Thị trường bất động sản đã sôi động trở lại hay chỉ là “lời đồn”?

22/09/2020 09:45

Thị trường bất động sản đã hồi phục và bắt đầu sôi động trở lại. Giới chuyên gia dự báo từ giờ đến cuối năm là thời điểm vào “mùa” của bất động sản.

Thị trường bất động sản đã hồi phục và bắt đầu sôi động trở lại. Giới chuyên gia dự báo từ giờ đến cuối năm là thời điểm vào “mùa” của bất động sản.

Nhiều dự án sẵn sàng bung hàng

Đã khoảng 2 tuần, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới ngoài cộng đồng. Nhịp sống dần trở lại bình thường. Thị trường bất động sản đã sẵn sàng đón loạt nguồn cung mới tung hàng giai đoạn này.

Cụ thể, tại Hà Nội, đầu quý IV/2020, Him Lam Land sẽ tung ra thị trường dự án Him Lam Vạn Phúc với quy mô 222 căn shophouse nằm trên mặt phố Nguyễn Thanh Bình (Tố Hữu, Vạn Phúc, Hà Đông). Được biết, các sản phẩm tại dự án đã xây dựng gần như xong mới được tung ra thị trường.

Đối với Vingroup, tập đoàn này sẽ ra mắt dự án Vinhomes Wonder Park Đan Phượng vào cuối năm 2020 với các sản phẩm shophouse, liền kề, biệt thự. Hiện dự án này mới đang trong giai đoạn hoàn thiện giấy tờ và chưa được xây dựng.

Cùng với 2 ông lớn này, các đơn vị nghiên cứu thị trường dự báo giai đoạn cuối năm khu vực Hoài Đức, Hà Đông, Hoàng Mai… sẽ đón thêm các sản phẩm liền kề, biệt thự và thêm một số sản phẩm từ các dự án cũ hiện hữu.

Trong tương lai 3 - 5 năm tới, thị trường sẽ đón nhận thêm một số dự án quy mô lớn được ra mắt trong thời gian tới như Sumitor Smart City Đông Anh, Xuân Mai Smart City Chương Mỹ hay Vinhomes Hoà Lạc.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: “Với tình hình thị trường cũng như tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng như thời điểm hiện tại, cùng dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư, thị trường nhà ở thấp tầng tại Hà Nội sẽ còn sôi động và phát triển bùng nổ hơn nữa trong thời gian tới”.

Cùng quan điểm với ông Đính, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù đại dịch khiến nền kinh tế phát triển chậm lại và gia tăng sự thận trọng của người mua, nhưng với sự khan hiếm nguồn cung cùng quỹ đất trung tâm, phân khúc nhà liền đất tại các đô thị lớn sẽ phục hồi vào cuối năm 2020. Đặc biệt, thị trường sẽ chứng kiến đợt tăng giá mới từ các dự án hiện hữu trên thị trường.

Thị trường bất động sản đã sẵn sàng đón hàng loạt nguồn cung mới.

Còn tại TP.HCM, đơn vị nghiên cứu thị trường DKRA nhận định, trong tháng 9, nguồn cung căn hộ mới có thể sẽ tăng nhẹ, sức cầu chung toàn thị trường có thể sẽ tăng nhưng khó có sự đột biến. Một số điểm sáng tích cực của thị trường như đợt bùng phát dịch trở lại ở TP.HCM cơ bản được kiểm soát, lệnh hạn chế tập trung được dỡ bỏ; các chủ đầu tư đưa sản phẩm ra thị trường nhằm tranh thủ làn sóng khách hàng có nhu cầu tìm mua nhà vào dịp cuối năm.

Với nhà phố, biệt thự, DKRA cho biết nhiều dự án đang trong giai đoạn truyền thông, dự kiến khi lệnh hạn chế tập trung đông người được gỡ bỏ, nguồn cung và tiêu thụ sẽ tăng, tuy nhiên mức tăng không đáng kể.

Đáng chú ý, tại một báo cáo mới phát hành của Hãng tư vấn toàn cầu McKinsey (MGI) khẳng định “kẻ phá bĩnh” Covid-19 đã thành công bước đầu trong “trấn áp” các ngành kinh tế cơ bản tại mọi nền kinh tế lớn nhất như hàng không, du lịch, bán lẻ phi thực phẩm, sản xuất, chăm sóc sức khỏe.

