Mới đây, Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng bắt tạm giam bị can Đinh Tiến Sử - Giám đốc công ty Bạch Việt, chủ đầu tư dự án căn hộ khách sạn Bavico Nha Trang về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Năm 2015, hàng trăm khách hàng đã bỏ tiền tỷ mua căn hộ du lịch tại dự án Bavico Nha Trang. Giá mua thời điểm đó dao động từ 1 tỷ đến hơn 2 tỷ đồng/căn hộ tùy diện tích.
Trong hợp đồng mua bán, ông Đinh Tiến Sử cam kết, sau khi khách hàng mua căn hộ sẽ giao lại cho công ty kinh doanh và lợi nhuận hàng năm thu được từ việc cho thuê là 15%/tổng giá trị căn hộ. Nếu công ty chậm trả lợi nhuận sẽ chịu phạt lãi 0,2%/ngày.
Dù được chủ đầu tư cam kết lợi nhuận lên tới 15%/năm nhưng thực tế mức lợi nhuận này khách hàng chỉ nhận được trong vài tháng đầu, sau đó chủ đầu tư xin giảm xuống 8%/năm, sau đó ngay cả cam kết 8%/năm cũng không trả được và cuối cùng là vỡ trận.
Ngày 20/8, nhóm khách hàng từ Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Vũng Tàu… mua căn hộ condotel Bavico đã đến khách sạn này để đòi nợ và trả lại condotel cho chủ đầu tư. Sau đó, nhóm khách hàng tại đây mới vỡ lẽ, khi bán căn hộ du lịch này, chủ đầu tư không thực hiện việc xuất hóa đơn đỏ cho khách hàng, một căn hộ du lịch được bán cho nhiều người.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn, dự án khách sạn Bavico được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 3.000m2, khu đất thuộc quản lý của quân khu 5. Đây là đất công ty Bạch Việt thuê của quân khu 5, do đó công ty Bạch Việt không được phép mua bán căn hộ du lịch trên đất Quốc phòng.
Sự việc chưa kịp lắng xuống thì tại một dự án condotel khác, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây Dựng Thành Đô đã phát đi thông báo gửi hàng ngàn khách hàng cho biết sẽ chấm dứt việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng khi mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Công ty chỉ chịu trách nhiệm với các khoản lợi nhuận như đã cam kết đến hết ngày 31/12/2019 cho các chủ sở hữu condotel.
Còn tại dự án Aloha Beach Village do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Việt Úc làm chủ đầu tư, dù được giới thiệu ra thị trường từ năm 2016, thế nhưng những lùm xùm liên quan đến đơn vị phân phối, môi giới đã khiến cho dự án này chưa thể đưa vào khai thác như dự kiến. Và mức chi trả lợi nhuận 10% như cam kết của chủ đầu tư vẫn đang còn là một câu hỏi đối với khách hàng.
Ông Đặng Văn Quang - Chuyên gia tài chính cho rằng, cam kết lợi nhuận cao đến 12 – 15% một năm với hàng nghìn căn hộ đưa ra thị trường đã cho thấy dần hình thành dấu hiệu của mô hình Ponzi trong bất động sản.
Mô hình Ponzi là một hình thức đầu tư hoạt động theo cách lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước. Điểm mấu chốt là những người đến sau cùng sẽ thường không nhận được một xu nào cả. Do vậy, số lượng bán càng về sau càng phải nhiều hơn thời gian trước và mô hình này sẽ sụp đổ khi gặp khó khăn hoặc không thể thu hút được thêm các nhà đầu tư mới.
Theo LS Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP Hà Nội, có 3 phương án để "giải thoát" cho tình trạng bế tắc của condotel tại Việt Nam hiện nay.
Một là chính quyền xem xét dự án nào nằm trong khu vực có thể điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi thành đất ở thì chuyển và buộc chủ dự án phải nộp thêm tiền sử dụng đất cho Nhà nước chứ không phải thu thêm tiền của người mua căn hộ.
Trường hợp điển hình là dự án Cocobay Đà Nẵng hiện nay đã chuyển đổi hàng nghìn căn hộ khách sạn thành chung cư. Khách hàng sẽ phải nộp thêm phí chuyển đổi dự kiến là 15% trên giá gốc để sở hữu căn hộ.
Giải pháp 2, nếu tiếp tục là khách sạn thì phải chuyển đổi hợp đồng mua bán thành hợp đồng thuê căn hộ theo vòng đời dự án.
Giải pháp 3 là chủ căn hộ kiện chủ đầu tư dự án ra tòa yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu do giao dịch lừa dối và nhầm lẫn. Chủ đầu tư dự án phải trả tiền lại cho người mua căn hộ và lấy lại căn hộ đó để kinh doanh khách sạn.
"Nếu thấy thiệt hại do chủ trương của bên cho thực hiện dự án gây ra thì chủ dự án làm việc với chủ thể đó và không thỏa thuận được thì phải kiện ra tòa để xử lý" - Luật sư Tú cho biết.