thị Thăng Long (tổ 14, phường Túc Duyên)...

162-1626680151.jpeg

Khởi đầu nhiệm kỳ 2021-2025, khu dân cư tổ 14 phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên đang được tích cực triển khai san lấp, xây dựng hạ tầng, để trả đất nền cho khách hàng. Ảnh: VB.

Các dự án nhà ở, khu dân cư khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đẹp như tranh vẽ, thường có đủ tiện ích như: Hồ nước, vườn hoa, nhà trẻ, sân chơi, nhà văn hóa, vỉa hè, cây xanh…, nhờ có tiện ích đầy đủ trên bản vẽ, đã nhanh thuyết phục nhà quản lý hạ bút phê chuẩn. 

Đến khi bước vào giải phóng mặt bằng, mới phát lộ nhiều chủ thầu dự án chỉ có năng lực ngoại giao, tiền vốn và chuyên môn rất ốm yếu, thậm chí “tay không bắt giặc” nên cứ ì ạch vừa đền bù, vừa huy động góp vốn qua hình thức phân lô bán nền trên bản đồ quy hoạch.

Cứ thế, chiến thuật “gặm nhấm” trong đền bù được vận dụng triệt để. Chỗ nào dễ thì làm trước, chỗ khó tạm gác lại, dẫn đến các khu đô thị, khu dân cư mới mọc lên thường là nham nhở, chỗ cao, chỗ thấp, chỗ thò, chỗ thụt… không giống như quy hoạch phê duyệt ban đầu.

163-1626680151.jpeg

Nếu giải phóng mặt bằng mà gặp khó khăn, sẽ được nhà đầu tư để lại. Trong ảnh là một đoạn đường phân lô dân cư tại Khu dân cư Bắc Sơn cứ để hoang hóa hơn 1 nhiệm kỳ qua. Ảnh: VB.

Việc đầu tư giải phóng mặt bằng theo lối “cóc gặm” chỉ có lợi cho nhà đầu tư, bởi giá đền bù đất nông - lâm nghiệp rất thấp, đổi lại khi có hạ tầng chỉ là tuyến đường chạy qua, thì giá đất cao gấp hàng chục, thậm trí cả trăm lần.

Do lợi nhuận cao, công cuộc “thu hồi” đất nông nghiệp làm khu dân cư tại Thái Nguyên của các chủ dự án càng trở nên khốc liệt, mạnh mẽ và tinh vi hơn bao giờ hết. Đặc biệt, cứ mỗi nhiệm kỳ mới xuất hiện, lại có hàng chục dự án đất nền, khu dân cư mới được tức tốc triển khai, phê duyệt.

Ưu điểm mỗi khu dân cư mới hình thành, sẽ giúp Thành phố Thái Nguyên nhanh hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách (nhờ bán đất), đồng thời cũng tạo ra việc làm cho xã hội và sự giàu có nhanh chóng cho một nhóm người, đặc biệt những chủ thầu dự án.

Chính vì sự hấp dẫn của khu dân cư, nên chỉ trong giai đoạn 2010 -2020, quanh thành phố Thái Nguyên đã có hơn 30 dự án khu dân cư mới được phê duyệt, hoặc đang triển khai.

Đổi lại, các vựa lúa, vựa rau màu tại các phường bao quanh trung tâm thành phố như: Quyết Thắng, Túc Duyên, Tân Thịnh, Thịnh Đán, Quán Triều, Quang Vinh, Đồng Bẩm, Tân Lập… đã bị thu hẹp, thậm trí có thôn, xóm chuyên canh lúa màu đã hết đất trồng cấy, hàng trăm hộ gia đình trong thôn phải tự kiếm việc làm khác.

165-1626680151.jpeg

Sau khi nhường hết đất trồng lúa màu cho các Dự án nhà ở, người dân làng Đồng Tâm, phường Đồng Bẩm đang quyết tâm giữ lại chiếc Cổng làng làm báu vật kỷ niệm. Ảnh: VB.

