Tình trạng Khu công nghiệp nằm xen lẫn, rải rác trong Khu dân cư, không hàng rào che chắn, ranh giới an toàn mong manh, ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự… là vấn đề nhức nhối. Vấn nạn này đang thách thức trách nhiệm của cơ quan chức năng, vì việc di dời hay chuyển đổi hình thức hoạt động của Khu công nghiệp không phải dễ dàng.
[caption id="attachment_64887" align="aligncenter" width="800"] Trục đường chính Tây Thạnh từ cổng Khu công nghiệp Tân Bình dẫn vào trong Khu công nghiệp và Khu dân cư luôn kẹt xe mỗi ngày.[/caption]
Liên quan đến vấn đề khoảng cách an toàn giữa Khu công nghiệp với Khu dân cư, vừa qua Báo điện tử Xây dựng có bài viết: “Thành phố Hồ Chí Minh: Bao giờ hết “nhếch nhác” tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Cụm công nghiệp”. Theo đó, việc quy hoạch về hành lang, hàng rào che chắn, khoảng cách an toàn, điều kiện mảng xanh và vệ sinh môi trường giữa Khu công nghiệp với Khu dân cư không được đảm bảo, luôn rình rập nhiều mối nguy ngại. Trong đó, điển hình là Khu công nghiệp Tân Bình Thành phố Hồ Chí Minh.
Lỗi do quy hoạch?
Khu công nghiệp Tân Bình được thành lập năm 1997, có diện tích đất quy hoạch hơn 128ha. Từ thời gian thành lập đến nay, đã “biến” khu vực này trước đây chỉ là con đường đất đỏ, hẻo lánh, giữa bốn bề trống trải, nay trở thành khu phố sầm uất, dân cư đông đúc, hoạt động tấp nập. Nơi đây còn có 03 Khu dân cư phụ trợ nằm liền kề, tiếp giáp với quận Tân Phú và quận Bình Tân…
Tuy nhiên, nếu Khu dân cư phát triển ổn định là điều đáng mừng trong định hướng phát triển chung của thành phố, nhưng về lâu dài việc quy hoạch một Khu công nghiệp trong lòng thành phố thì đó là điều đáng lo. Vì hiện tại, Khu dân cư nằm xen kẽ trong Khu công nghiệp Tân Bình không chỉ xảy ra nhiều hệ luỵ về môi trường hay ô nhiễm (cả tiếng ồn và khí thải - PV), mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế và đời sống dân sinh.
Trên trục đường Trường Chinh (quận Tân Bình) hướng từ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh về cầu Tham Lương (quận 12), bảng hiệu Khu công nghiệp Tân Bình hiện ra rất rõ. Nhưng khi vào bên trong Khu công nghiệp này thì khó có thể nhận biết đâu là vị trí Khu công nghiệp, đâu là Khu dân cư? Trục đường Tây Thạnh là con đường chính dẫn từ cổng Khu công nghiệp Tân Bình vào, toả đi nhiều hướng trong Khu dân cư, Khu công nghiệp và các khu vực quận, huyện xung quanh… khiến tình trạng ùn tắt, kẹt xe diễn ra liên tục trong nhiều năm qua. Không chỉ vậy, sự mất an toàn về môi trường, khí thải, tiếng ồn đối với Khu dân cư luôn bị ảnh hưởng.
Thực tế cho thấy, ngay từ cổng Khu công nghiệp Tân Bình nhiều Công ty sản xuất lớn nằm xen kẽ nhà dân như công ty Tiến Tuấn, Công ty dầu thực vật…, còn giáp tường rào Công ty dệt may Thành Công là Khu dân cư thuộc phường Tây Thạnh (quận Tân Phú). Tại cổng các Công ty này, người dân bày bán hàng hoá tràn lan, bát nháo. Vào sâu hơn phía trong Khu công nghiệp là một khu chung cư gồm 9 lô và nhiều trường mầm non, tiểu học... Các Công ty sản xuất trong Khu công nghiệp đa số nằm rải rác xen kẽ với nhà dân.
Tiết trời tháng 3 nắng nóng như đổ lửa, có mặt trên địa phận của Khu công nghiệp, qua ghi nhận của Phóng viên báo điện tử Xây dựng vào khoảng 15 giờ chiều, không thuộc giờ cao điểm nhưng từ cổng Khu công nghiệp Tân Bình chạy vào bên trong xe đã kẹt cứng, từng đợt ùn tắc nối dài, khói bụi khắp nơi. Người dân sinh sống xung quanh nơi đây cho biết, nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương về tình trạng này nhưng chưa được khắc phục, đâu vẫn hoàn đấy.
