Thu hồi đất kiểu 'đánh úp' ở Tây Ninh?

11/03/2021 17:06

Dù hợp đồng cho thuê đất giữa Nông trường Cao su Bời Lời (NTCSBL) tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh với các hộ dân trồng cao su có thời hạn đến năm 2043, nhưng nay UBND thị xã Trảng Bàng vẫn quyết định thu hồi đất của các nông hộ vì cho rằng, hợp đồng trên sai quy định.

Dù hợp đồng cho thuê đất giữa Nông trường Cao su Bời Lời (NTCSBL) tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh với các hộ dân trồng cao su có thời hạn đến năm 2043, nhưng nay UBND thị xã Trảng Bàng vẫn quyết định thu hồi đất của các nông hộ vì cho rằng, hợp đồng trên sai quy định.

Khu đất trồng cao su bị tỉnh Tây Ninh thu hồi)

Nguy cơ “tán gia bại sản”

Cách đây 22 năm, hưởng ứng chủ trương cho phép người dân khai hoang và thuê đất trồng cao su, nhiều hộ dân đã ký hợp đồng kinh tế trồng cao su với NTCSBL tại địa bàn huyện Trảng Bàng. Sau khi ký hợp đồng, những hộ dân này đã bỏ vốn đầu tư cải tạo đất để trồng cao su với thời gian hợp đồng đến hết năm 2043. Sau nhiều năm nỗ lực chăm sóc, hàng chục hộ dân đã trồng được hơn 149ha cao su xanh tốt.

Tuy nhiên, đầu năm 2010, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Trảng Bàng đã yêu cầu các hộ dân ký lại Hợp đồng thuê đất với UBND huyện Trảng Bàng chỉ với thời hạn 25 năm (1992-2017) và nay là thu hồi đất.

Bà Huỳnh Thị Lan Phương, người đã trồng gần 55ha cao su cho rằng, căn cứ vào các hợp đồng đã ký kết, thì khu đất này đã được NTCSBL giao cho hộ của bà khai hoang đất nông lâm trường để trồng trọt và quản lý, khai thác cao su thu lợi nhuận trong vòng 50 năm. “Gia đình tôi đang trồng và thu hoạch cao su hằng năm, đóng thuế theo quy định và thanh toán đầy đủ các khoản phí theo cam kết ghi trong hợp đồng với NTCSBL” - bà Phương cho biết.

Đầu tháng 12/2020, UBND thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã gửi thông báo về việc thu hồi gần 55ha đất trồng cây cao su với hộ của bà Huỳnh Thị Lan Phương. Theo đó, lý do thu hồi đất là hợp đồng kinh tế giữa NTCSBL và bà Phương có nội dung giao đất để trồng cao su thời hạn 50 năm không đúng thẩm quyền, thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm C khoản 1 điều 64 Luật Đất đai năm 2013. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, bà Lan Phương có trách nhiệm thu dọn nhà cửa, vật kiến trúc và thanh lý tài sản để giao cho UBND thị xã Trảng Bàng theo quy định.

Cùng cảnh ngộ, bà Bùi Thị Huệ (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TPHCM) nói: “Năm 2017, huyện thông báo thu hồi 10 ha đất mà tôi và những người khác đã góp tiền mua (đất này thuộc sự quản lý của NTCSBL) để trồng cây cao su đến thời hạn 2043. Dù thấy vô lý, nhưng chúng tôi buộc lòng phải thanh lý cây cao su và xin phía huyện cho trồng cây mì ngắn hạn để tạm sống. Thế nhưng, lãnh đạo huyện cũng không cho. Bây giờ, nếu huyện  chính thức thu hồi thì bồi thường hợp đồng còn lại cho tôi, là 22 năm sao cho thỏa đáng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi nhiều hộ dân khác ký hợp đồng trồng cao su với NTCSBL cũng “trở tay không kịp” khi rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo nông dân ở đây, họ đã bỏ rất nhiều tiền, công sức đầu tư trồng cây cao su theo hợp đồng đến hơn 20 năm nữa, nhưng nay bị thu hồi “ngang” như vậy khiến họ tán gia bại sản.

Bỏ ngỏ quyền lợi?

Theo bà Lan Phương, việc UBND huyện Trảng Bàng cho rằng, NTCSBL làm sai nên thu hồi đất của dân là “chưa thấu tình đạt lý”. Việc để đơn vị được cơ quan Nhà nước giao làm sai nhưng dân phải gánh chịu hậu quả là không thuyết phục.

“Từ cuối năm 1989, đầu năm 1990,  thời điểm ấy không ai muốn đầu tư vào khu đất này vì lúc đó khu đất đầy bom mìn và cây cỏ um tùm. NTCSBL mời gọi chúng tôi bỏ vốn khai hoang và đầu tư với hợp đồng khai thác 50 năm. Người dân bỏ rất nhiều tiền của, công sức đầu tư như thế mà chính quyền ra thông báo chỉ trong vòng 1 tháng sẽ tiến hành thu hồi đất, trong khi chưa đưa ra phương án bồi thường  là thiếu thấu tình đạt lý”, bà Phương bức xúc.

Ông Nguyễn Quang Bội (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TPHCM) đặt vấn đề: “Hưởng ứng chủ trương cho phép người dân khai hoang và thuê đất trồng cao su, tôi đã bán hết tài sản, vay mượn thêm để đầu tư trồng cao su trên NTCSBL. Kể cả việc năm 2010 tôi mua thêm 2ha đất trong khu đất thuộc NTCSBL với giá lên tới 570 triệu đồng (có xác nhận của UBND xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng). Nay chính quyền thu hồi đất kiểu này khiến gia đình tôi khó càng thêm khổ.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, các hộ dân cho biết họ luôn sẵn sàng chấp hành mọi chủ trương của Nhà nước. Nếu chính quyền địa phương cương quyết thu hồi đất thì cần giải quyết thỏa đáng mức độ đền bù cho người dân. Trong khi đó từ ngày 5/3, phóng viên đã liên hệ để được làm việc với UBND huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) về nội dung này nhưng chưa được hồi âm.

Theo Uyên Phương/Tiền phong

Bạn đang đọc bài viết "Thu hồi đất kiểu 'đánh úp' ở Tây Ninh?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.