Ngay khi thông tin thành lập thành phố Thủ Đức được công bố, cơn sốt giá nhà đất đã bùng phát. Dịch vụ môi giới nhà đất bung ra hoạt động mạnh. Khắp các con đường, các quán cà phê ở quận Thủ Đức, quận 9... đâu đâu cũng đều bàn tán chuyện săn lùng nhà đất đón đầu việc thành lập thành phố.
Ngày 24/12, tiếp chúng tôi tại một quán cà phê trên đường Võ Văn Ngân (Thủ Đức), một thanh niên tên Tú, tay lăm lăm cây bút đỏ, vừa vạch một vòng tròn bao quanh địa giới thành phố Thủ Đức vừa nói, nhà đất ở khu vực này đang lên cơn sốt. “Năm nay có dịch COVID-19 nhưng anh em “cò” đất ở khu vực này vẫn làm ăn được. Tết năm nay vẫn “ấm” anh ơi”, Tú nói.
Giá tăng chóng mặt
Dẫn chúng tôi đi xem một căn nhà phố 100m2 trên đường Đặng Văn Bi, Tú nói trước đây căn nhà này có giá 7 tỷ đồng. Nay căn nhà trên được rao bán với giá 11 tỷ đồng. Tú dẫn chúng tôi đến một căn nhà khác, trong hẻm thuộc khu vực phường Trường Thọ. Căn nhà này được rao bán với mức giá 75-80 triệu/m2. Tú nói, giới đầu cơ nhà đất đã ráo riết săn lùng các khu đất, căn hộ, nhà phố để chờ thời bán lại. Khu vực này, giờ kiếm nhà dưới 70 triệu/m2 là điều không dễ.
Dọc đường Tam Đa (quận 9) mọc lên nhiều điểm môi giới nhà đất, từ quán cà phê cho đến các bãi đất trống ven đường, dựng lên các biển rao bán sơ sài. Khu vực này chủ yếu là đất nông nghiệp, đất trồng cây hàng năm, ao hồ… nhưng đang được giao dịch 20-25 triệu đồng/m2, trong khi giá ở thời điểm 2019 chỉ 10-15 triệu đồng/m2.
Theo khảo sát của trang gachvang.com, giá đất đường Linh Đông, đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) 54,9 triệu đồng/m2 - 86,8 triệu đồng/m2, trong khi giá đất khu vực này trước thời điểm có đề án thành phố Thủ Đức lần lượt dao động từ 45-50 triệu đồng/m2 và 80-83 triệu đồng/m2.
Tương tự, giá đất đường Lò Lu (quận 9) có giá 40-42 triệu đồng/m2 trong khi từ đầu năm 2020 chỉ có giá 30-35 triệu đồng/m2, đường Nguyễn Duy Trinh (phường Bình Trưng Đông, quận 2) có giá từ 65-70 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 6 tháng chỉ dao động từ 50-55 triệu đồng/m2…
Không chỉ nhà phố hay đất nền, căn hộ ở thành phố Thủ Đức cũng tăng giá mạnh. Dữ liệu của batdongsan.com.vn cho thấy, giai đoạn từ quý I/2017 đến hết quý IV/2019, giá căn hộ được chào bán tại ba quận 2, 9 và Thủ Đức tăng mạnh nhất thị trường TPHCM. Ở quý I/2017, giá bán căn hộ trung bình tại khu vực này vào khoảng 29 triệu đồng/m2. Con số này tăng lên 38 triệu đồng/m2 vào quý IV/2018 và tiệm cận 41 triệu đồng/m2 vào quý cuối năm 2019. Giá bán căn hộ bình quân tăng gần 45% trong ba năm.
Coi chừng sập bẫy
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Công ty CP DKRA Việt Nam cho rằng, việc thành lập thành phố Thủ Đức đang giúp thị trường bất động sản khu vực này nóng lên. Nhiều chủ đầu tư tận dụng thông tin trên làm lợi thế gia tăng quảng cáo, thu hút người mua, nhiều dự án nhờ vậy cũng tranh thủ đẩy mặt bằng giá lên một mức mới.
Tuy nhiên, ông Hoàng cảnh báo, nếu không có quy hoạch cụ thể, nơi đây sẽ trở thành một khu đô thị của những người có điều kiện tài chính với giá bất động sản quá cao so với mặt bằng chung của TPHCM. Hiện tại không thể tìm thấy một dự án căn hộ giá dưới 40 triệu đồng/m2 tại đây. Người mua nhà ở vừa túi tiền và nhà ở lần đầu khó có thể chen chân vào khu vực này.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng nhận định việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ tạo cú hích lớn cho thị trường địa ốc. Tuy nhiên, ông Khương cảnh báo xây dựng thành phố Thủ Đức là câu chuyện của 20-30 năm sau và phải qua nhiều đời lãnh đạo, đòi hỏi mang tính kế thừa và xuyên suốt. Nếu không làm được điều này chắc chắn sẽ xuất hiện những khó khăn cho người làm kinh doanh ở mỗi thời điểm khác nhau.
Ngoài ra, kinh tế đô thị cũng là một bài toán lớn. Phải làm sao để người dân tập trung về đây có thể sống và làm việc, chứ không phải cứ đổi tên thì nơi đó sẽ trở thành một đô thị. Đô thị đó phải giải quyết được bài toán công ăn việc làm, an cư xã hội cũng như đảm bảo được tính liên kết vùng giữa thành phố Thủ Đức và các tỉnh lân cận.