Số ít nông dân vui vì không cần cấy lúa, lại có khoản tiền hưởng thụ và trở thành dân phố. Còn số đông khi được gọi tên là dân phố bất đắc dĩ họ thấy buồn, vì chả biết làm gì để có thu nhập ổn định. Những người có sức khỏe tốt đi làm thuê. Còn những người ngoài 50 tuổi, phần do sức khỏe yếu, phần do không quen cảnh làm thuê cơ cực, thì chỉ ăn chơi và sống dựa con cháu cho qua ngày.

Phát triển đô thị nóng, cùng với sự dễ dãi trong điều chỉnh quy hoạch, nhằm đáp ứng tốt theo yêu cầu của nhà thầu, nhiều dự án sau nhiều lần điều chỉnh bổ sung quy hoạch cục bộ, không còn cả quỹ đất công cộng để xây nhà văn hóa, trường học, dẫn đến thiếu các tiện ích xã hội.

100% các dự án được báo cáo với Thanh tra Chính phủ năm 2019, đều được thực hiện điều chỉnh quy hoạch không chỉ 1, 2 lần; có dự án điều chỉnh lên đến hàng chục lần. Nhưng đến giữa năm 2021, con số khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã hoàn tất việc quyết toán lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay…

164-1626680152.jpeg

Có một điều lạ, tại Dự án khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên đã bỏ hoang hóa suốt 2 nhiệm kỳ vừa qua. Ảnh: VB.

Chính vì phát triển Khu dân cư với cốt lõi là để Thành phố có thu ngân sách, doanh nghiệp sớm đổi đời, nên các khu dân cư cơ bản vẫn manh mún, có kết nối hạ tầng kém, thậm trí thiếu cảnh quan, không gian sinh thái, đặc biệt những vùng đất trồng lúa màu trũng thấp, rồi số ít đất ao chuôm để chứa nước mưa lớn cục bộ, nhằm chống ngập lụt đường phố như trước đây, về cơ bản đã quy hoạch cho lấp đất để tăng diện tích đất ở, tăng hiệu quả cho nhà đầu tư.

Nên cứ động có mưa lớn là ngập lụt cục bộ tại nhiều khu dân cư, biến các trục đường phố lớn tại Trung tâm có lượng nước chảy như dòng sông mùa lũ, đã từng gây thiệt hại đau lòng cả về người và tài sản trong thời gian qua.

Khởi đầu nhiệm kỳ mới 2021-2025, đã được bắt đầu bằng việc khẩn trương san lấp gần 20 ha đất lúa, màu tại phường Túc Duyên thành phố Thái Nguyên để làm Khu dân cư mới. Việc thu hồi đất lúa, đất màu làm khu dân cư nếu tiếp tục được tăng tốc, để rồi phân lô vụn vặt như thời gian qua, thì quỹ đất sản xuất nông nghiệp của thành phố Thái Nguyên vẫn bị mất, nhưng chưa biết khi nào mới có Khu dân cư hoàn chỉnh, đồng bộ, để đáp ứng nhu cầu chỗ ở tốt và tiện nghi hơn cho cư dân thành phố.

Dự kiến đến năm 2025 tỉnh Thái Nguyên có nhu cầu hơn 7,4 nghìn ha đất chuyển đổi mục đích làm dự án dân cư và nhà ở. Riêng trong năm 2021, dự kiến có 3.979,43ha đất dành cho thực hiện mới dự án nhà ở, khu đô thị; chưa kể khoảng 55ha dành cho thực hiện các dự án tái định cư…

Chúng ta đều nhận thức được, đất đai không phải là tài nguyên vô tận, nhất là quỹ đất sản xuất nông lâm nghiệp. Đã đến lúc tỉnh Thái Nguyên cần có đánh giá nghiêm túc về mặt chiến lược nhà ở cho cư dân thành phố, nhằm tạo ra cơ hội tốt cho những nhà đầu tư lớn, có tầm nhìn chiến lược, để thành phố Thái Nguyên nhanh có cơ hội trở thành thành phố xanh, sạch đẹp xứng tầm là thành phố vệ tinh của vùng Thủ Đô hôm nay, cửa ngõ vùng chiến khu Việt Bắc năm xưa.

 

Theo Việt Bắc/Nông nghiệp
Bạn đang đọc bài viết "Thu hồi đất nông lâm nghiệp để 'phân lô, bán nền'?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.