Song, bất động sản thuộc nhóm ngành bị ảnh hưởng ít hơn cả về sức cầu và nguy cơ rủi ro tài chính. Nếu coi ngưỡng rủi ro về tài chính như là một dấu hiệu của khả năng phục hồi thì ngành bất động sản toàn cầu đang nằm trong nhóm số ít ngành đứng vị trí sát nhất với “đường biên phục hồi”.

Điều thú vị ở chỗ, các luận điểm của McKinsey khá tương thích với tình hình tại Việt Nam. Thị trường bất động sản tại nền kinh tế hơn 96 triệu dân, theo những đánh giá ban đầu, cũng thuộc nhóm ít chịu ảnh hưởng hơn đại dịch.

Đặc biệt, các dự án chọn lọc, được thực hiện bởi chuỗi sinh thái gồm chủ đầu tư hàng đầu thị trường, các công ty xây dựng, công ty vật liệu xây dựng uy tín, hướng tới phân khúc khách hàng có nhu cầu ở thực sự và khả năng thanh toán tốt hơn, vẫn đang hoạt động hiệu quả. Điển hình là một số doanh nghiệp lớn trên sàn giao dịch chứng khoán như Vinhomes, Novaland,…

Bất động sản nghỉ dưỡng đã có điểm sáng

Với quyết định mở cửa lại một số đường bay quốc tế mới đây, các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng du lịch, nghỉ dưỡng sẽ phục hồi, kéo theo đó bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ tăng trưởng trở lại sau nhiều quý liên tiếp tuột dốc.

Nói về tâm điểm trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng từ nay đến cuối năm, theo đánh giá của các chuyên gia, những thị trường lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh sẽ không có nhiều đột biến. Tuy nhiên, những vùng đất mới nơi đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ từ hạ tầng giao thông sẽ bứt phá mạnh mẽ.

Bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ tăng trưởng trở lại sau nhiều quý liên tiếp tuột dốc.

Đặc biệt, tại các thị trường mới nổi như Bình Thuận, Phú Yên, Đà Lạt… bất động sản nghỉ dưỡng vẫn túc tắc giao dịch và ghi nhận thanh khoản dù không quá sôi động. Đáng chú ý, condotel tại các thị trường này không ghi nhận hiện tượng giảm giá, cắt lỗ nhiều như các thị trường truyền thống. Nguyên nhân theo các môi giới, condotel tại các thị trường mới nổi có mức giá khá mềm, từ 500 triệu đồng/căn, thấp hơn khá nhiều so với mức giá trung bình phổ biến từ 1,5 - 4 tỷ đồng/căn tại các thị trường truyền thống. Do suất đầu tư nhỏ nên nhiều nhà đầu tư không quá áp lực nếu sử dụng đòn bẩy tài chính nên không xuất hiện tình trạng cắt lỗ ồ ạt.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương khẳng định: “Ngành du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn còn những nền tảng cơ bản có thể hỗ trợ quá trình phục hồi, đó là nguồn cầu du lịch nội địa có thể cải thiện khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nhiều dự án nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã tồn đọng rất nhiều vấn đề liên quan đến quá trình vận hành kém hiệu quả từ trước khi có sự xuất hiện của đại dịch.

Đại dịch Covid-19 không chỉ mang đến khó khăn, thách thức mà còn mở ra cơ hội để chủ khách sạn, resort đánh giá lại chất lượng sản phẩm, đội ngũ nhân sự, tiến hành tái cấu trúc toàn diện, trong đó có cả việc cơ cấu lại dòng vốn. Đây là thời gian quan trọng để các chủ dự án nghỉ dưỡng điều chỉnh chiến lược, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn mới khi các tín hiệu phục hồi xuất hiện”.

Thực tế, không ít những chủ khách sạn đang cố gắng cầm cự, ngóng ngày đón được khách nước ngoài. Lúc này, các doanh nghiệp đang tự quảng bá sản phẩm, dịch vụ chất lượng, sự an toàn của chính mình.

Bà Đặng Phương Hằng, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam cũng khẳng định: “Phân khúc được kỳ vọng sẽ dẫn dắt giai đoạn đầu của quá trình hồi phục là du lịch nghỉ dưỡng. Cùng với đó, du lịch theo hình thức doanh nghiệp và du lịch đại trà (mass tourism) có thể sẽ tiếp tục sôi động trở lại trong năm 2021.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư trên thị trường cũng đang tìm kiếm cơ hội chuyển đổi khách sạn thành các mô hình chia sẻ không gian sống chung “co-living” nhằm tối ưu hóa hoạt động và lợi nhuận cho thuê”.

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Thị trường bất động sản đã sôi động trở lại hay chỉ là “lời đồn”?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.