Thị trường chứng khoán điều chỉnh, nhiều cổ phiếu bất động sản đi ngược

28/04/2020 16:00

Dòng tiền vẫn đổ vào một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ bất chấp diễn biến thị trường chung không được tích cực.

Dòng tiền vẫn đổ vào một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ bất chấp diễn biến thị trường chung không được tích cực.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi động phiên giao dịch đầu tuần mới với diễn biến khá tích cực khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số bị chặn đứng ngay sau đó khi áp lực bán gia tăng đáng kể. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm trở lại 5,89 điểm (-0,76%) xuống còn 770,77 điểm. Toàn sàn có 186 mã tăng, 175 mã giảm và 55 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,63%) xuống 106,3 điểm. Toàn sàn có 90 mã tăng, 67 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index đi ngược xu hướng chung khi tăng 0,31 điểm (0,6%) lên 51,97 điểm.

Khá nhiều cổ phiếu lớn đã điều chỉnh mạnh trong phiên hôm nay và tạo áp lực lên thị trường chung. Trong đó, VCB giảm 3%, HVN giảm 2,9%, PNJ giảm 2,5%, BID giảm 2,5%. Chiều ngược lại, đà tăng được duy trì tốt trên một số mã xây dựng và vật liệu xây dựng như CTD, HBC, VCS, VGC hay HSG. Trong đó, CTD tăng đến 5,6%, HBC tăng 4,6%, VGC tăng 3%.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản sự điều chỉnh cũng đã diễn ra ở nhiều mã trong đó có cả bộ 3 cổ phiếu họ “Vin”là VIC, VHM và VRE. VIC phiên hôm nay giảm 1,1% xuống 92.000 đồng/cp, VHM giảm 0,8% xuống 64.500 đồng/cp, còn VRE giảm 2,1% xuống 23.500 đồng/cp. Bên cạnh đó, khá nhiều cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ giảm sâu, trong đó, PVL, HU6, E29 và BII giảm sàn. IDJ cũng giảm đến 3,8%, OGC giảm 3,7%...

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 27/4. Nguồn: VDSC.

Dù vậy, sự phân hóa diễn ra vẫn khá rõ nét khi vẫn còn rất nhiều cổ phiếu chứng khoán tăng giá, thậm chí còn được kéo lên mức giá trần như PFL, SNZ, HD8, UNI, TIP, SII, D2D, SZL, KBC, ITA hay CLG. Trong đó, ITA và KBC khớp lệnh rất mạnh với lần lượt 11,7 triệu cổ phiếu và 5,7 triệu cổ phiếu. Ngoài ra còn phải kể đến mức tăng mạnh của các cổ phiếu như LGL (5,8%), LHG (5,7%), NVT (4,8%), SCR (4,3%), NTL (3,3%), HDC (3,1%)…

Thanh khoản thị trường ở mức tương đương so với phiên trước, tổng khối lượng giao dịch trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đạt 367 triệu cổ phiếu, trị giá 5.300 tỷ đồng. Bên cạnh ITA thì nhóm bất động sản còn đóng góp 2 mã khác trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường là AMD và FLC, trong đó, AMD khớp lệnh 11,7 triệu cổ phiếu, còn FLC khớp lệnh 6,5 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại giao dịch vẫn theo xu hướng tiêu cực với giá trị là 470 tỷ đồng (tăng 22%) so với phiên cuối tuần trước. Riêng sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 463 tỷ đồng (tăng 34,1% so với phiên trước), đây cũng là phiên bán ròng thứ 20 của khối ngoại sàn HoSE với tổng giá trị 6.200 tỷ đồng.

VRE và DXG là 2 cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị lần lượt 58 tỷ đồng và 14 tỷ đồng. Trong khi đó, 2 cổ phiếu họ “Vin” là VHM và VIC đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại, trong đó, VHM được mua ròng 9,6 tỷ đồng và VIC được mua ròng 9 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 kỳ hạn tháng 5 giảm nhẹ hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức basis âm xuống thành 27,16 điểm, vẫn cho thấy một sự tiêu cực của nhà đầu tư đối với xu hướng thị trường. 

Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 27/4, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc và giằng co với biên độ trong khoảng 750 - 790 điểm (MA20 - 50) trong giai đoạn trước nghỉ lễ. 

Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể bán ra nếu như VN-Index có nhịp tăng lên vùng kháng cự 780 - 800 điểm. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh 750 điểm (MA20) để bắt đáy một phần tỷ trọng.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,7%, Kospi của Hàn Quốc tăng 1,8%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,2% và 0,06%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1,9%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 1,4%, SET 50 của Thái Lan tăng 0,6%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 0,4% và KLCI của Malaysia tăng 0,02%. ASX 200 của Australia tăng 1,5% nhưng NZX 50 của New Zealand giảm 0,2%.

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Thị trường chứng khoán điều chỉnh, nhiều cổ phiếu bất động sản đi ngược" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.