Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét thu hồi 13 dự án bất động sản tại TP.HCM vì được giao đất khoảng 20 năm nhưng không thực hiện đầu tư.
Không truy thu gần nghìn tỷ tiền thuế đất
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả điều tra, rà soát khoản tiền 935 tỷ đồng tiền sử dụng đất, phạt chậm nộp tiền sử dụng đất TP.HCM kiến nghị miễn giảm, không thu; việc điều chỉnh quy hoạch KĐT phía Nam TP, việc giao đất, tính tiền sử dụng đất và đầu tư xây dựng một số dự án bất động sản tại KĐT phía Nam TP.HCM.
Theo báo cáo, trước đó năm 2011 TTCP đã ban hành kết luận thanh tra số 2889 về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch sử dụng đất, xây dựng và quản lý sử dụng đất tại TP.HCM. Kết luận thanh tra đã yêu cầu các nhà đầu tư phải nộp 935 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền phạt chậm nộp.
Thế nhưng, UBND TP.HCM đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho miễn giảm, không truy thu 935 tỷ đồng tiền đất từ các nhà đầu tư này.
Từ đó đến nay, TTCP đã 3 lần tiến hành kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng thời, Thủ tướng đã tổ chức nhiều cuộc họp nghe TTCP, Bộ Tài chính, Bộ TN-MT, UBND TP.HCM báo cáo về xử lý sau thanh tra về đất đai tại TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm, đặc biệt là xử lý về kinh tế.
Do đó, từ kiến nghị của TPHCM, năm 2020 Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu TTCP phủ phối hợp với các Bộ: Tài chính, TN-MT, Xây dựng và UBND TP HCM lập tổ công tác liên ngành xử lý sau thanh tra để kiểm tra, rà soát lại.Kết quả kiểm tra, rà soát của đoàn công tác liên ngành cho thấy đề xuất miễn, giảm và không truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền đất của UBND TP.HCM là có cơ sở. Vì vậy, TTCP kiến nghị Thủ tướng không truy thu tiền sử dụng đất hơn 708 tỷ đồng đối với 10 dự án bất động sản này.
Theo đó, khoản tiền đất lớn nhất vừa được TTCP kiến nghị không truy thu là 598,5 tỷ đồng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) do Công ty CP đầu tư và phát triển Phú Mỹ làm chủ đầu tư. Theo UBND TP.HCM, tổng số tiền sử dụng đất phải nộp cho toàn bộ dự án khoảng 137,8 tỷ đồng chứ không phải số tiền 598,5 tỷ đồng nêu trong kết luận thanh tra bởi kết luận chưa khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Kết quả rà soát kiểm tra của đoàn liên ngành cho thấy điều đó, do đó kiến nghị điều chỉnh giảm không truy thu 460,7 tỷ đồng tiền đất dự án của UBND TP.HCM là có cơ sở.
Trong nhóm 10 dự án vừa được TTCP kiến nghị Thủ tướng cho miễn truy thu tiền đất có 3 dự án do Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh đầu tư. Đó là các kiến nghị không truy thu 15,8 tỷ đồng tiền sử dụng đất khu tái định cư Phong Phú 4; 140,3 tỷ đồng tiền sử dụng đất khu tái định cư và công trình công cộng - khu số 11 và 528 triệu đồng tiền sử dụng đất để xây dựng trạm xăng thuộc dự án khu dân cư ấp 4, xã Tân Tạo.
TTCP cũng kiến nghị không thu tiền sử dụng đất các dự án khu định cư An Phú Tây của Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn là 27,7 tỷ đồng; khu nhà ở phường Bình Trưng Đông, Cát Lái là 32 tỷ đồng; khu nhà ở cán bộ, công nhân viên tại phường Bình An là 14,2 tỷ đồng; lô đất số 7, khu 6B là 11,6 tỷ đồng; khu nhà ở Phước Long B là 3,6 tỷ đồng…
Ngoài ra, TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng không truy thu số tiền phạt chậm nộp 230,8 tỷ đồng đã nêu trong kết luận thanh tra 2889 vào năm 2011….
Vì sao thanh tra đề xuất thu hồi 13 dự án bất động sản tại TP.HCM?
Theo TTCP, các dự án này được giao đất từ năm 1990 - 2003 nhưng đến nay chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai với Nhà nước, chưa xây dựng dự án.
Đó là các dự án: đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Nam Sài Gòn (10,1ha), khu dân cư Intresco (6,91ha), đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính khu 6B (21,73ha), chung cư tái định cư khu 6B (2,59ha), phát triển nhà ở lô số 3 (2,32ha), phát triển nhà ở lô số 5 (6,73ha).
Dự án khu công viên dịch vụ vui chơi giải trí Hoa Đồng (3,78ha), khu dân cư 9A-2 (19,21ha), khu công viên KH và DC (48,55ha), trung tâm thương mại dịch vụ và bãi đậu xe 194 - khu 9B (2,95ha), khu dân cư Thăng Long (24,79ha), xưởng sản xuất cửa nhựa cao cấp khu 15 (1,08ha)...
Tất cả 13 dự án này đều nằm trong khu đô thị phía Nam TP.HCM. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, kết quả rà soát của đoàn công tác liên ngành mới đây cho thấy hầu hết các dự án đầu tư tại khu đô thị phía Nam TP.HCM không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án.
Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án có sử dụng đất do UBND TP.HCM và Ban quản lý khu Nam chỉ định, chấp thuận địa điểm đầu tư, chấp thuận dự án đầu tư, không có hồ sơ, văn bản thẩm định năng lực của nhà đầu tư.
Thanh tra Chính phủ cho rằng việc đầu tư tràn lan, dàn trải, dẫn đến hiện nay chưa có dự án nào hoàn thành. Hầu hết các dự án được giao đất từ năm 2000 đang trong tình trạng dở dang, chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện đầu tư xây dựng, không bảo đảm tiến độ.
Cũng theo cơ quan thanh tra, đa số dự án tại khu đô thị Nam TP.HCM đều vi phạm về thủ tục đầu tư, các dự án được chấp thuận đầu tư khi chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng.
Việc giao đất thực hiện các dự án đều bằng quyết định giao đất tạm thời của UBND TP.HCM, vi phạm pháp luật về đất đai, hệ quả là nhiều dự án được giao đất từ những năm 2000-2008 nhưng đến nay chưa hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định giao đất chính thức, chưa triển khai đầu tư xây dựng, chưa thu tiền sử dụng đất, gây lãng phí tài nguyên đất, có nguy cơ thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Vì thế, tổ công tác liên ngành gồm đại diện Thanh tra Chính phủ, các bộ Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên - môi trường, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật về đầu tư để lựa chọn đơn vị đủ năng lực làm các dự án.
Có biện pháp thúc đẩy giải phóng mặt bằng, sớm triển khai các dự án, hoàn thành mục tiêu phát triển khu đô thị Nam TP.HCM theo quyết định của Thủ tướng.