Thành viên BIM Group muốn “lấy” hơn 12ha rừng Vườn Quốc gia Núi Chúa làm khu nghỉ dưỡng?

23/09/2023 07:50

Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy do Syrena Việt Nam - Thành viên Tập đoàn BIM Group làm chủ đầu tư có quy mô khoảng 65 ha với tổng vốn 1.600 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 12ha thuộc quy hoạch rừng đặc dụng và gây ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam với nhiều loài động – thực vật quý hiếm cần bảo tồn.

Công ty CP Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam (đường Hoàng Quốc Việt, Phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh) – đơn vị thành viên của BIM Group đang tiến hành công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận.

Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015, đến tháng ngày 7/1/2022 UBND tỉnh đã lý Quyết định số 18/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 với diện tích sử dụng đất là 64,65ha.

Dự án có tứ cận: phía Bắc giáp đường ven biển Bình Tiên – Vĩnh Hy (đường tỉnh 702); phía Nam và Tây giáp Núi Chúa; phía Đông giáp quy hoạch khu du lịch Bãi Cóc trong và Bãi Cóc ngoài. Tổng mức đầu tư của Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy là 1.600 tỷ đồng

Được chia làm 3 khu chính: Khu thứ 1 được bố trí ở phía Tây Bắc, bao gồm cụm công trình dịch vụ đón tiếp (khu lễ tân, nhà hàng và các biệt thự nghỉ dưỡng) và Cụm công trình dịch vụ phụ trợ (khu phụ trợ và nhân viên, khu sân tennis, nhà thay đồ và bãi đỗ xe); Khu 2 được bố trí ở phía Nam khu đất quy hoạch, bao gồm cụm công trình dịch vụ trên núi (câu lạc bộ, bể bơi, khu tập thể hình, nhà hàng đặc sản) và cụm biệt thự cao cấp; Khu 3 được bố trí ở phía Đông khu đất, gồm khu spa và hệ thống các hồ trữ nước.

Về tiến độ dự kiến, dự án được triển khai từ năm 2022 – 2025 chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ quý II/2022 – quý III/2023; giai đoạn 2 dự kiến thi công từ quý III/2023.

anh-chup-man-hinh-2023-09-21-luc-30044-ch-1695283269-1695602414.png

Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng dự án Khu nghỉ dưỡng Cao cấp Vĩnh Hy mà thành viên BIM Group muốn “lấy” hơn 12ha rừng Vườn Quốc gia Núi Chúa làm khu nghỉ dưỡng?

Nằm trong khu dự trữ sinh quyển phải bảo tồn

Theo thông tin tìm hiểu, dự án sẽ thuê môi trường rừng để đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái, khai thác hợp lý lợi thế về cảnh quan. Xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn Quốc tế (5 – 6 sao).

Trong cơ cấu sử dụng đất, đất cây xanh rừng tự nhiên sẽ chiếm khoảng 51,8 ha; đất giao thông là 3,6 ha; đất mặt nước là 2,3 ha; các công trình biệt thự nghỉ dưỡng sẽ chiếm 5,6 ha; còn lại là khu dịch vụ với các công trình như sân tennis, spa, nhà hàng…

Qua kết quả đánh giá tác động môi trường, Khu đất thực hiện Dự án thuộc khoảnh 5, tiểu khu 150 có 11,58ha diện tích rừng (rừng tự nhiên 10,60 ha ; rừng trồng 0,98 ha). Là rừng đặc dụng, thuộc phân khu dịch vụ hành chính, do Vườn Quốc gia Núi Chúa quản lý (thể hiện tại Văn bản số 1417/CCKL-QLBVRBTTN ngày 23/08/2016 của Chi cục kiểm lâm – Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận về việc báo cáo kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng khu vực Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận của Công ty Syrena Việt Nam).

anh-chup-man-hinh-2023-09-21-luc-24952-ch-1695282654-1695602414.png

Vị trí dự án mà thành viên BIM Group muốn “lấy” hơn 12ha rừng Vườn Quốc gia Núi Chúa làm khu nghỉ dưỡng

Vì khu vực dự án chủ yếu là rừng thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa, do vậy quá trình thi công sẽ phát sinh các tác động đến đa dạng sinh học của khu vực.

Cụ thể, quá trình thực hiện dự án ảnh hưởng đến 4 loài thực vật có giá trị bảo tồn có tên trong IUCN 2016, Sách đỏ Việt Nam (2007), Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và nằm trong danh mục CITES (2017) gồm Thiên tuế lược; Dây gắm; Lòng mức trái to và xương rồng gai. Ngoài ra có khoảng 311 loài cây có giá trị sử dụng làm thuốc, cho gỗ, làm cảnh, cho tinh dầu, …

Về động vật các loài có giá trị bảo tồn bao gồm Diều hoa miến điện ghi trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ đều ở nhóm IIB (Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại); 5 loài bò sát, lưỡng cư trong Sách Đỏ Việt Nam 2007) gồm nhông Leiolepis guttata, Rắn sọc dưa Elaphe radiata, rắn ráo thường Ptyas korros, rắn cạp nong Bungarus fasciatus, rắn hổ mang thường Naja atra và hai loài có tên trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, đều ở nhóm IIB là rắn sọc dưa Elaphe radiate và rắn cạp nong Bungarus fasciatus.