Trước nỗi bức xúc của người dân quanh khu vực này, Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Trần Dũng – tổ trưởng tổ 43 (thuộc khu phố 2, phường Tây Thạnh), ông cho biết, trước đây khu vực Khu công nghiệp này thuộc quận Tân Bình, chỉ có vài chục hộ dân, đất nơi đây chủ yếu trồng lúa, sau khi được Thủ tướng phê duyệt Quyết định thành lập Khu công nghiệp Tân Bình thì những hộ có đất nông nghiệp tại địa bàn này được bồi thường với giá rẻ và kèm thêm một nền đất làm nhà ở ngay trong Khu công nghiệp. Còn những hộ dân thuộc đất ở (khoảng 30 hộ) thì chủ đầu tư Khu công nghiệp để lại, chưa giải tỏa đền bù, nên tình trạng đông đúc người dân sống bên trong Khu công nghiệp là vậy.
Ông Dũng cho biết thêm, mặc dù chính quyền địa phương đã thông báo những chủ trương của thành phố đối với các Công ty, nhà máy không tham gia sản xuất trong Khu công nghiệp này, mà chỉ phát triển các dịch vụ thương mại như khu vui chơi, nhà trẻ, trường học các cấp… Nhưng hiện trong Khu công nghiệp có nhiều Công ty sản xuất thuỷ tinh, ván ép, giỏ sách… sử dụng hoá chất, sản sinh ra khí thải, rác thải lỏng, rắn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Bà Trần Thị Nhuận – người được bồi thường nền nhà trên đường Tây Thạnh (bên trong Khu công nghiệp Tân Bình), mưu sinh bằng nghề bán nước giải khát lề đường thì than vãn, cứ mỗi ngày từ sáng cho đến tối liên tục chứng kiến cảnh kẹt xe, ô nhiễm từ ngoài đường vào trong nhà, bụi bám đen ngòm giường tủ, bàn ghế. Chính quyền cho hay đã có chủ trương di dời Khu công nghiệp đi nơi khác nhưng không biết đến bao giờ...
Mỏi mòn chờ di dời Khu công nghiệp
Đứng trước tình hình quy hoạch phát triển Khu công nghiệp xen lẫn Khu dân cư là một thách thức lớn, bởi đây là sự kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển Khu công nghiệp với quy hoạch đô thị và phân bố dân cư¬, trong đó có cả phương diện kinh tế - xã hội, tự nhiên và môi trư¬ờng. Tình trạng Khu công nghiệp “đẻ non” do chưa được chuẩn bị chu đáo khi gắn với quy hoạch nhà ở và công trình khác đang tồn tại những khó khăn, hạn chế và bất cập... làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, giảm hiệu quả phát triển kinh tế.
[caption id="attachment_64888" align="aligncenter" width="800"] Khu dân cư nằm dải rác trong Khu công nghiệp.[/caption]
Chính vì vậy, việc phát triển Khu công nghiệp trong lòng thành phố nói chung và Khu dân cư trong Khu công nghiệp Tân Bình nói riêng là một tình trạng điển hình. Việc gây nên những hệ luỵ về môi trường và an toàn dân sinh đã quá rõ ràng.
Nói về giải pháp cho vấn đề này, một đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ hí Minh từng cho rằng: Trách nhiệm thuộc về lịch sử, trước đây khu vực này (Khu công nghiệp Tân Bình) toàn đất nông nghiệp, nay dân cư vào sinh sống nên thành Khu dân cư.
Trong thời gian tới việc đề xuất thay đổi Khu công nghiệp sẽ có, nhưng cũng chỉ là “vẽ vời cho vui”. Trước mắt, chủ trương yêu cầu doanh nghiệp phải có hướng chuyển đổi, thay đổi công nghệ, loại bỏ công nghệ lạc hậu để tránh gây ô nhiễm môi trường, từ đó Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ…
Luật sư Trần Công Phượng – đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế đã quy định cụ thể: Trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất không cho phép dân cư sinh sống. Chỉ những nhà đầu tư, người làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất và những người có quan hệ công tác với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được ra vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.
Vì vậy, đối với trường hợp Khu dân cư sinh sống trong Khu công nghiệp, làm đảo lộn mọi hoạt động đến, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh như phản ánh thì đề nghị chấm dứt ngay tình trạng đấu nối đất Khu công nghiệp, nhà xưởng, Công ty thẳng tắp với đường dân sinh. Yêu cầu phải mở cổng vào đúng vị trí của Khu công nghiệp và có bảo vệ gác cổng an toàn.
Nếu trong đường Khu công nghiệp mà để tình trạng buôn bán tràn lan, hoạt động kinh doanh bác nháo trên vỉa hè thì trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý, chủ đầu tư Khu công nghiệp, vì đã không lập hành lang, hàng rào, cổng bảo vệ, để tình trạng nhếch nhác tại Khu công nghiệp. Luật sư Phượng nhấn mạnh.
Rõ ràng, hiện tại dù có hay không việc thay đổi, chuyển đổi mô hình Khu công nghiệp, nhưng thực tế người dân sinh sống trong Khu công nghiệp vẫn mong chờ từng ngày từng giờ thành phố thực thi chủ trương di dời Khu công nghiệp Tân Bình đến nơi khác, bố trí hạ tầng phù hợp, tìm giải pháp tốt và nhanh nhất để tránh tổn hại cho người dân.