OCB sẽ phát hành gần 685 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 50%, tức mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được một quyền, cứ 2 quyền sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới. Nguồn vốn sử dụng từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Thời gian thực hiện trong năm 2023, căn cứ theo sự chấp thuận của Ngân hàng nhà nước (NHNN) và sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần của OCB.
Kế hoạch phát hành cổ phiếu này cũng đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua ngày 28/4. Nếu thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo OCB, việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định. OCB sẽ sử dụng vốn huy động được bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (khoảng 6.176 tỷ đồng), còn lại để nâng cấp tài sản, trang bị tài sản cố định, đầu tư công nghệ thông tin...
Dựa trên kế hoạch tăng vốn này, OCB đặt ra mục tiêu kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo chiến lược 5 năm 2021-2025. Dự kiến tổng tài sản đến cuối năm sẽ tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng.
Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173.087 tỷ đồng; Dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 147.330 tỷ đồng, được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 11/5, cổ phiếu OCB đóng cửa ở giá 16.500 đồng/cổ phiếu, tăng 1,54%. Tuy nhiên tạm kết phiên sáng 12/5, cổ phiếu ngân hàng này đang dừng ở mức 15.450 đồng/cổ, giảm 0,3%.