Bên cạnh đó, khu vực xây dựng dự án có rạn san hô phong phú cùng với các loài thủy sinh đa dạng. Cụ thể, có 333 loài thuộc 57 giống, 14 họ của bộ san hô cứng Scleractinia. Khu vực rạn san hô gần nhất chỉ cách dự án khoảng 150m về phía Nam.

Ngoài ra, báo cáo ĐMT còn ghi nhận ở đây có bãi rùa đẻ. Hơn 3km bờ biển kéo dài từ bãi Ngang đến bãi Móng Tay ở thôn Thái An có quần thể rùa biển lên đẻ trứng – Đây là điểm đang được bảo tồn nghiêm ngặt.

Không chỉ thế trong quá trình thi công, việc phá rừng, đào bới, san lấp, kèm theo tiếng ồn, sự ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí sẽ làm thay đổi đáng kể thành phần loài tại khu vực dự án và lân cận (thường là bị suy giảm vì nhiều loài bị giết hại hoặc phải di chuyển đi nơi khác do sinh cảnh sống của chúng bị xoá sổ hoặc bị xáo trộn, không còn thích hợp để sinh sống).

Việc thi công dự án sẽ làm mất sinh cảnh, gây cản trở sự di chuyển để tìm kiếm thức ăn, bạn tình trong mùa sinh sản, làm đảo lộn các tập tính của các loài động vật bao gồm cả các loài quý hiếm.

Bên cạnh đó, dự án sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến những khu vực như: nghĩa trang của người dân xã Vĩnh Hải (cách 100 mét về phía Đông Bắc); Dân cư khu vực xã Vĩnh Hải, trường mầm non Vĩnh Hải (cách 600 mét về phía Tây); Đồn biên phòng Vĩnh Hy (cách 700 mét về phía Tây) và khu nghỉ dưỡng Amanoi Resort.

Về các địa danh địa lý: cách khoảng 100 m về phía Tây là vịnh Vĩnh Hy, bên cạnh là nơi trú ngụ, tránh bão của tàu cá ngư dân, Cách 1,2 km là suối Lồ Ô. Ngoài ra, hồ Vách Đá cách dự án khoảng 2,5 km về phía Đông Bắc, hồ An Dú cách khoảng 5,6 km về phía Tây Nam.

Tỉnh Ninh Thuận vượt quyền ký dự án thuộc thẩm quyền Chính Phủ?

Tại Báo cáo ĐTM của dự án trích dẫn quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha”.

kinh-nghiem-du-lich-vuon-quoc-gia-nui-chua-2-1695602772.jpg

Năm 2021, khu vực Núi Chúa đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tại Điều 24 Nghị định 156/2018 của Chính phủ về quy định xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ ghi rõ:

– Không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng; các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường; bảo đảm đúng quy định của pháp luật;

– Không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất;

– Chỉ được xây dựng các công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi;

– Chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên rừng trên diện tích tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của chủ rừng;

– Không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử – văn hóa.

Tuy nhiên tại báo cáo ĐTM cho biết, diện tích sử dụng đất của dự án được UBND tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh vào năm 2022 là 64,65ha (tương đương 646.530m2). Trong đó có 1,58ha rừng thuộc quy hoạch rừng đặc dụng do Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa quản lý. Đồng thời, dự án triển khai cũng gây nhiều ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học trong khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị sẽ công khai tham vấn cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận trong thời gian 14 ngày, bắt đầu từ 11/9/2023. Hiện chỉ còn 4 ngày là kết thúc thời gian tham vấn tại địa chỉ website: https://thamvan.monre.gov.vn/?page=5

Khu vực Núi Chúa nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, nằm trong không gian du lịch vịnh Cam Ranh có nhiều lợi thế phát triển. Ngày 01/4/1998 UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 659/QĐ-TH về việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên rừng khô hạn Núi Chúa trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận. Ngày 09/7/2003 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 134/2003/QĐ-TTG phê duyệt chuyển Khu BTTN Núi Chúa thành VQGNC trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

cong-vien-da-2-1695602772.jpg

Núi Chúa được xem là khu vực có nhiều động, thực vật quý hiếm đang nằm trong danh mục cần được bảo tồn.

Năm 2021, khu vực Núi Chúa đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, với diện tích là 106.600 hecta cùng với Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng. Với cả rừng, bán sa mạc, và biển với đặc điểm là vùng khô hạn độc đáo và hiếm có đặc trưng của Việt Nam và Đông Nam Á.

Khu DTSQ Núi Chúa là một vùng rộng lớn cả đất liền và biển, gồm vùng lõi 1 là Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa và vùng lõi 2 là Khu bảo tồn biển Núi Chúa, có diện tích trên 106.646 ha, thực hiện ba chức năng gồm: Bảo tồn; phát triển; hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục và văn hóa. Đây là khu DTSQ duy nhất ở Việt Nam đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới với 54 loài thực vật quý hiếm, 46 loài động vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế như: Voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc, với các dải san hô và là nơi rùa biển hằng năm về đẻ trứng cho một vùng rộng lớn… Các giá trị bảo tồn được đảm bảo trong hệ thống bảo tồn quốc gia với các hoạt động kinh tế xanh như: Chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng, giao đất giao rừng, du lịch sinh thái… Nơi đây còn là trung tâm năng lượng sạch của cả nước.

Theo Nguyễn Chi (t/h)/TTV
Bạn đang đọc bài viết "Thành viên BIM Group muốn “lấy” hơn 12ha rừng Vườn Quốc gia Núi Chúa làm khu nghỉ dưỡng?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.